Khi một quả trứng bọ ngựa nở ra một con đực, chúng ta đã biết rằng cuộc đời nó sẽ rất khổ. Bọ ngựa đực phải tự đi kiếm ăn một mình ngay từ khi mới lột xác. Chúng lớn lên và phải chiến đấu với những con bọ ngựa lớn hơn ngày nào cũng chực chờ ăn thịt đồng loại.
Bên cạnh đó, bọ ngựa đực cũng phải chui rúc, và lẩn trốn khỏi các thiên địch khác như chim và thằn lằn. Sứ mệnh của bọ ngựa đực chỉ là chờ đến tuổi trưởng thành, tìm kiếm một con bọ ngựa cái để giao phối.
Cuộc giao hoan của bọ ngựa đực kéo dài khoảng 13 giây. Sau đó, chúng sẽ bị con cái cắn đầu, giết chết và ăn thịt. RIP bọ ngựa đực!
Nathan Burke, một nhà côn trùng học tại Đại học Auckland, chuyên gia nghiên cứu bọ ngựa cho biết: "Bất kể khi nào bắt gặp một con cái, bọ ngựa đực cũng đang đẩy mình vào vị thế người chơi trò roulette Nga".
Mặc dù không phải loài bọ ngựa nào trong số 2.000 loài bọ ngựa trên thế giới cũng ăn thịt bạn tình của mình, nhưng ở một số loài ví dụ như bọ ngựa Springboks, tỷ lệ con đực bị ăn thịt bởi con cái sau cuộc gặp gỡ tình dục đầu tiên lên tới 60%.
Tất cả những con bọ ngựa đực vì thế đều tỏ ra hết sức thận trọng khi tiếp cận bạn tình tương lai của mình. Khó mà có thể trách chúng.
Những con bọ ngựa đực đang tiến hóa để không bị bọ ngựa cái ăn thịt sau giao phối
Đó là kết luận từ một nghiên cứu mới của Burke, cho thấy những con bọ ngựa đực Springboks đang tiến hóa để trở nên thông minh hơn. Chúng biết rằng mình có thể bị ăn thịt sau khi giao phối, nên đã học được một chiến lược để ngăn chặn điều đó xảy ra.
"Dưới sự đe dọa của cuộc tấn công ăn thịt đồng loại, bọ ngựa đực đã cố gắng khuất phục bọ ngựa cái bằng bạo lực", Burke cho biết. Điều đó có nghĩa là chúng sẽ tấn công bọ ngựa cái ngay từ cái nhìn đầu tiên, khuất phục bọ ngựa cái phải giao phối với chúng sau đó đánh trọng thương bạn tình hung hãn của mình để trốn thoát trước khi bị ăn thịt.
"Điều này cho thấy cuộc vật lộn giữa bọ ngựa đực và bọ ngựa cái vừa là một chiến thuật giao phối vừa là một chiến thuật sinh tồn của con đực", Burke nói. Chìa khóa để chiến thắng chính là ai sẽ là kẻ tấn công trước.
Trong nghiên cứu của mình trên tạp chí Biology Letters, Burke và các đồng tác giả đã theo dõi 52 cặp bọ ngựa khi chúng giao phối với nhau. Ông nhận thấy nếu con bọ ngựa đực tấn công con cái trước, bằng hai càng kiếm có răng cưa của chúng, thì con bọ ngựa đực sẽ có 78% cơ hội thoát thân khỏi bạn tình của mình và không bị ăn thịt.
Với một số loài bọ ngựa khác, con đực thường sẽ đánh lạc hướng con cái để lẻn mất sau khi giao phối. Nhưng bọ ngựa Springboks chọn việc chiến đấu trước. Chúng thường gây ra một vết thương nặng nhưng không gây tử vong trên bụng bọ ngựa cái. Vết thương này sẽ làm yếu bọ ngựa cái nên nhờ vậy, bọ ngựa đực có thể giữ lại được cái đầu của mình.
