Số lượng đầu đạn hạt nhân của Mỹ và Nga vẫn ở mức cao “khủng khiếp”. Nguồn: Sina.
Bộ Ngoại giao Mỹ mới đây đã công bố dữ liệu mới nhất về số lượng đầu đạn hạt nhân của Mỹ và Nga, trong cuộc cạnh tranh giữa hai cường quốc hạt nhân này, hai bên đang nỗ lực không ngừng để nâng cấp vũ khí hạt nhân chiến lược.
Theo số liệu của Bộ Ngoại giao Mỹ, tính đến ngày 1/3/2021, tổng số đầu đạn hạt nhân chiến lược được triển khai ở Mỹ là 1.357 và ở Nga là 1.456. Dữ liệu được cập nhật 6 tháng/ lần, so với sáu tháng trước, tổng số đầu đạn hạt nhân chiến lược mà Mỹ triển khai đã giảm 100 đầu đạn, trong khi tổng số của Nga tăng 9 đầu đạn.
Tuy nhiên, số lượng đầu đạn hạt nhân chiến lược được hai bên triển khai dưới mức giới hạn 1.550 theo Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới. Đây cũng là lần đầu tiên số lượng đầu đạn hạt nhân của hai nước được công khai sau khi Mỹ và Nga tuyên bố gia hạn Hiệp ước hồi tháng 2/2021.
Một tổ chức tư vấn của Mỹ chỉ ra rằng, số lượng đầu đạn hạt nhân hiện tại của cả hai bên vẫn ở dưới mức 1.550 đầu đạn, việc tăng hoặc giảm trong phạm vi nhất định là điều hoàn toàn bình thường.
Hiện tại, 67% đầu đạn hạt nhân chiến lược của Mỹ được triển khai trên các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa phóng từ tàu ngầm.
Mặc dù số liệu chi tiết của Nga chưa được công khai nhưng có thể dự đoán rằng, hầu hết các đầu đạn hạt nhân của Nga được triển khai trên tên lửa xuyên lục địa trên đất liền.
Bắt đầu từ thời chính quyền Obama, Quân đội Mỹ đã khởi động một kế hoạch đổi mới toàn diện các kho vũ khí hạt nhân trên bộ, trên biển và trên không để phát triển các đầu đạn hạt nhân mới và các phương tiện mang đầu đạn hạt nhân. Toàn bộ kế hoạch đổi mới dự kiến sẽ tiêu tốn từ 1.200 – 1500 tỉ USD.
Hiện tại, vũ khí hạt nhân chiến lược trên bộ của Mỹ chỉ có duy nhất tên lửa LGM-30G Minuteman III, với số lượng khoảng 400 quả. Các nhiệm vụ tấn công hạt nhân trên không chủ yếu được thực hiện bởi hai loại máy bay ném bom B-2 và B-52.
Trong khi lực lượng hạt nhân chiến lược trên biển bao gồm 14 tàu ngầm hạt nhân chiến lược Ohio và tên lửa đạn đạo Trident phóng từ tàu ngầm.
Còn đối với Nga, trong những năm gần đây, chủ trương quan trọng của Nga trong lĩnh vực tên lửa đạn đạo xuyên lục địa phóng từ mặt đất là "sáng tạo cái mới trên cơ sở tận dụng và cải tạo cái cũ", và một số loại tên lửa mới đã ra đời như, tên lửa bội siêu thanh Avangard đã được đưa vào hoạt động từ tháng 12/2019.
Ngoài ra, tên lửa đạn đạo liên lục địa Sarmat với đầu đạn nặng tới 10 tấn và có khả năng phát động tấn công khắp hai cực Bắc và Nam hiện cũng đang được thử nghiệm.
Ngoài ra, lực lượng Tên lửa chiến lược Nga được trang bị nhiều vũ khí hạng nặng, bao gồm các hệ thống tên lửa Topol-M và Yars với giếng phóng silo và bệ phóng di động.
Các tàu ngầm chiến lược hạt nhân thuộc dự án 955 và 955A được trang bị tên lửa chiến lược Bulava.
Theo các nguồn tin, việc nghiên cứu và phát triển tên lửa đạn đạo xuyên lục địa thế hệ mới có tên gọi là Kedr của Nga sẽ bắt đầu vào cuối năm 2023 và đầu năm 2024.
Tên lửa liên lục địa mới sẽ thay thế những hệ thống Yars vào năm 2030. Hệ thống tên lửa mới có cả các phiên bản phóng di động và cố định.
Một thông tin quan trọng nữa là, Giám đốc điều hành kiêm Thiết kế trưởng Liên hiệp Chế tạo máy (ELSIB) trực thuộc Tập đoàn Tên lửa Chiến thuật Nga, Alexander Leonov cho biết, tên lửa đạn đạo liên lục địa UR-100N UTTKh (tên định danh của NATO SS-19 Stiletto), vốn là thiết bị bay mang phương tiện lướt siêu thanh Avangard, sẽ được kéo dài thời gian phục vụ thêm 3 năm.
Trên thực tế, Nga đang tiến hành quá trình thay thế các tên lửa UR-100N. Hiện có 50 tên lửa loại này đang hoạt động, giảm 2/3 so với giai đoạn đầu sau khi Liên Xô tan rã. Dòng tên lửa đang từng bước kế thừa nhiệm vụ từ UR-100N là RS-24 Yars (định danh NATO là SS-29).