Những cuộc đối đầu mới của Cơ quan tình báo Mossad

Hồng Sơn |

Từng nổi danh trên toàn thế giới bởi sự táo bạo, Cơ quan tình báo Mossad của Israel đã trải qua hàng loạt những thử thách chỉ trong vòng vài năm gần đây bao gồm những thất bại, sự thiếu tin cậy và thậm chí cả xung đột với thủ tướng…

Nhưng từ khi Thủ tướng Benjamin Netanyahu bổ nhiệm Yossi Cohen, một trong những chiến hữu thân cận nhất của mình vào chiếc ghế Giám đốc Mossad, cơ quan này được cho là được chính thức bật đèn xanh để có thể tự do tiến hành một cuộc chiến bí mật bằng mọi giá chống lại Iran, được coi là kẻ thù hàng đầu của nhà nước Do thái tại Trung Đông…

“Mọi chuyện đều diễn ra rất thuận lợi đối với chúng tôi kể từ khi Tổng thống Trump lên nắm quyền. Ông ấy phân định rõ ràng ai là người tốt, ai là người xấu” - Yossi Cohen đã không ngần ngại tuyên bố như vậy khi được mời tới một hội nghị của các bộ trưởng tài chính tại Jerusalem, trái ngược với thái độ của những người tiền nhiệm luôn tuân thủ nguyên tắc kín tiếng trước tiên.

Những cuộc đối đầu mới của Cơ quan tình báo Mossad - Ảnh 1.

Đương kim giám đốc Mossad - Yossi Cohen.

Người đứng đầu cơ quan tình báo Mossad từ năm 2016 còn ca ngợi những công lao của Tổng thống Mỹ, người trước đó đã rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran và công khai gọi nước này là một quốc gia khủng bố.

Cũng hòa theo quan điểm trên, Cohen cũng chẳng ngại che giấu về cuộc chiến bằng mọi giá chống lại Iran của cơ quan do mình đứng đầu: “Một người bạn Mỹ mới đây đã hỏi tôi rằng, điều gì sẽ xảy ra nếu chúng tôi chiến thắng Iran. Tôi trả lời rằng, nếu thắng Iran, tôi sẽ bị… thất nghiệp. Nhưng nếu không thể thắng được Iran, nhiều khả năng tôi còn không có cả nhà để ở!”.

Chiến hữu thân cận của thủ tướng Netanyahu

Thái độ công khai và tự tin của Cohen cho thấy, ông ta đang có được sự tín nhiệm hoàn toàn từ phía Thủ tướng Benjamin Netanyahu, người đã bổ nhiệm ông ta vào vị trí trên sau nhiều năm khó khăn và mâu thuẫn giữa những người đứng đầu Mossad với các đời Thủ tướng Israel.

Cohen có thể coi là một quan chức tình báo kỳ cựu của Mossad, leo lên được cương vị cao nhất tại đây sau 30 năm phấn đấu.

Ông đã từng được ông Netanyahu bổ nhiệm làm cố vấn an ninh quốc gia vào năm 2013 trước khi trở thành Giám đốc Mossad. Chính trị gia 50 tuổi này (có thể nói thành thạo tiếng Pháp và Arab) có biệt danh là “người mẫu” vì có bề ngoài trông giống một tay chơi thứ thiệt. Tuy nhiên, ông ta trên thực tế lại là người đặc biệt sùng đạo và quan điểm “diều hâu” thực sự.

Chuyên gia phân tích David Elkaim từ Trung tâm nghiên cứu tình báo của Pháp nhận định, chính sự gần gũi của Cohen với Netanyahu đã giúp tạo điều kiện cho ông ấy rất nhiều. “Cohen có một lý lịch xuất sắc, phù hợp với ván cờ mà chúng tôi đang đấu với Iran” – một chuyên gia khác của Israel nhận xét.

Với việc Cohen lên nắm quyền, Mossad dường như đã khôi phục lại chính sách nhằm triển khai những chiến dịch táo bạo nhất. Điển hình là chiến dịch tại Malaysia nhằm ám sát nhà khoa học Palestine và là thành viên của Hamas vào tháng 4-2018, cũng như giúp đỡ người Ai Cập chống lại Nhà nước Hồi giáo (IS) tại khu vực bán đảo Sinai trong nhiều tháng liền.

Những thăng trầm

Nếu nhìn lại lịch sử, Mossad trong mọi giai đoạn thăng trầm của mình cũng không bao giờ từ bỏ những chiến dịch bí mật của mình. Sau khi thành lập vào năm 1949, Mossad đã có không ít vụ việc gây tiếng vang, giúp tạo dựng hình ảnh của họ như là một trong những cơ quan tình báo hiệu quả và nguy hiểm nhất thế giới.

Cụ thể là sau vụ truy tìm và bắt giữ cựu lãnh đạo phát xít Adolf Eichmann tại Argentina vào năm 1960, cũng như săn lùng thủ phạm sát hại các vận động viên Israel tại Olympic Munich 1972, Mossad đã nổi danh là một tổ chức có phương thức hành động cực kỳ táo bạo và tàn nhẫn.

Những cuộc đối đầu mới của Cơ quan tình báo Mossad - Ảnh 2.

Những điệp viên Mossad bị nhận mặt trong thất bại đáng nhớ của tổ chức này tại Dubai.

Tuy nhiên theo lời của chính một cựu sĩ quan Mossad, hình tượng trên về một mức độ nào đó đã bị thổi phồng, do cơ quan này cũng gặp phải không ít những thất bại bị ém nhẹm hoặc không biết rõ ràng.

Điển hình trong 20 năm gần đây, một số hành động của Mossad được đánh giá là đầy mâu thuẫn, thậm chí là vụng về. Tháng 9-1997, hai điệp viên của họ bị bắt giữ tại Jordan sau âm mưu đầu độc Khaled Mashal, một thủ lĩnh lưu vong của phong trào Hamas. Vụ việc còn gây ra cả một cuộc khủng hoảng về ngoại giao giữa Israel và Jordan.

Thủ tướng Israel (khi đó cũng chính là Benjamin Netanyahu) đã phải khẩn cấp gửi tới Amman một liều thuốc giải độc để cứu Mashal, nhằm xoa dịu cơn giận dữ của nhà vua Hussein.

Thất bại này đã khiến cho người đứng đầu Mossad khi đó là tướng Danny Yatom phải từ chức. Chưa hết, người kế nhiệm sau đó là Efraim Halevy cũng bị chỉ đạo phải “nằm im thở khẽ” một thời gian để tránh sự chú ý của công luận.

Sự xuất hiện của viên tướng quân đội Meir Dagan trên cương vị đứng đầu Mossad vào năm 2002 đã đưa cơ quan này ra khỏi trạng thái “ngủ đông”. Thủ tướng Ariel Sharon khi đó rất cần một cơ quan mật vụ “trang bị vũ khí tới tận răng”, khi người Israel đang phải đương đầu với rất nhiều vụ khủng bố của những kẻ đánh bom cảm tử.

“Dagan là người ủng hộ cho những đòn triệt hạ chính xác và tấn công phủ đầu” – đánh giá của Giám đốc Trung tâm nghiên cứu tình báo Pháp Eric Denece. Tuy nhiên, vị trí của ông ta đã lung lay sau một thất bại nghiêm trọng vào tháng 2-2010.

Một nhóm hơn 20 điệp viên đã đặt chân tới Dubai bằng giấy tờ giả trong một phi vụ nhằm ám sát Mahmoud al-Mabhouh, một thành viên cao cấp của Hamas tại khách sạn.

Các điệp viên đã bị camera quan sát của khách sạn ghi lại. Cảnh sát Dubai cuối cùng đã cho công bố những đoạn băng trên và buộc tội Mossad về vụ ám sát, khiến cơ quan này phải hứng chịu một làn sóng chỉ trích dữ dội.

Chưa kể mối quan hệ về sau giữa Giám đốc Mossad và Thủ tướng Netanyahu đã ngày một xấu đi. Khi người đứng đầu chính phủ Israel tuyên bố đang cân nhắc nghiêm túc về khả năng triển khai một chiến dịch nhằm tấn công phủ đầu vào các địa điểm hạt nhân của Iran, Meir Dagan đã bày tỏ sự phản đối.

Về sau, ngay cả khi đã phải từ chức vì căn bệnh ung thư, Dagan vẫn công khai chỉ trích các kế hoạch của Netanyahu liên quan đến Iran, gọi đó là hành động nguy hiểm đối với cả khu vực. “Đó là kế hoạch ngớ ngẩn nhất mà tôi từng được nghe thấy” – cựu Giám đốc Mossad đã thẳng thừng mỉa mai Thủ tướng Netanyahu như vậy.

Thay thế Dagan từ năm 2011 là Tamir Pardo cũng có xu hướng đi theo con đường của người tiền nhiệm. Cho dù Mossad rất tích cực chống lại các dự án hạt nhân của Iran, nhưng Pardo cũng phản đối việc khởi xướng chiến tranh, vì theo ông ta rất có thể sẽ khiến tình hình vượt ngoài tầm kiểm soát.

Hơn nữa, Pardo cho rằng cuộc xung đột không chính thức với người Palestine là mối nguy cơ nghiêm trọng hơn đối với Israel nếu so với Iran. Đó cũng là lý do chính khiến Netanyahu cách chức Pardo vào năm 2015 để đưa nhân vật tin cậy Yossi Cohen lên thay thế.

Cuộc chiến không tuyên bố với Iran

Thủ tướng Netanyahu đã có tính toán khi đưa ông Cohen lên điều hành cuộc chiến chống Iran. Ngay từ năm 2002, Cohan đã trực tiếp điều hành nhiều chiến dịch bí mật của Mossad chống lại Tehran.

Thủ tướng Sharon khi đó đã giao cho Mossad phải làm tất cả những gì có thể để ngăn chặn hay trì hoãn tối đa việc hiện thực hóa chương trình hạt nhân của Iran, quốc gia đã không ít lần đe dọa sẽ xóa sổ Israel trên bản đồ thế giới.

Dù đã sở hữu tiềm lực vũ khí hạt nhân từ những năm 1960, nhưng giới lãnh đạo Israel không cho phép một quốc gia nào trong khu vực có thể tiếp cận được loại vũ khí hủy diệt này. Nhờ những thông tin do Mossad khai thác được, Israel đã từng phá hủy nhà máy điện Tammuz của Iraq vào tháng 6-1981, cũng như ném bom lò phản ứng Al-Kibar tại Syria vào tháng 9-2007.

Liên quan đến đối thủ chính Iran, Mossad đã không từ bất cứ thủ đoạn nào: lôi kéo tuyển mộ điệp viên, giúp các nhà khoa học và quân nhân chạy trốn, liên minh với các quốc gia Arab để chống lại Tehran, phá hoại các trang bị vũ khí, nghe trộm…

Cohen trong quá khứ cũng từng rất thành công trong việc tuyển mộ các nguồn tin, giúp cho ông ta thu được nhiều thông tin quí giá từ giới lãnh đạo Hezbollah và lực lượng vệ binh cách mạng tại Tehran.

Năm 2004, ông Cohen được bổ nhiệm làm chỉ huy các chiến dịch của Mossad chống lại Iran trong khuôn khổ cái gọi là “Kế hoạch Daniel”.

Lực lượng của ông còn có sự bổ sung của đơn vị quân đội mang mật danh 8200 bao gồm các chuyên gia hàng đầu về thu thập thông tin và tác chiến trên không gian mạng, giúp họ có thể giải mã nhiều thông điệp quan trọng của chính phủ Iran.

Theo nhiều nguồn tin, với sự giúp đỡ của Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ (NSA), họ đã tạo ra một loại virus máy tính nguy hiểm có tên Stuxnet lây nhiễm trên các máy tính điều khiển các thiết bị ly tâm tại nhà máy hạt nhân Natanz, làm cho chương trình hạt nhân của Iran bị chậm tiến độ mất một vài năm.

Ngoài vũ khí điều khiển học, một trò ưa thích nữa của Mossad chính là tiến hành các vụ ám sát. Theo nhà báo Ronen Bergman trong cuốn sách “Rise and Kill First: The Secret History of Israels Targeted Assassinations”, Israel đã tiêu diệt một số lượng người nhiều hơn bất kỳ một quốc gia phương Tây nào tính từ năm 1945 tới nay.

Điển hình như vào tháng 2-2008, Mossad với sự hỗ trợ của CIA đã tiêu diệt được Imad Mugniyeh, người đứng đầu phe quân sự của Hezbollah, cũng là một trong những đồng minh hàng đầu của Iran.

Vài tháng sau, một tay súng bắn tỉa Israel từ trên tàu đã thành công trong việc bắn hạ viên tướng Syria Suleiman, người khi đó đang điều hành chương trình hạt nhân của nước này, khi ông ta ăn tối với khách trên căn nhà sát biển của mình.

Từ năm 2009, Mossad đã lập một danh sách hơn chục các nhà khoa học và chuyên gia trong chương trình hạt nhân của Iran cần phải tiêu diệt. Nhiều nhân vật trong danh sách này đã lần lượt bị ám sát không lâu sau đó.

Ngày 12-1-2010, nhà vật lý nổi tiếng Masoud Ali Muhammadi thiệt mạng tại Tehran sau vụ nổ của một chiếc xe mô tô bị gài bom.

Vài tháng sau, một số kẻ lạ mặt đi mô tô đã gắn bom nam châm lên xe của hai chuyên gia Iran. Một trong số này, giáo sư Fereydun Abbasi đã may mắn sống sót. Tiếp đó là một loạt các nhà khoa học và quan chức quân đội đã bị ám sát trong giai đoạn từ 2011 đến 2013.

Chưa kể một số kỹ sư Nga bị thiệt mạng trong một tai nạn hàng không đáng ngờ vào tháng 6-2011, khi họ có kế hoạch tới Natanz để sửa chữa các thiết bị ly tâm tại đây. Mossad chỉ thực sự tạm dừng các hoạt động ám sát, sau khi cộng đồng quốc tế ký kết với Iran một thỏa thuận hạn chế các hoạt động hạt nhân của họ để đổi lấy việc gỡ bỏ một phần các biện pháp cấm vận.

Cho tới thời gian gần đây, những chiến dịch bí mật của Mossad có vẻ lại gia tăng cường độ. Vào một đêm lạnh giá tháng giêng năm 2018, một số bóng đen đã lẻn vào một nhà kho ở phía nam Tehran, phá các két sắt, chất lên một chiếc xe hòm hàng chục kiện hàng rồi chạy về phía biên giới Azerbaijan.

Đó chính là một chiến dịch của Mossad nhằm lấy cắp tại Iran hơn 50 ngàn trang tài liệu và 200 đĩa chứa dữ liệu mật về chương trình hạt nhân của nước này.

Không hề che giấu sự tự hào về thành công của chiến dịch đã được chuẩn bị trong suốt 2 năm, Benjamin Netanyahu vào ngày 30-4-2018 đã công khai giới thiệu trên truyền hình về những tài liệu lấy cắp trên, nhằm thuyết phục công luận quốc tế về việc Tehran vẫn chưa từ bỏ âm mưu tiếp tục chương trình hạt nhân của mình. “Sô diễn” đặc biệt trên diễn ra không lâu trước quyết định của Donald Trump rút khỏi thỏa thuận quốc tế với Iran.

Về phần mình, người Iran tất nhiên cũng không ngồi yên chịu trận trong cuộc chiến trên. Các cơ quan mật vụ của nước này từ nhiều năm đã theo dõi khá chặt chẽ các điệp viên của Mossad và những nguồn tin của họ.

Năm 2007, họ bắt giữ tay kỹ sư Ali Ashtari bị Mossad tuyển mộ và treo cổ anh ta chỉ một năm sau đó. Mật vụ Iran tìm cách tuyển mộ các thương gia tại Israel, cũng như tổ chức ám sát trả đũa một số nhà ngoại giao Israel tại Ấn Độ và Thái Lan.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại