Thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, tính đến hết năm 2016, có 6 công ty của Việt Nam có vốn đầu tư trực tiếp ra nước ngoài vượt ngưỡng 1 tỷ USD gồm: PVN, Viettel, Tập đoàn Công nghiệp Cao Su Việt Nam, Tổng công ty Sông Đà, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, Công ty Golf Long Thành.
Trong số các ngành đầu tư ra nước ngoài, khai khoáng luôn chiếm tỷ trọng lớn nhất với hơn 160 dự án và vốn đăng ký lên đến 8,5 tỷ USD, vốn thực hiện trên 3 tỷ USD. Tuy nhiên, điểm khó đánh giá là hiệu quả, lợi nhuận từ các dự án khai thác này chưa được công bố công khai.
Ở lĩnh vực nông nghiệp, vốn thực hiện của doanh nghiệp đạt gần 750 triệu USD. Các dự án tập trung vào nông - lâm nghiệp, mà đáng chú ý nhất là trồng cây cao su hay cây công nghiệp tại Lào của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai.
Trong ngành xây dựng, bất động sản, một số công ty lớn cũng đã đầu tư ra nước ngoài là Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai với dự án bất động sản lớn ở Myanmar, Công ty xây dựng và địa ốc Hòa Bình... Trong lĩnh vực hàng tiêu dùng có Vinamilk và Masan.
Tuy nhiên, các công ty này chưa công bố cụ thể về hiệu quả kinh doanh hay xếp hạng đáng kể nào với những dự án ở nước ngoài.
Những điểm sáng
Dịch vụ là lĩnh vực mà đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp Việt Nam phong phú và đa dạng nhất với nhiều ngành nghề như: Thông tin truyền thông, y tế, giáo dục đào tạo, tài chính ngân hàng, bất động sản, kho bãi, giao thông vận tải, giải trí, nghệ thuật…
Theo Bộ Kế hoạch Đầu tư, đáng chú ý nhất trong lĩnh vực này phải kể đến ngành Thông tin truyền thông.
Ảnh: Vũ Minh Quân. Đồ họa: Hương Xuân.
Điểm sáng lớn nhất về thực hiện hoạt động đầu tư vốn trực tiếp ra nước ngoài trong lĩnh vực này là Tập đoàn Viễn thông Quân đội - Viettel (đã đầu tư và kinh doanh tại 10 quốc gia ở 3 châu lục).
Tổng doanh thu từ đầu tư nước ngoài lũy kế đến năm 2016 của Viettel là 6,5 tỷ USD, riêng năm 2016 đạt 1,4 tỷ USD. Viettel cũng là công ty Việt Nam duy nhất hiện nay có doanh thu từ thị trường nước ngoài trên 1 tỷ USD/năm.
Nguồn tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, chỉ riêng dự án ở Campuchia, Viettel đầu tư 44 triệu USD nhưng đã mang lợi nhuận về nước 150 triệu USD.
Tổng tài sản của công ty viễn thông Metfone (công ty con của Viettel tại Campuchia) là 300 triệu USD, còn nếu đem bán giá trị thu về khoảng 800 triệu USD. Metfone cũng là công ty lớn nhất tại Campuchia chứ không chỉ là công ty lớn nhất trong lĩnh vực viễn thông tại đây.
Số liệu cập nhật từ Viettel cho thấy, tính lũy kế kể từ khi đầu tư nước ngoài đến hết tháng 6/2017, Tập đoàn này đã thu về lợi nhuận hơn 520 triệu USD. Trong số 10 quốc gia nước ngoài mà Viettel đã đầu tư, công ty này chiếm vị trí số 1 về thị phần viễn thông tại 5 quốc gia (Campuchia, Lào, Đông Timor, Mozambique và Burundi).
Ngoài Viettel, ngành dịch vụ còn có một công ty khác cũng hoạt động khá hiệu quả: FPT. Công ty này đầu tư ra nước ngoài từ rất sớm (1998), sau nhiều thất bại, hiện FPT đang hoạt động ở 21 quốc gia trên thế giới (trong đó riêng lĩnh vực phần mềm là 12 nước).
Nguồn tin từ FPT cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2017, xuất khẩu phần mềm (FPT Software) là đơn vị đóng góp lợi nhuận lớn nhất cho FPT với 500 tỷ đồng.
Vì sao phải đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài?
Giải thích về lý do đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài, ông Hoàng Nam Tiến – Chủ tịch FPT Software nhận xét: Thị trường trong nước sẽ bão hòa trong một số lĩnh vực và muốn tăng trưởng mạnh cần hướng ra nước ngoài.
“Riêng với FPT, thị trường quốc tế mới là mảnh đất dụng võ. Vươn ra thị trường toàn cầu, chúng tôi nhận thấy Việt Nam không còn bị bỏ xa hàng thập kỷ hay hàng thế kỷ như các cuộc cách mạng công nghiệp trước đó mà chỉ chậm hơn một vài năm”, ông Tiến chia sẻ.
Đồ họa: Hương Xuân.
Trong khi đó, ông Lê Đăng Dũng – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel, cho biết, hơn 10 năm trước, Tập đoàn này quyết định phải đầu tư ra nước ngoài vì thị trường trong nước rồi sẽ bão hòa và Viettel cần chuẩn bị cho sự tăng trưởng trong tương lai.
Thứ hai, việc đầu tư ra nước ngoài sẽ giúp công ty tăng sức mạnh và có nhiều kinh nghiệm quý giá khi phải cạnh tranh với những tập đoàn viễn thông lớn nhất thế giới như AT&T, Vodafone, Telefónica, Airtel…
Thứ ba, đó là một môi trường đạo tạo nhân sự tốt nhất. Ông Lê Đăng Dũng khẳng định: “Đó là hướng đi chiến lược nếu Viettel muốn tiếp tục phát triển mạnh và trường tồn”.
Trong khi đó, một quan chức cấp cao của Bộ Kế hoạch Đầu tư nhận xét: Trên tổng số vốn đầu tư giải ngân thực tế ở nước ngoài khoảng 6,5 tỷ USD (lũy kế), số lợi nhuận đem về nước khoảng 1,5 tỷ USD của các công ty Việt Nam là một kết quả tích cực.
Tuy nhiên, lợi nhuận không phải là thước đó quan trọng duy nhất khi đánh giá một khoản đầu tư ra nước ngoài của một công ty.
Ông này cho biết, nhiều dự án đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam đang trong giai đoạn triển khai như nông lâm nghiệp, viễn thông, thủy điện… Vì vậy, trong vài năm đầu, việc chưa có doanh thu và lỗ là chuyện bình thường. Khi dự án chính thức hoạt động, doanh thu mới phát sinh và lợi nhuận khi đó mới đến.
Ngoài ra, hiệu quả của các dự án đầu tư ra nước ngoài cần tính đến là việc vị thế và sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam được nâng cao, học hỏi được nhiều kinh nghiệm, công nghệ mới của các nước phát triển.
Đặc biệt, hoạt động đầu tư ra nước ngoài giúp Việt Nam tăng cường hợp tác kinh tế quốc tế, bảo đảm an ninh, quốc phòng và tham gia mạnh mẽ hơn vào chuỗi phân phối lao động toàn cầu.