Những cú "liều" đứng tim của lính xe tăng Việt Nam ở Campuchia: Điểm huyệt Khmer Đỏ

Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt |

Tất cả mọi người mắt như dán chặt theo chiếc xe tăng T-54 đang từ từ di chuyển. Ai cũng đứng tim khi móng cầu chuyển động rắc rắc, thân cầu đung đưa...

LTS: Trong lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam, chưa khi nào lại tổ chức chiến dịch tiến công hiệp đồng quân, binh chủng lớn như trong chiến dịch giải phóng Campuchia. Chỉ trong hơn một tháng, từ nhiều hướng mũi khác nhau, quân đội ta đã đánh tan quân đội Khơ me Đỏ, giúp bạn thoát khỏi thảm họa diệt chủng.

Nhân kỷ niệm 40 năm Chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam Tổ quốc và thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả, cùng với lực lượng vũ trang cách mạng, nhân dân Campuchia đánh đổ chế độ diệt chủng Pol Pot, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc loạt bài của nhiều tác giả xung quanh sự kiện đặc biệt này.

*******

Bài 1: Cuộc hành quân thần tốc đầy bão tố của Lữ đoàn xe tăng 203: Tiêu diệt Khơ me Đỏ

Bài 2: Chuyển hướng chủ yếu, dời ngày N: Quyết định vô cùng chính xác trong Chiến dịch giải phóng Phnom Pênh

Bài 3: Bộ đội Việt Nam chiếm xe tăng Trung Quốc sản xuất đánh Khmer Đỏ: Type 62 đối đầu T-54 chịu sao được nhiệt!

*******

Bài 5: Những cú "liều" của lính xe tăng Việt Nam ở Campuchia

Hướng tiến công quan trọng

Trong chiến dịch tiến công quân Khmer Đỏ, cứu dân tộc Campuchia khỏi họa diệt chủng, Quân đoàn 4 đảm nhiệm hướng tiến công phía Đông, theo đường 1 vào giải phóng Thủ đô Phnom Pênh.

Đây là một hướng tiến công rất quan trọng bởi có chiều sâu tiến công gần nhất, ngoại trừ con sông Mekong là vật cản thiên nhiên thì đường số 1 chất lượng khá tốt, thuận lợi cho tăng thiết giáp và cơ giới cơ động nên rất được quân Khmer Đỏ quan tâm bố trí lực lượng phòng thủ rất vững chắc.

Chính vì vậy, trong những ngày đầu chiến dịch, đội hình tiến công của quân đoàn gặp rất nhiều khó khăn: Sư đoàn 7 và Sư đoàn 2 không phát triển được ra Đường 10- Đôn So; Sư đoàn 341 không đánh chiếm được bờ đập Tây - Bắc Châk. Các hướng đều có tổn thất và buộc phải ngừng tiến công.

Những cú liều đứng tim của lính xe tăng Việt Nam ở Campuchia - Ảnh 1.

Vào lúc 23 giờ ngày 2.1.1979, Bộ Tư lệnh quân đoàn nhận được tin: Bộ Tổng tham mưu Khmer Đỏ hạ lệnh rút quân ở đường 10 và đường 1 về phòng ngự ở Sa Cách, Prey Veng, Neak Lương.

Ngay lập tức, quân đoàn phát lệnh tiến công theo kế hoạch, riêng Sư đoàn 341 chuyển sang thọc sâu vào đường 244 đi Sa Cách, Neak Lương.

Trên hướng chủ yếu của quân đoàn, Sư đoàn bộ binh (BB) 7 được Tiểu đoàn xe tăng (XT) 2 của Lữ đoàn 22 dẫn đầu đội hình nhằm thẳng hướng phà Neak Lương hành tiến, đánh tan nhiều chốt phòng ngự của Khmer Đỏ dọc đường 1 - trong đó có cụm cứ điểm Kongpong Trabek.

"Nhất cận thị, nhị cận giang"- Được cả hai yếu tố đó nên Kongpong Trabek (theo tiếng Việt nghĩa là Bến Cây Ổi) vốn là một thị trấn đông đúc, sầm uất nằm trên đường số 1 và ven con sông cùng tên. Tuy nhiên, dưới thời cai trị của Khmer Đỏ, thị trấn này trở nên hoang tàn

Lợi dụng địa thế đó, tại đây, quân Khmer Đỏ thiết lập một trận địa phòng ngự rất vững chắc, có sự tham gia của một số xe tăng K63-85. Tuy nhiên, pháo 85 mm của K63-85 không đọ được với pháo 100 mm của xe tăng T-54 và 3 chiếc K63-85 bị bắn cháy. Quân Khmer Đỏ bỏ trận địa tháo chạy.

Những cú liều đứng tim của lính xe tăng Việt Nam ở Campuchia - Ảnh 2.

Xe tăng trên chiến trường Campuchia.

Những cú "liều" nhưng được việc

Những tưởng con đường đến Neak Lương đã thông thoáng nhưng không ngờ lại có một trở ngại mới- đó chính là cây cầu Kongpong Trabek.

Cầu Kongpong Trabek bắc qua sông Kongpong Trabek- một nhánh của con sông Mekong. Sông không lớn song khá sâu và có đầm lầy rộng hai bên. Cầu Kongpong Trabek dài khoảng hơn 100 mét, đã được xây dựng từ thời Pháp. Trải qua năm tháng, các dầm cầu đã cong võng xuống hàng chục cm, gỗ lát mặt cầu đã bị mục nát nham nhở...

Theo tính toán và kinh nghiệm của các sĩ quan công binh đi cùng, cây cầu này giỏi lắm chỉ chịu được trọng tải chừng 10-12 tấn. Trong khi đó, những chiếc xe tăng T-54 lại nặng hơn 30 tấn nên không ai dám quyết cho qua. Tiểu đoàn trưởng Thành cũng không dám quyết.

Một phương án khác được đưa ra là làm đường vòng tránh. Tuy nhiên, với địa hình đầm lầy bao bọc như tại đây thì để làm được con đường tránh này phải cần đến vài ngày. Vì vậy, phương án này ngay lập tức bị bác bỏ. Tuy vậy, vẫn chưa ai tìm ra phương án nào khả dĩ hơn. Tất cả cùng bí rì rì.

Giữa lúc đó, một chiến sĩ lái xe tăng đứng ra xin tình nguyện lái chiếc xe tăng T-54 đi đầu qua cầu này. Để làm cho cán bộ an tâm và có lẽ cũng để tự động viên mình, người chiến sĩ đó lý luận rằng: "Cầu sắt nếu có sập thì cũng sập từ từ, có gì ta lùi xe lại".

Khi được Tiểu đoàn trưởng chấp thuận, một mình một xe, người chiến sĩ lên xe cho xe lăn từ từ đặt phân nửa thân xe lên cầu, rồi nhích lên cho toàn thân xe nằm trên cầu thì dừng lại. Từ trên xe, anh nhảy xuống đất quan sát, rồi lại lên xe đi tiếp. Bằng một tốc độ chậm và đều, anh cho xe chạy qua cầu.

Tất cả những người xung quanh mắt như dán theo chiếc xe đang từ từ di chuyển. Móng cầu chuyển động rắc rắc, thân cầu đung đưa... làm đứng tim những người chứng kiến. Nhưng rồi chiếc xe tăng đã vượt cầu an toàn.

Những cú liều đứng tim của lính xe tăng Việt Nam ở Campuchia - Ảnh 3.

Bộ đội xe tăng huấn luyện. Ảnh minh họa.

Ngay sau đó, người lái xe đó quay lại lần lượt lái 4 chiếc T-54 còn lại qua cầu. Và khi xe tăng T-54 đã qua được thì không lẽ gì K63-85 và xe thiết giáp M113 không qua được.

Cả Tiểu đoàn TTG 2 nhanh chóng qua cầu tiến về phà Neak Lương để rồi ngày 7.1.1979 họ sẽ là lực lượng đi đầu giải phóng thủ đô Phnom Pênh của Khmer Đỏ.

Thực ra, những cú "liều" như thế này cũng đã từng diễn ra trong cuộc hành quân "thần tốc" của Lữ đoàn XT 203, Quân đoàn 2 trên Quốc lộ 1 những ngày tháng 4.1975. Chắc rằng "tiếng lành đồn xa", bài học về sự "Liều" đã đến tai người chiến sĩ lái xe này và nó lại được áp dụng tại Kongpong Trabek.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại