Nhắc đến viện bảo tàng chắc hẳn ai cũng nhớ đến một nơi đầy "nghiêm túc và trang trọng", nơi lưu giữ ký ức hàng ngàn, hàng vạn năm của con người. Tuy vậy, quá khứ đã phủ đầy bụi ấy đâu chỉ gồm những sự kiện vĩ đại, nó còn là từng chút từng chút dấu tích hỉ, nộ, ái, ố mà con người để lại trong cả cuộc đời.
Những cổ vật "lạc loài" dưới đây sẽ cho chúng ta một cái nhìn hoàn toàn khác về cuộc sống và văn hóa của con người thời cổ đại. Hóa ra tổ tiên chúng ta cũng có khiếu hài hước đó chứ!
Đèn gốm sứ cá cóc thời Đông Hán (25-220)
Cổ vật có hình thù kỳ quái này có tên gọi là đèn gốm cá cóc, hiện được lưu giữ ở Bảo tàng Tứ Xuyên, Trung Quốc. Nếu chỉ nhìn thoáng qua chúng ta rất dễ lầm tưởng đó là một con cua lớn đang giương càng đe dọa. Thế nhưng thực tế đây lại là tổ hợp gồm ba con vật cá uyên ương, cóc và rùa hợp thành.
Rất nhiều du khách khi nhìn thấy chiếc đèn này đều có chung một câu hỏi: Tại sao người xưa không sử dụng hình ảnh hoa cỏ chim muông mà lại lựa chọn con cóc có hình dáng sần sùi xấu xí như vậy để làm đèn? Câu trả lời nằm trong quan niệm của người dân về mặt trăng hình thành từ hàng ngàn năm trước.
Ngày xửa ngày xưa, vào cái thời mà mặt trăng vẫn là một tinh cầu thần bí mang ánh sáng cho vạn vật trong đêm tối, con người đã thần thành hóa mặt trăng và tưởng tượng những mảng tối trên đó là cung Quảng Hàn với Hằng Nga, cóc tiên, thỏ ngọc...
Trong văn hóa dân gian Trung Quốc, cung Quàng Hàn còn được gọi với một cái tên khác là Cung "Con cóc". Con cóc chính là hiện thân của mặt trăng, cho ánh trăng.
Cận cảnh "Đèn cá cóc" tại Bảo tàng Tứ Xuyên. Nguồn: Sohu
Tượng đầu heo thời nhà Đường (618-907)
Vào năm 1972, một cổ vật kỳ lạ đã được phát hiện tại nghĩa trang Astana, Turpan thuộc khu tự trị Tân Cương. Đó chính là bức tượng đầu heo mình người với nụ cười vô cùng "táo tợn".
Bức tượng này cao 79cm, phần đầu được mô phỏng theo đầu heo một cách vô cùng chân thực: Chiếc mũi tròn đặc trưng kéo dài về phía trước, răng nanh mọc dài tạo nên các nếp nhăn nơi khóe miệng. Bức tượng này là một phần trong văn hóa thờ cúng 12 con giáp của người xưa.
Từ thời Tiên Tần (trước năm 221 TCN) Trung Quốc đã có một hệ thống 12 con giáp hoàn chỉnh, đến thời nhà Tùy và nhà Đường, việc đúc tượng 12 con giáp cho các mục đích khác nhau đã trở nên vô cùng phổ biến trong dân gian. Bức tượng đầu heo này có thể là vật trang trí hoặc cúng bái của người dân.
Bức tượng đầu heo trong trang phục thời Đường. Nguồn: Sohu
Cú đồng nhà Thương (1766 TCN–1122 TCN)
Bức tượng "Angry Bird" dưới đây đã có tuổi thọ gần bốn ngàn năm, là sản phẩm của các thợ thủ công dưới thời nhà Thương (1766 TCN–1122 TCN). Trên thực tế, đây là một thiết kế ly uống rượu đầy sáng tạo và nghệ thuật.
Tầng lớp quý tộc nhà Thương và nhà Tây Chu rất ưa chuộng chú cú mũm mĩm có hai mắt tròn xoe này. Hiện cổ vật đang được trưng bày tại Bảo tàng Sơn Tây, Trung Quốc.
Chiếc ly uống rượu thời nhà Thương. Nguồn: Sohu
Sư tử Kim Môn thời Trung Hoa Dân Quốc (1912-1949)
Bạn có tin rằng hai chú sư tử nhìn có vẻ "tấu hài" này lại được người dân thời Trung Hoa Dân Quốc tin tưởng để xua đuổi tà ma không?
Bạn không đọc nhầm đâu, những chú sư tử như thế này thường được người dân Phúc Kiến đặt trước cửa nhà để xua đuổi tà ma, cầu tài vận và con cái. Tuy nhiên, trong khi hình tượng sư tử bình thường đều rất hung tợn và đáng sợ, không hiểu vì lý do gì những chú sư tử Phúc Kiến này lại có gương mặt thân thiện với nụ cười toe toét như vậy.
Tượng sư tử Kim Môn giúp xua đuổi tà ma. Ảnh: Sohu
Tượng thần mặt trời Thời đại đồ đá mới (10000 TCN- 2000 TCN)
Bức tượng mang dáng vẻ "hờn dỗi" là cổ vật có tuổi thọ lớn nhất trong danh sách với niên đại 5.000 - 6.000 năm, là kiệt tác nghệ thuật chế tác ngọc thời Văn hóa Hồng Sơn (4700 TCN- 2900 TCN).
Đây là tác phẩm điêu khắc nhân tạo về thần mặt trời với đặc điểm đôi mắt lồi, mỏ lợn. Bức tượng được khéo léo khắc họa trong tư thế hai tay ôm ngực và cúi đầu trầm ngâm như đang suy tư. Hiện nó đang được trưng bày tại Bảo tàng Cực quang Thượng Hải.
Tượng thần mặt trời tại Bảo tàng Cực quang Thượng Hải. Nguồn: Sohu
Bài viết tham khảo từ Sohu