Những cổng vòm bí ẩn phát lộ tại Thượng thành Huế

Ngọc Văn |

Sau khi người dân dời đi, cùng việc giải tỏa nhà cửa, tại Thượng thành Huế “phát lộ” những công trình, mảng kiến trúc, kết cấu xây dựng cổ xưa bí ẩn, độc đáo đến ngỡ ngàng. Tiếp đó là những cuộc giải mã để phục vụ bảo tồn, phát huy giá trị…

Chiếc cổng cổ độc đáo cạnh Đông thành Thủy quan “phát lộ” ngay sau di dời Thượng thành Huế

Chiếc cổng cổ độc đáo cạnh Đông thành Thủy quan “phát lộ” ngay sau di dời Thượng thành Huế

Phát lộ nhữngbí ẩn

Vào một ngày cuối tháng 6/2020, nhiều người dân Kinh thành Huế ngang qua đoạn bờ thành gần Đông thành Thủy quan - gần điểm kết nối giữa sông Ngự Hà và sông Đông Ba ngỡ ngàng phát hiện một phần tường gạch cổ đầy bí ẩn, lạ mắt với ô cửa vòm sẫm màu rêu phong.

Cạnh đó, bên kia đường Xuân 68 (phường Thuận Lộc, TP Huế) những gia đình sống cạnh Thượng thành cho biết từ nhỏ đến lớn chưa bao giờ trông thấy chiếc cổng gạch ô vòm cổ xưa nào tại Huế lại độc đáo, bí ẩn đến như vậy.

Điều đáng nói, công trình cổ bí ẩn này đã bị nhà cửa cây cối che phủ, lấp bít từ trước đó hàng chục năm.

Việc xuất lộ chiếc cổng cổ bí ẩn sau di dời nhà cửa ở Thượng thành Huế khiến nhiều người hiếu kỳ kéo về đây chụp hình check-in, khám phá vẻ độc đáo, lạ lẫm của một công trình tưởng chừng không hề tồn tại ở Kinh thành Huế.

Xứ Huế trở nên “sục sôi” về công trình bí ẩn này. Báo chí nhanh chóng loan tin, nhiều nhà nghiên cứu vào cuộc, với nhiều ý kiến giá trị và thú vị.

Thời điểm đó, theo nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa (nguyên Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao Thừa Thiên-Huế) phân tích trên báo chí, đây là công trình nằm ở một vị trí đặc biệt, khả năng là khu vực quan trọng, có thể là một cứ điểm của vệ binh trấn giữ thời nhà Nguyễn. Sự bí ẩn của công trình có thể gắn với một bí mật quân sự…

Qua kiểm tra bước đầu về chiếc cổng “lạ” xuất lộ bên phải cầu Lương Y - khu vực Đông thành Thủy quan, cơ quan chức năng tại Huế cho biết, công trình được xây dựng theo lối cổng vòm xuyên bờ tường gạch, bề dày khoảng 60 cm, rộng 80 cm, cao 100 cm.

Theo hiện trạng thời điểm xuất lộ, phía trên gần vòm cổng có gắn hai khối đá vuông nhỏ đục lỗ để thanh cài cổng; phía dưới cũng có hai khối đá tương tự đã bị phá hỏng, cùng với những tảng đá xanh có tiết diện lớn khá nguyên vẹn...

Theo các nhà nghiên cứu, việc phát hiện cổng vòm nhỏ xuyên qua bờ thành thuộc hệ thống Kinh thành Huế, nằm ở khu vực Đông thành Thủy quan được liên hệ đến một công trình phục vụ cho phòng thủ dưới triều Nguyễn.

Tiến sĩ Trần Đình Hằng, Viện trưởng Phân viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam tại Huế, nhận định chiếc cổng này nằm ở vị trí rất quan trọng trong hệ thống phòng thủ của triều Nguyễn, do gần với Trấn Bình đài (đồn Mang Cá), nơi đặt các pháo đài bảo vệ Kinh thành Huế xưa.

Còn theo tiến sĩ Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Thừa Thiên-Huế, nguyên Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, công trình kể trên là nơi đặt đại bác phòng thủ Đông thành Thủy quan. Bởi đây vốn là vị trí quan trọng đi từ ngoài sông vào Kinh thành Huế thuở xưa.

Thêm một điều thú vị. Sau khi chiếc cổng cổ bên phải cầu Lương Y xuất lộ, các nhà nghiên cứu và cơ quan chức năng ghi nhận thêm một công trình tương tự nằm phía tay trái cây cầu, bên kia sông Ngự Hà. Công trình thứ hai này nằm phía sau ngôi nhà của một hộ dân chưa được giải tỏa thuộc phường Thuận Lộc, trên đường Xuân 68.

Khác với công trình bên phải, chiếc cổng nhỏ xuyên tường thành thứ hai này trong tình trạng “bế môn”, bị người dân bịt kín bằng một lớp gạch bờ lô tự xây từ hàng chục năm về trước, nhằm mục đích giới hạn với khu vực bên ngoài.

Cuối cùng, những bí ẩn về hai chiếc cổng cổ xuyên thành này cũng dần được các nhà nghiên cứu, cơ quan quản lý di tích Huế “giải mã”.

Theo đó, trong tài liệu về Kinh thành Huế của Lesopld Cardière có địa danh và bản đồ cập nhật vị trí cửa trái và cửa phải của Đông thành Thủy quan. Còn ở sách Đại Nam nhất thống chí, khu vực này dùng đặt đại bác và có vệ binh canh giữ, là một vị trí rất quan trọng trên hệ thống Ngự Hà và Kinh thành Huế.

Theo Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, công trình cổng cổ ở Đông thành Thủy quan gắn với Kinh thành Huế xuất lộ sau di dời dân Thượng thành rất có giá trị. Khoảng 2 năm trước đó, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế từng khảo sát, kiểm tra hệ thống lô cốt, các công trình trên Thượng thành Huế, cũng như cho chụp ảnh lại hai cổng trái, phải ở Đông thành Thủy quan như báo chí đề cập.

Đơn vị này cho rằng, do trước đó công trình bị cây cối nhà dân cạnh đường Xuân 68 che lấp qua rất nhiều năm, nên phải đến khi giải tỏa, di dời vùng Thượng thành, chiếc cổng nhỏ xuyên qua bờ tường dày bằng gạch Kinh thành Huế bên phải Đông thành Thủy quan mới lộ ra một cách rõ ràng khiến nhiều người bất ngờ...

Còn theo các tài liệu khoa học, hai cổng nhỏ nằm ở bên trái và phải cầu Lương Y gắn với nơi đóng quân của lính bảo vệ Đông thành Thủy quan.

Phòng Nghiên cứu Khoa học thuộc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã nghiên cứu tư liệu trong cuốn “Kinh thành Huế: Địa danh” năm 1933 của tác giả Léopold Michel Cadière. Sách ghi rõ, ở vị trí 121 là cửa trái và cửa phải của Đông thành Thủy quan.

Tài nguyên du lịch quý giá

Việc di dời dân Thượng thành Huế thời gian qua tiếp tục làm phát lộ những công trình kiến trúc cổ xưa độc đáo. Đây là nguồn tài nguyên quý giá phục vụ du lịch cũng như nghiên cứu khoa học, bảo tồn di sản.

Phát lộ tiếp sau hai chiếc cổng nhỏ xuyên tường Kinh thành Huế là hệ thống pháo đài cổ trên vùng Thượng thành, tại khu vực Đông Trường đài gần cửa Đông Ba (Chánh Đông môn).

Một buổi chiều ngay sau khi dân Thượng thành dời đi. Những ngôi nhà từng che lấp pháo đài ở Đông Trường đài đã không còn, cây dại được chặt hạ thu dọn, vẻ đẹp cổ xưa đầy hoài niệm trên một góc Thượng thành được đánh thức.

Lần đầu tiên sau hàng chục năm, những người thích khám phá di sản có thể phóng tầm mắt từ những ô cửa đặt pháo (pháo nhãn) tại Đông Trường đài thẳng về phía cửa Đông Ba, để cảm nhận một góc Kinh thành phía Đông cổ kính, rêu phong bảng lảng buổi hoàng hôn.

Theo các tài liệu nghiên cứu, Kinh thành Huế là sự kết hợp của các bộ phận kiến trúc bao gồm hệ thống thành giai, phòng lộ (đường bộ) và hệ thống Hộ Thành hà, Hộ Thành hào (đường thủy), tạo thành pháo đài phòng thủ kiên cố.

Đặc biệt, ở vòng thành thứ nhất là 24 pháo đài, giác bảo (pháo đài gốc ở mỗi mặt thành), pháo xưởng, pháo môn (cửa đặt pháo, pháo nhãn) được thiết lập và bố trí rất chỉnh bị. Pháo đài cổ vừa xuất lộ sau di dời dân Thượng thành ở Đông Trường đài, cạnh cổng thành Đông Ba, là một trong những số đó.

Giờ đây, sau khu vực pháo đài Nam Xương ở mặt nam Kinh thành Huế được trùng tu, cùng với việc nhà cửa từng “đánh chiếm” nhiều pháo đài cổ lần lượt được giải tỏa, người dân và du khách có nhiều sự lựa chọn hơn trong việc tham quan, khám phá, chiêm ngưỡng những công trình độc đáo, cổ xưa tại Thượng thành mà họ khó tìm thấy ở một nơi nào khác trong cả nước, ngoài Huế.

Kinh Thành Huế có 10 cửa chính ra vào, được xây dựng dưới thời vua Gia Long và dần hoàn thiện kiến trúc như hiện nay dưới thời vua Minh Mạng.

Kinh thành Huế có tổng diện tích 520 ha, chu vi vòng thành gần 10km, cao 6,6m, dày 21m, được xây khúc khuỷu với những pháo đài phòng thủ bố trí cách đều nhau, kèm theo pháo nhãn, đại bác, kho đạn.

Bên trong thành là dân cư, gia đình hoàng gia, quan lại... sinh sống. Ngày nay, bên trong Kinh thành Huế có 4 phường, thường được gọi là các phường Thành nội Huế.

(Còn nữa)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại