Những cường quốc nóng lòng lên Mặt Trăng: Cái giá cho "cuộc đi săn" tỷ đô là gì?

Trang Ly |

Hành trình chinh phục Mặt Trăng - vệ tinh lớn nhất của Trái Đất đang khiến nhiều cường quốc vũ trụ nóng lòng hơn bao giờ hết.

Bay lên Mặt Trăng không hề rẻ. Chương trình Apollo kéo dài 13 năm (bắt đầu từ năm 1961 với sứ mệnh đưa người lên Mặt Trăng và trở về Trái Đất an toàn) vẫn giữ kỷ lục về chi tiêu của NASA - 25,4 tỷ USD năm 1973, tương đương 112 tỷ USD năm 2018.

Đó là lý do, việc các quốc gia và tổ chức tư nhân quyết tâm đổ bộ Mặt Trăng không những cho thấy khát vọng thám hiểm vệ tinh tự nhiên duy nhất và lớn nhất củaTrái Đất, mà còn thể hiện tiềm lực về kinh tế và trình độ vượt bậc của khoa học, công nghệ mà họ nắm giữ.

Ngày 9/5/2019, sau nhiều năm âm thầm hoạt động, lần đầu tiên tỷ phú giàu nhất hành tinh Jeff Bezos và công ty hàng không vũ trụ Blue Origin của mình công bố kế hoạch đổ bộ Mặt Trăng với mục tiêu lớn nhất: Bay ra ngoài không gian để gìn giữ những thứ tốt đẹp của Trái Đất.(đọc chi tiết)

Cách đó ít lâu, sau sự kiện Trung Quốc lần đầu tiên trong lịch sử đưa tàu thăm dò đổ bộ thành công nửa tối của Mặt Trăng hồi tháng 3/2019, thế giới chứng cuộc đua chạy nước rút thực sự giữa các cường quốc vũ trụ lên Mặt Trăng - Vệ tinh tự nhiên duy nhất và lớn nhất của Trái Đất.

50 năm sau ngày Mỹ lập thành tích vô tiền khoáng hậu trên Mặt Trăng - đưa người đổ bộ thành công Mặt Trăng - cuộc đua lên vệ tinh tự nhiên này tưởng chừng đã "ngủ yên" hàng thập kỷ nay lại "nóng" và ráo riết hơn bao giờ hết.

Những cường quốc nóng lòng lên Mặt Trăng: Cái giá cho cuộc đi săn tỷ đô là gì? - Ảnh 1.

Người ta ví Mặt Trăng giống như "Vịnh Ba Tư của Hệ Mặt Trời", do đó, hành trình chinh phục vệ tinh lớn nhất của Trái Đất đang khiến nhiều cường quốc vũ trụ bày tỏ tham vọng nắm trong tay những "kho báu vô giá" (là những khoáng sản cực kỳ hiếm và đắt đỏ trên Trái Đất) trên vệ tinh tự nhiên lớn nhất của Trái Đất này.

Không chỉ có vàng, bạc, bạch kim và iridium (kim loại có khả năng chống ăn mòn nhất), các nhà khoa học ước tính, Mặt Trăng có chứa đến 5 triệu tấn Helium-3, một đồng vị đắt đỏ và vô cùng hiếm (trên Trái Đất) của Helium. 

Lượng Helium-3 khổng lồ trên Mặt Trăng này có thể đủ để giải quyết nhu cầu năng lượng của loài người trong ít nhất khoảng 10.000 năm. Bộ Năng lượng Mỹ năm 2010 đánh giá, 1 gram Helium-3 có giá đến 15.000 USD, đắt gấp 300 lần so với giá vàng hoặc bạch kim cùng trọng lượng.

Theo các nhà khoa học, khai thác khoáng sản trên Mặt Trăng là đích đến thỏa mãn những tham vọng thế kỷ 21 của loài người. Đó là lý do, ngay sau khi Trung Quốc đổ bộ nửa tối của Mặt Trăng vào ngày 3/1/2019(đọc chi tiết), ngay lập tức, hai cường quốc vũ trụ Nga, Mỹ và nhiều quốc gia khác cũng bước chân vào cuộc đua đổ bộ vệ tinh cách Trái Đất 384.400 km này.

Vậy, đâu là những quốc gia, tổ chức tư nhân sẽ dấn thân lên Mặt Trăng trong thế kỷ 21 "vươn tới những vì sao" đầy sôi động này? Cùng theo dõi danh sách của National Geographic:

MỸ

Image result for Orion capsule

Orion, tàu vũ trụ NASA đang thử nghiệm để đưa con người lên Mặt Trăng và xa hơn nữa.

NASA (Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ) đã làm nên lịch sử với sứ mệnh đưa người đổ bộ Mặt Trăng lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại cách đây tròn 50 năm.

Hiện tại, cơ quan này đang triển khai kế hoạch đưa người trở lại Mặt Trăng trong 5 năm nữa, theo đúng kế hoạch của chính quyền Tổng thống Trump về sứ mệnh sẽ tái đổ bộ Mặt Trăng năm 2024), sớm hơn 4 năm so với mục tiêu năm 2028 của NASA (đọc chi tiết).

Tính cho đến nay, NASA đang nắm giữ vị trí tiên phong trong việc thiết lập một tiền đồn không gian sâu trong quỹ đạo Mặt Trăng có tên Gateway.

TRUNG QUỐC

Image result for Chang'e-4

Sứ mệnh Chang'e-4 đưa Trung Quốc trở thành quốc gia đầu tiên đổ bộ nửa tối Mặt Trăng.

Sứ mệnh thăm dò, đồ bộ Mặt Trăng là một kế hoạch âm thầm của Cơ quan Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc (CNSA).

Chương trình thám hiểm Mặt Trăng có tên Chang'e (Hằng Nga) được triển khai từ năm 2007 đến nay. Cụ thể: 2 sứ mệnh thám hiểm Mặt Trăng đầu tiên (Chang'e-1 và Chang'e-2) mới dừng ở việc bay quanh quỹ đạo Mặt Trăng. Ở sứ mệnh thứ ba Chang'e-3, năm 2013, Trung Quốc thành công trong việc hạ cánh một tổ hợp tàu thăm dò tự hành có tên Yutu (Thỏ Ngọc) tại nửa nhìn thấy được của Mặt Trăng.

6 năm sau, ngày 3/1/2019, Trung Quốc đã đạt được thành tựu mà cả Mỹ và Liên Xô (cũ) nói riêng và trên toàn thế giới nói chung chưa từng thực hiện được: Đưa tàu thăm dò Chang'e-4 đổ bộ thàng công nửa tối của Mặt Trăng. (Phân biệt Nửa tối và Nửa sáng của Mặt Trăng, tại đây).

Tất nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia vũ trụ, tham vọng của Trung Quốc vẫn còn rất cao. Trung Quốc không dễ dàng gì dừng ở sứ mệnh Chang'e-4, quốc gia này sẽ tiếp tục Chang'e-5 có nhiệm vụ mang mẫu vật từ Mặt Trăng về Trái Đất nghiên cứu.

Gần đây nhất, vào ngày 24/4, Giám đốc CNSA, ông Zhang Kejian, tuyên bố Trung Quốc sẽ xây dựng một trạm nghiên cứu khoa học trên cực Nam của Mặt Trăng trong 10 năm nữa.

NGA

Image result for lunar lander space engineers

Mô hình tàu thăm dò Luna-27 của Nga.

Không nằm ngoài cuộc đua lên Mặt Trăng thời thế kỷ 21, Nga hiện tại cũng đang "nóng lòng" thực hiện các sứ mệnh đổ bộ, thăm dò Mặt Trăng như Mỹ và Trung Quốc.