Burke cho biết đây là một chiến lược giao phối mà bọ ngựa Springboks đực đã tiến hóa để học được. "Trước đây, không có một hành vi nào như vậy từng được ghi nhận. Vì vậy, tôi đã rất ngạc nhiên khi phát hiện ra những con bọ ngựa đực làm bị thương những con cái trong khi cố gắng khuất phục chúng để giao phối", ông cho biết.
Trong 52 cặp bọ ngựa tình nhân, những con đực hiền lành không tấn công con cái trong cuộc giao phối đều đã đều kết thúc với một kết cục bi thảm. Chúng luôn bị giết chết và bị ăn thịt bởi chính bạn tình của mình.
Vết thương trên bụng một con bọ ngựa cái sau khi bị bọ ngựa đực tấn công để giao phối.
Sinh sản vô tính
Springbok hay Miomantis caffra là một loài bọ ngựa có màu xanh lá cây sáng. Chúng có nguồn gốc từ miền nam Châu Phi, nhưng đã lan sang New Zealand, miền nam Châu Âu và California, có thể là thông qua các cuộc buôn bán vật nuôi giữa con người.
Giống nhiều loài bọ ngựa khác, những con Springbok cái ăn thịt con đực vì những chất dinh dưỡng có lợi cho chúng khi lớn lên và mang thai. Trong so sánh, nhiều loài côn trùng khác như bọ cạp, nhện goá phụ đen cũng có tập tính ăn thịt đồng loại khi con cái giao phối xong và giết chết con đực.
Ở những loài này, con cái thường có cơ thể to lớn và khỏe mạnh hơn con đực. Nhờ vậy, chúng có thể giành lợi thế hơn trong cuộc giao phối. Nhưng ngoài một cơ thể lớn hơn, cái càng gai to hơn và nhọn hơn, bọ ngựa Springbok cái còn có một khả năng đặc biệt: Chúng có thể sinh sản vô tính.
Điều đó có nghĩa là bọ ngựa Springbok cái không cần đến con đực để thụ tinh để sinh con, chúng có thể tự mình đẻ trứng và nở ra bọ ngựa con. "Bọ ngựa Springbok cái có thể tự tạo ra các bản sao của chính mình mà không cần giao phối", Burke cho biết.
Đặc điểm này đặt ra một câu hỏi thú vị: Nếu bọ ngựa Springbok cái có thể sinh sản vô tính, và đồng thời, chúng có thể ăn thịt con đực, thì bọ ngựa Springbok đực tồn tại để làm gì?
Trong nghiên cứu của Burke, ngay cả khi những con bọ ngựa đực Springbok tấn công và chiến thắng con cái, chưa chắc chúng đã thực hiện hành vi giao phối. Một phần ba những con bọ ngựa đực đã bỏ đi, và trong số 2/3 số bọ ngựa đực chiến thắng, cũng chỉ có một nửa thực hiện cú đâm vào bụng con cái để trốn thoát.
"Đó là lý do thúc đẩy tôi xem xét kỹ lưỡng các chiến thuật giao phối của bọ ngựa Springbok đực", Burke cho biết. Ông giải thích, lý thuyết xung đột tình dục gợi ý những con bọ ngựa đực trong tình huống này nên tiến hóa các biện pháp đối phó để giúp chúng giao phối và duy trì mối quan hệ với con cái.
Duy trì mối quan hệ với bọ ngựa cái là lý do duy nhất mà bọ ngựa đực Springbok có thể sinh tồn. Bởi nếu chúng không bám víu vào sợi dây này, bọ ngựa đực Springbok có thể sẽ sớm tuyệt chủng. Đó là cách mà tiến hóa vẫn đang vận hành, nếu bạn muốn tồn tại, bạn phải chiến thắng trong cuộc đua chọn lọc tự nhiên.
Tham khảo Sciencealert