Báo cáo của Navigos đưa ra bảng lương chi tiết của của người lao động tại nhiều vị trí trong các ngành nghề phổ biến tại Việt Nam. Theo báo cáo, tiền lương được xác định dựa theo phòng ban, cấp bậc và nơi làm việc của người lao động.
Mức lương của người lao động được chia ra theo mức tối thiểu và tối đa và được phân theo 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Navigos Group nhận định bức tranh thị trường Việt Nam năm 2022 có nhiều điểm sáng, lực lượng lao động có xu hướng tăng, trong đó, lao động đang có những thay đổi về nhu cầu và kỳ vọng đối với công việc.
Thông tin trong báo cáo của Navigos dựa trên phân tích phản hồi từ hơn 4,170 ứng viên tham gia khảo sát.
Có thể thấy, những vị trí có mức lương trên 500 triệu đồng/tháng (trên 21.000 USD/tháng) đều ở cấp bậc Giám đốc/ Trưởng bộ phận hoặc Giám đốc điều hành/ Tổng Giám đốc. Tẩt cả những vị trí này sẽ thuộc phòng Ban Giám đốc.
Theo báo cáo này, có thể dễ dàng thấy, không có nhiều sự khác biệt về mức lương tối đa tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Duy nhất có ngành Nông nghiệp có sự khác biệt về mức lương tối đa ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Cụ thể, vị trí Giám đốc điều hành/ Tổng giám đốc ở TP. Hồ Chí Minh có mức lương 5.000-18.000 USD/tháng, trong khi đó, cùng với vị trí này ở TP. Hồ Chí Minh có thể kiếm 5.000-25.000 USD/tháng.
Nguồn: Navigos (Đơn vị: USD/tháng)
Ngoài ra, vị trí Giám đốc/ Trưởng bộ phận của ngành Bán lẻ/ Bán buôn & Chuỗi nhà hàng cũng có mức lương trên 21.000 USD. Cụ thể, ở Hà Nội, vị trí này có mức lương khoảng 5.000-21.000 USD/tháng còn ở TP. Hồ Chí Minh mức lương sẽ là 7.000-21.000 USD/tháng.
Vị trí Giám đốc điều hành/ Tổng giám đốc ngành TMĐT/ Dịch vụ trực tuyến & Công nghệ tài chính cũng có mức lương cao. Vị trí này có thu nhập khoảng 5.000-25.000 USD/tháng ở cả 2 thành phố lớn.
Cuối cùng, vị trí có mức lương cao nhất thuộc về Giám đốc/ Trưởng bộ phận của ngành Bảo hiểm. Cụ thể, vị trí này có thể kiếm được khoảng 4.000-40.000 USD/tháng ở Hà Nội và khoảng 5.000-40.000 USD/tháng ở TP. Hồ Chí Minh.
Theo khảo sát của Navigos, bên cạnh các kỳ vọng về lương, thưởng và phúc lợi, người lao động cũng đặt thêm nhiều kỳ vọng khác vào doanh nghiệp. Điển hình như việc người lao động "Mong đợi sự an toàn từ doanh nghiệp, sự nghiệp vẫn ổn định khi có các yếu tố/ rủi ro bất ngờ xảy ra" và "Kỳ vọng văn hóa doanh nghiệp thay đổi, với môi trường cởi mở và thẳng thắn chia sẻ thông tin".
Còn về mức tăng thu nhập thực tế năm 2022, theo báo cáo, gần 27% số lao động trả lời mức lương tăng từ 5% đến dưới 10%, gần 12% lượng người được hỏi cho biết mức lương của họ ở các doanh nghiệp tăng từ 10% đến dưới 15%.
Khảo sát cũng chỉ ra có 23% số người trả lời rằng mức lương tại công ty không đổi và hơn 15% lao động cho rằng mức lương đang ít hơn 5%. Lý giải cho điều này, trên thực tế, vẫn còn nhiều Doanh nghiệp đang trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch Covid-19 nên chưa thể áp dụng chính sách tăng lương hấp dẫn hơn cho nhân viên của mình.
Đối với phần khảo sát về kỳ vọng mức lương mà doanh nghiệp dành cho lao động trong năm 2023, tỷ lệ người mong muốn lương sẽ được tăng đều hàng năm từ 10% trở lên chiếm hơn 45,6% tổng số người được hỏi. Về các khoản phụ - trợ cấp, có 5,5% người được khảo sát kỳ vọng doanh nghiệp thêm nhiều phúc lợi từ các hoạt động tập thể, văn hóa, văn nghệ, du lịch.
Họ cũng mong muốn doanh nghiệp có thêm các trợ cấp vào các ngày lễ, nghỉ trong năm (4.70%) và có sự tăng thêm các khoản phụ cấp cơ bản (4.58%). Có thể thấy, những chính sách tác động lên thu nhập là mối quan tâm và kỳ vọng hàng đầu của người lao động.
Với kết quả khảo sát trên, Navigos nhận định, sự an toàn và ổn định nghề nghiệp cũng là một trong những kỳ vọng của người lao động dành cho các doanh nghiệp trong năm 2023.
Các kỳ vọng trên dễ lý giải bởi xu hướng của người lao động hiện nay đã có sự thay đổi. Hậu Covid-19, họ bắt đầu quan tâm hơn đến các yếu tố về tinh thần và kỳ vọng vào một sự nghiệp hạnh phúc.