Trên khắp thế giới, từ Mỹ đến Đức đến Anh, một số người quyết định biến mất khỏi cuộc sống của chính mình mà không để lại dấu vết gì bằng cách từ bỏ nhà cửa, công việc và gia đình của họ để bắt đầu cuộc sống thứ hai. Họ thường không nghĩ tới cuộc sống cũ nữa.
Ở Nhật Bản, những người có ước muốn như vậy đôi khi được biết tới với tên gọi “jouhatsu” . Nghĩa đen của “jouhatsu” là "sự bay hơi", nhưng nó cũng dùng để chỉ những người cố tình biến mất và tiếp tục che giấu tung tích của họ - có thể trong nhiều năm, thậm chí nhiều thập kỷ.
Sugimoto, một jouhatsu 42 tuổi, chia sẻ: “Tôi đã chán ngấy những mối quan hệ giữa người với người. Tôi đã mang theo một chiếc vali nhỏ và biến mất. Tôi gần như đã bỏ trốn.”
Anh ấy nói rằng ở quê nhà nhỏ bé của mình, mọi người đều biết tới anh vì gia đình và doanh nghiệp địa phương nổi tiếng của họ, cơ ngơi mà Sugimoto được kì vọng sẽ tiếp nối. Nhưng con đường được vạch sẵn đó khiến anh mệt mỏi tới mức anh đã đột ngột rời thị trấn mãi mãi và không nói cho ai biết mình đi đâu.
Những động lực khiến jouhatsu muốn biến mất có thể khác nhau, từ nợ nần chồng chất đến những cuộc hôn nhân không tình yêu. Bất kể vì nguyên nhân gì, họ đều nhờ đến các công ty giúp họ trong suốt quá trình ‘bốc hơi’ này. Những doanh nghiệp này được gọi là các công ty dịch vụ “chuyển nhà vào ban đêm”, một tên gọi cho thấy bản chất bí mật của việc trở thành một jouhatsu. Các công ty này giúp những người muốn biến mất một cách kín đáo rời bỏ cuộc sống của họ và có thể cung cấp chỗ ở cho họ ở những nơi bí mật.
Nhà xã hội học Hiroki Nakamori đã nghiên cứu về jouhatsu trong hơn một thập kỷ. Ông nói rằng thuật ngữ 'jouhatsu' lần đầu được sử dụng để mô tả những người quyết định mất tích vào những năm 60. Tỷ lệ ly hôn rất thấp ở Nhật Bản, vì vậy một số người quyết định rằng sẽ dễ dàng hơn để bỏ lại vợ/chồng thay vì trải qua các thủ tục ly hôn chính thức phức tạp.
Quyền riêng tư ở Nhật Bản được bảo vệ nghiêm ngặt: những người mất tích có thể tự do rút tiền từ các máy ATM mà không bị phát hiện và các thành viên gia đình của họ không thể xem các video an ninh có thể đã quay được người thân đang chạy trốn của họ.
Nakamori nói: “Ở Nhật Bản, [con người] biến mất dễ dàng hơn. Cảnh sát sẽ không can thiệp trừ khi có lý do khác - như tội phạm hoặc tai nạn. Tất cả những gì gia đình có thể làm là trả rất nhiều tiền cho một thám tử tư. Hoặc chỉ chờ đợi. Đó là tất cả [những gì họ có thể làm]."
Tác động tới những người ở lại
Đối với những người thân bị bỏ lại phía sau, sự bỏ rơi và kết quả tìm kiếm jouhatsu trong vô vọng của họ có thể vượt quá sức chịu đựng.
Một phụ nữ giấu tên chia sẻ với BBC về sự biến mất và cắt đứt liên lạc của cậu con trai 22 tuổi: “Tôi đã rất sốc. Nó đã không thành công sau hai lần bỏ việc. Hẳn là nó đã cảm thấy đau khổ với thất bại của mình.”
Bà đã lái xe đến nơi con trai từng sinh sống, tìm kiếm những nơi gần đó và chờ đợi trong xe hàng ngày trời để xem con có xem xuất hiện không, nhưng kết quả chỉ là sự thất vọng của người mẹ.
Bà cho biết cảnh sát không giúp ích được gì, họ chỉ có thể can thiệp nếu nó có khả năng là một vụ tự sát. Nhưng vì không có giấy nhắn nào để lại, nên họ sẽ không giúp được gì.
Bà nói thêm: “Tôi hiểu là có những người lén theo dõi – thông tin có thể bị sử dụng sai mục đích. Đây có lẽ là một luật cần thiết. Nhưng những tên tội phạm, những kẻ lén theo dõi và những bậc cha mẹ không thể tìm kiếm con của mình? Tất cả họ đều bị đối xử như nhau vì luật bảo vệ này…Với luật hiện hành, không có tiền, tất cả những gì tôi có thể làm là kiểm tra xem liệu một xác chết nào đó có phải con trai tôi không.”
Nỗi lòng của những người biến mất
Với bản thân các jouhatsu, cảm giác buồn bã và hối tiếc sẽ đeo bám nhiều người trong số họ một thời gian dài sau khi họ bỏ lại cuộc sống của mình.
Sugimoto, doanh nhân đã bỏ lại vợ và con ở một thị trấn nhỏ cho biết: “Tôi luôn có cảm giác rằng mình đã làm sai điều gì đó. Tôi đã không gặp [các con tôi] trong một năm. Tôi đã nói với họ rằng tôi đang đi công tác. " Anh nói điều hối tiếc duy nhất của anh là rời bỏ họ.
Sugimoto hiện đang ở trong một ngôi nhà nằm khuất trong một khu dân cư của Tokyo. Công ty “chuyển nhà vào ban đêm” mà anh ấy sử dụng được điều hành bởi một người phụ nữ họ Saita.
Bản thân cô ấy là một jouhatsu, người đã mất tích cách đây 17 năm. Cô ấy ‘biến mất’ sau khi có một mối quan hệ bị lạm dụng về thể xác và nói rằng “theo một cách nào đó, tôi là một người đang mất tích - kể cả ở thời điểm hiện tại”.
Cô nói: “Tôi có nhiều kiểu khách hàng khác nhau. Có những người chạy trốn khỏi bạo lực gia đình nghiêm trọng hoặc vì cái tôi và tư lợi. Tôi không đưa ra phán xét. Tôi không bao giờ nói "Trường hợp của bạn không đủ nghiêm trọng". Mọi người đều có những cuộc đấu tranh riêng của họ.”
Đối với những người như Sugimoto, công ty của cô đã giúp anh ấy giải quyết những khó khăn đó của chính mình. Mặc dù anh đã biến mất, điều đó không có nghĩa là dấu vết của cuộc sống cũ của anh không còn nữa.
Anh chia sẻ: “Chỉ có con trai cả của tôi biết sự thật. Nó mới 13 tuổi. Những lời tôi không thể quên là ‘Điều gì bố quyết định là cuộc sống của bố và con không thể thay đổi nó’. Nghe có vẻ trưởng thành hơn tôi, phải không?”.