Cơ quan Vũ trụ Liên bang Nga (Roscosmos) lên kế hoạch khám phá cực Nam của Mặt Trăng, khu vực được cho là chứa nước đóng băng dưới bề mặt vệ tinh này. Sau khi khám phá, Nga dự định sẽ xây dựng một căn cứ cho người ở, từ đó tạo bàn đạp cho các sứ mệnh khám phá không gian sâu hơn.

Dự kiến, tàu thăm dò Luna-27 của Nga sẽ lên đường đổ bộ cực Nam của Mặt Trăng vào năm 2020.

Hy vọng trong tương lai, người ta sẽ thấy một nước Nga bền bì, nhiệt huyết với các sứ mệnh vũ trụ tiên phong, giống như những kỳ tích vũ trụ mà nước này từng đạt được trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

ẤN ĐỘ

Image result for moon impact probe

Mô hình của Chandrayaan-1 được trưng bày trong cuộc họp báo tại Trung tâm vũ trụ Satish Dhawan vào ngày 22/10/2008.

Ấn Độ là một trong những quốc gia châu Á dồn khá nhiều công sức cho công cuộc chinh phục Mặt Trăng.

Tháng 10/2008, Tổ chức nghiên cứu vũ trụ Ấn Độ (ISRO) khởi động chương trình Mặt Trăng với sứ mệnh mang tên Chandrayaan-1, nhằm thu thập bằng chứng quan trọng về sự hiện diện của nước trên bề mặt Mặt Trăng.

Hiện tại, ISRO đặt mục tiêu thực hiện sứ mệnh Chandrayaan-2 của mình, kết hợp với nhiệm vụ phát triển tàu đổ bộ và rover vào tháng 7/2019, sau đó nỗ lực hạ cánh theo lịch trình vào ngày 6/9/2019. Nếu thành công, Chandrayaan-2 sẽ là nhiệm vụ đầu tiên hạ cánh xuống vĩ độ cao nhất của Mặt Trăng.

NHẬT BẢN

Image result for japan manned moon mission

Dự kiến, tàu SLIM sẽ được ra mắt vào năm 2021.

Tính cho đến nay, Cơ quan thám hiểm Hàng không Vũ trụ Nhật Bản (JAXA) đã hai lần đến Mặt Trăng: Năm 1990, với tàu thăm dò Hiten và năm 2007, với tàu thăm dò quỹ đạo Mặt Trăng Kaguya.

JAXA cũng đang lên kế hoạch thực hiện sứ mệnh SLIM. SLIM là một tàu đổ bộ Mặt Trăng thông minh, nó có nhiệm vụ thử nghiệm các công nghệ hạ cánh mới của Nhật. Dự kiến, tàu SLIM sẽ được ra mắt vào năm 2021.

HÀN QUỐC

Image result for KPLO korean

KPLO là sứ mệnh Mặt Trăng đầu tiên của Hàn Quốc.

Viện nghiên cứu Hàng không Vũ trụ Hàn Quốc (KARI) đang chuẩn bị cho sứ mệnh Mặt Trăng đầu tiên của mình, mang tên KPLO vào năm 2020.

Tàu quỹ đạo Mặt trăng Hàn Quốc (KPLO), được phát triển bởi Viện nghiên cứu hàng không vũ trụ Hàn Quốc (KARI), là một tàu vũ trụ nhỏ, nặng 550kg. Quá trình chế tạ KPLO có sự hỗ trợ kỹ thuật từ NASA, đặc biệt là trong lĩnh vực viễn thông, điều hướng và thiết kế nhiệm vụ.

Đây sẽ là tàu vũ trụ đầu tiên của Hàn Quốc vượt ra ngoài quỹ đạo Trái Đất. Giống như Ấn Độ và Trung Quốc, Hàn Quốc lên kế hoạch cho một loạt các sứ mệnh Mặt Trăng đầy tham vọng nhằm tăng cường dần khả năng trong không gian sâu.

CHÂU ÂU

Image result for sci fi space elevator

Liệu một ngôi làng Mặt Trăng có trở thành hiện thực?

Vào năm 2016, Tổng giám đốc Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA), ông Jan Woerner, đã công khai ủng hộ khái niệm về một ngôi làng trên Mặt Trăng. Ngôi làng này sẽ bao gồm các nhà thám hiểm Mặt Trăng, cư dân và các tổ chức tư nhân khác.

ESA và các đối tác khác trong Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS), bao gồm: Cơ quan Vũ trụ Canada, Roscosmos và JAXA cũng đồng loạt lên tiếng ủng hộ kế hoạch Gateway của NASA.

Đến cuối năm 2019, ESA có thể sẽ hoàn thành kế hoạch đưa robot thăm dò Mặt Trăng.

SPACEX

Image result for dearmoon spacex

Starship của SpaceX kéo sẽ đưa nhóm nghệ sĩ quốc tế bay vòng quanh Mặt Trăng trong 6 ngày.

Tập đoàn Công nghệ Khai phá Không gian (SpaceX), một công ty vũ trụ tư nhân Mỹ do tỷ phú Elon Musk sáng lập, từ lâu đã nhắm đến sao Hỏa, nhưng Mặt Trăng cũng nằm trong danh sách "cần thực hiện" của SpaceX.

Dự án du lịch Mặt Trăng có tên #dearMoon project, do SpaceX điều hành, dưới sự tài trợ của tỷ phú Nhật Bản Yusaku Maezawa hứa hẹn sẽ đưa người khám phá Mặt Trăng vào năm 2023. Theo đó, chuyến bay trên tàu Starship của SpaceX kéo dài 6 ngày sẽ đưa một nhóm nghệ sĩ quốc tế thám hiểm (miễn phí) Mặt Trăng.

Tỷ phú Yusaku Maezawa hy vọng trải nghiệm du lịch không gian sẽ truyền cảm hứng cho các nghệ sĩ đi kèm trong việc sáng tạo nghệ thuật mới, nhằm thúc đẩy hòa bình trên toàn thế giới.

Dù là lên Mặt Trăng với mục đích khoa học (xây dựng trạm không gian để khám phá sâu hơn nữa, định cư trên vệ tinh này), hay mục đích kinh tế chiến lược (khai thác nguồn khoáng sản dồi dào...) thì việc con người tiến đến Mặt Trăng trong thế kỷ mới đều thể hiện khát vọng "tiến hóa" cùng công nghệ và khoa học.

Chúng ta hãy cùng đón chờ những thành quả vũ trụ xuất sắc của các quốc gia trên hành trình khám phá Mặt Trăng trong tương lai.

Phân biệt Nửa tối (Far Side) - Nửa sáng (Near Side) của Mặt Trăng

Mặt Trăng là vệ tinh tự nhiên lớn nhất của Trái Đất chúng ta. Nó đã quay quanh Trái Đất trong hơn 4,5 tỷ năm và trong thời gian đó, lực hấp dẫn của Trái Đất đã buộc tốc độ quay của Mặt Trăng phải đồng bộ với quỹ đạo của nó.

Kết quả là, cả Mặt Trăng đều quay trên trục của chính nó và quay quanh Trái Đất cứ sau 28 ngày. Điều đó có nghĩa là, một nửa bán cầu Mặt Trăng vĩnh viễn quay về phía Trái Đất, trong khi phía đối diện là nửa không nhìn thấy được của Mặt Trăng.

Nửa không nhìn thấy được của Mặt Trăng đôi khi được gọi là Nửa tối của Mặt Trăng hoặc Mặt tối của Mặt Trăng.

Gọi là Nửa tối của Mặt Trăng là vì người Trái Đất không quan sát được nó, chứ không phải nửa này không có ánh sáng Mặt Trời.

Giới thiên văn học cho biết, trong vòng 1 tháng, cả hai nửa của Mặt Trăng đều trải qua hai tuần có ánh sáng Mặt Trời, sau đó hai tuần là hai tuần chìm trong đêm tối.

*Đọc bài cùng tác giả Trang Ly tại đây.

Bài viết sử dụng nguồn: National Geographic

Ảnh: Internet

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại