Những cuốn sách có thể giết người nghe giống như một câu chuyện viễn tưởng hoặc ma quỷ, nhưng thực sự có một số cuốn sách nằm rải rác trên khắp thế giới có chất độc. Chúng từng gây ra nhiều cái chết kỳ bí cho người đọc hàng trăm năm trước và thậm chí vẫn còn đang tồn tại trong các thư viện cũ ngày nay. Mãi đến khi khoa học hiện đại phát triển, bí mật về “cuốn sách chết người” này mới được bật mí.
Những cuốn sách độc hại này từng được sản xuất hàng loạt vào thế kỷ 19 và có thể thuộc mọi lĩnh vực. Điểm “chết người” của chúng không phải trong nội dung mà là ở bìa sách. Chúng được đóng bìa trong loại vải được nhuộm bằng chất màu xanh ngọc lục bảo có tẩm thạch tín. Thời bấy giờ, người xưa chưa hiểu hết về sự nguy hiểm của chất thạch tín này trong chất nhuộm và vô tình tạo ra cả một loạt vụ đột tử bí ẩn.
selection-of-poison-books-1702706700514997861654-0959.jpg
Thực chất, loại chất độc màu xanh lá cây này còn được sử dụng để nhuộm mọi thứ từ hoa giả, trang phục chứ không chỉ là bìa sách. Sau khi vải bọc sách trở thành vật liệu thay thế phổ biến và giá cả phải chăng hơn so với da, người ta rất chuộng dùng vải làm bìa. Màu xanh ngọc lục bảo sang trọng nhưng chứa bí mật khó lường này các nhà xuất bản yêu thích.
Chất màu độc hại này được phát triển thương mại lần đầu vào năm 1814 bởi Công ty Thuốc nhuộm và Chì Trắng Wilhelm ở Schweinfurt, Đức. Nó được sử dụng ở mọi nơi, từ quần áo, giấy dán tường cho đến hoa giả và sơn. Nếu nói rằng nước Anh thời Victoria được tắm trong màu xanh ngọc lục bảo là còn nói nhẹ. Đến năm 1860 chỉ riêng trong nước đã có hơn 700 tấn bột màu xanh lục bảo được sản xuất.
Để làm chất nhuộm màu xanh ngọc lục bảo cần dùng đến thạch tín độc hại
Độc tính của asen đã được biết đến vào thời điểm đó, nhưng màu sắc rực rỡ vẫn được ưa chuộng và sản xuất tràn lan vì rẻ tiền. Giấy dán tường thải ra bụi màu xanh lá cây độc hại bao phủ thực phẩm và sàn nhà, cũng như quần áo có chứa chất gây kích ứng da đã gây nhiễm độc cho người mặc. Bất chấp những rủi ro, màu xanh ngọc lục bảo đã ăn sâu vào đời sống thời Victoria, trở thành một màu sắc đáng chết theo đúng nghĩa đen. Bất chấp tính độc hại của nó, màu sắc này chưa bao giờ bị cấm sản xuất. Nó chỉ biến mất vào thế kỷ 20 vì lý do đơn giản là hết hợp thời.
Nỗ lực thu hồi những cuốn sách độc hại về nghĩa đen
Có một điều nguy hiểm là những cuốn sách cổ bìa xanh lá này vẫn được lưu hành rộng rãi và còn tồn tại rải rác cho đến ngày nay. Melissa Tedone, trưởng phòng thí nghiệm bảo tồn tài liệu thư viện tại Bảo tàng Winterthur ở Delaware (Mỹ) đã phát động một chiến dịch có tên là Dự án sách độc nhằm xác định vị trí và lập danh mục các tập sách độc hại này.
Cho đến nay, nhóm đã phát hiện hơn 150 cuốn sách thế kỷ 19 có màu xanh ngọc lục bảo. 90 trong số chúng được phủ bằng bìa vải màu xanh lá cây sống động, và số còn lại có chất màu tích hợp trên nhãn giấy hoặc các chi tiết trang trí. Tedone thậm chí còn tìm thấy một cuốn sách màu xanh ngọc lục bảo được giảm giá tại một hiệu sách địa phương mà cô đã mua.
Các cuốn sách cũ từ thế kỷ 19 có bìa vải màu xanh được kêu gọi thu hồi
Mặc dù sau thời gian dài, những cuốn sách độc hại này có thể chỉ gây ra tác hại nhỏ trừ khi ai đó quyết định đọc ngấu nghiến một cuốn sách gần 200 năm tuổi trong nhiều giờ, nhưng những cuốn sách “chết người” này không phải hoàn toàn không có rủi ro. Những người thường xuyên sử dụng chúng, chẳng hạn như thủ thư hoặc nhà nghiên cứu, có thể vô tình hít phải hoặc nuốt phải các hạt có chứa asen trong thạch tín, khiến họ cảm thấy hôn mê, choáng váng hoặc bị tiêu chảy và co thắt dạ dày. Đối với da, asen có thể gây kích ứng và tổn thương. Các trường hợp ngộ độc asen nghiêm trọng có thể dẫn đến suy tim, bệnh phổi, rối loạn chức năng thần kinh và trong những tình huống nghiêm trọng có thể tử vong.
Vậy những cuốn sách xanh độc hại này phổ biến đến mức nào? Tedone nói: “Hơi khó dự đoán vì dữ liệu của chúng tôi vẫn còn nhỏ, nhưng tôi tin có thể có hàng nghìn cuốn sách như vậy trên khắp thế giới. Bất kỳ thư viện nào sưu tầm sách cũ từ giữa thế kỷ 19 đều có thể có ít nhất 1 hoặc 2 cuốn như vậy”.
Nguồn: National Geographic