Con tàu Soyus được các phi hành gia sử dụng để quay về Trái Đất, tháng 2/2023. Ảnh do phi hành gia người Nga Sergei Korsakov chụp. Nguồn: AP.
Theo kế hoạch, SLIM sẽ đi vào quỹ đạo quanh Mặt Trăng khoảng 3 đến 4 tháng kể từ thời điểm rời bệ phóng và có khả năng đáp xuống bề mặt Mặt Trăng sau 4 đến 6 tháng. SLIM được người Nhật gọi là "Xạ thủ Mặt Trăng". Trước đó, Nhật Bản đã thất bại trong 5 nghiên cứu phóng tàu đổ bộ lên Mặt Trăng.
Tuy nhiên, khát vọng chinh phục vũ trụ của người Nhật không vì thế mà dừng lại. Dự kiến tháng 2/2024, SLIM sẽ hạ cánh xuống Mặt Trăng.
Trước đó, ngày 4/9, một nhóm các nhà du hành vũ trụ Mỹ, Nga và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đã trở về Trái Đất an toàn, kết thúc sứ mệnh kéo dài 6 tháng trên Trạm Vũ trụ quốc tế (ISS).
Đến nay, chỉ mới có 4 quốc gia thành công trong việc hạ cánh xuống Mặt Trăng, là Mỹ, Nga (quốc gia kế thừa của Liên Xô), Trung Quốc và Ấn Độ. Kết quả đó phải đánh đổi bằng rất nhiều thất bại và rất tốn kém, nhưng khát vọng vẫn không bị dập tắt.
Trước khi SLIM của người Nhật tiếp cận được quỹ đạo Mặt Trăng (ngày 7/9) thì vào lúc 19 giờ 34 phút ngày 23/8/2023, tàu vũ trụ Chandrayaan-3 của Ấn Độ đã hạ cánh thành công gần cực nam Mặt Trăng. Tờ Hindu Times dẫn lời Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi gọi đó là "thời khắc lịch sử" đối với nước này.
Mặt Trăng có hình cầu với diện tích bằng khoảng 27% Trái Đất và khối lượng bằng khoảng 1,23% Trái Đất. Cách Trái Đất khoảng 400.000km. Còn với Sao Hỏa, khoảng cách ngắn nhất đến Trái Đất là 57 triệu km. Sao Hỏa có đường kính từ cực đến cực 6752 km; kích thước khoảng một nửa (53%) Trái Đất và nặng bằng 11% so với khối lượng của Trái Đất.
Cực nam của Mặt Trăng có sự hấp dẫn đặc biệt đối với các cơ quan nghiên cứu không gian. Trước Ấn Độ, Trung Quốc cũng đã chú ý đến địa điểm này sau một lần hạ cánh, đã ghép lại hình ảnh của các lớp bên dưới bề mặt phía xa của Mặt Trăng bằng cách sử dụng dữ liệu từ tàu tự hành Thỏ Ngọc 2. Kế thừa Liên Xô, Nga cũng đã đưa tàu vũ trụ lên cực nam của Mặt Trăng. Tuy nhiên, tàu Luna 25 đã va chạm với bề mặt Mặt Trăng trong lúc sắp hạ cánh (ngày 20/8/2023).
Cuộc đua chinh phục Mặt Trăng, chinh phục vũ trụ bao la là khát vọng của nhân loại. Từ những năm cuối thập niên 50 của thế kỷ XX, con người đã bắt đầu công cuộc khám phá bí mật của Mặt Trăng. Đầu những năm 60, Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) bắt đầu thực hiện mục tiêu “đưa một người lên Mặt Trăng an toàn, và đưa phi hành gia này trở lại mặt đất bình yên”. Để thực hiện mục tiêu đó, NASA bắt đầu thực hiện dự án Mercury. 6 chuyến bay vào không gian đầu tiên được thực hiện bằng những phi thuyền nhỏ chỉ chở được 1 người. Năm 1967, trong cuộc phóng thử nghiệm phi thuyền Apollo 1, 3 phi hành gia đã tử nạn.
Dấu mốc quan trọng nhất là vào ngày 16/7/1969, con tàu Apollo 11, với 3 phi hành gia Neil Armstrong, Michael Collins và Buzz Aldrin rời bệ phóng tại trung tâm vũ trụ Kennedy. Ngày 19/7/1969, Apollo 11 bay vào quỹ đạo Mặt Trăng. Ngày 20/7/1969, lần đầu tiên con người đổ bộ thành công lên bề Mặt Trăng. Mong ước chinh phục Mặt Trăng của con người đã trở thành hiện thực.
Khi bước chân từ phi thuyền xuống Mặt Trăng, Neil Armstrong đã nói: “Đây là bước chân nhỏ bé của một con người, nhưng là một bước tiến khổng lồ của nhân loại”.
Hơn 20 giờ đồng hồ sau chuyến đi bộ trên mặt trăng, 2 phi hành gia Neil Armstrong và Buzz Aldrin cho khởi động khoang đổ bộ của tàu Apollo 11 và kết nối với phi hành gia Collins trong chuyến bay trở về Trái Đất.
Cùng với Mặt Trăng, Sao Hỏa (thường được gọi là Hành tinh đỏ) cũng đã và đang là đích đến của những chuyến phiêu lưu của con người trong vũ trụ. Với những gì đã thu nhận được, Sao Hỏa được cho là có khả năng tồn tại sự sống. Để hiện thực hóa mục tiêu xây dựng căn cứ đầu tiên trên Sao Hỏa, NASA đã tuyển 4 tình nguyện viên sống 1 năm tại một khu vực mô phỏng môi trường giống Hành tinh Đỏ, với hy vọng tìm “chỗ ở mới” cho loài người.
Bà Grace Douglas - nhà nghiên cứu trưởng của thử nghiệm, cho biết những tình nguyện viên sống trong ngôi nhà rộng 160m2, gồm 2 phòng tắm, một nông trại để trồng rau, một phòng chăm sóc y tế, một khu vực thư giãn và một số khu vực làm việc.
Với câu hỏi: Cần bao nhiêu phi hành gia để xây dựng căn cứ đầu tiên của con người trên Sao Hỏa? Đại diện của NASA cho rằng con số đó là 22, ít hơn nhiều so với ước tính trước đây tối thiểu là 100 người.
NASA cũng cho biết việc xây dựng căn cứ của con người trên Sao Hỏa là một quá trình vô cùng phức tạp. Các cá nhân “sống thử” trên Sao Hỏa phải dựa vào nguồn tiếp tế từ Trái Đất. Họ cũng đối mặt với những thách thức về tâm lý cũng như hành vi của các cá nhân trong đội ngũ suốt một thời gian dài, nhất là khi gián đoạn nguồn tiếp tế từ Trái Đất. Mỗi chuyến đi vòng quanh Hành tinh đỏ mất đến 3 năm, và tất nhiên là không có cửa hàng tạp hóa nào trên vũ trụ. Do đó, NASA đang nghiên cứu phát triển phòng thí nghiệm ẩm thực không gian, được gọi là “căn bếp ngoài không gian”; nó sẽ giúp các phi hành gia duy trì cảm giác thèm ăn để tránh sụt cân, điều này rất quan trọng khi họ mạo hiểm ở xa Trái Đất.
Đáng chú ý, NASA đang nuôi tham vọng Sao Hỏa sẽ là “chỗ ở mới” của loài người, được dự định bắt đầu kể từ năm 2031.