Năm 2019 thị trường chứng khoán đã chứng kiến khá nhiều thăng trầm của nhiều mã cổ phiếu, trong đó có những "cú sốc" cả về tốc độ tăng giá cũng như giảm sâu của các cổ phiếu khiến không ít các nhà đầu tư dở khóc dở cười.
Hàng loạt những cái tên được nhắc đến như FTM của Đức Quân Fortex, TTB của Tập đoàn Tiến Bộ, SIP, NTC của ngành khu công nghiệp hay cá biệt như IPH của một doanh nghiệp "bé hạt tiêu"...
Những cái tên còn "nóng hổi nhất": TTB của Tập đoàn Tiến Bộ
Trước hết, hãy điểm qua cái tên còn nóng hổi nhất trên thị trường những ngày cuối năm là TTB của Tập đoàn Tiến Bộ. Bắt đầu từ giữa tháng 10/2019, TTB đang giao dịch sát vùng giá 23.700 đồng/cổ phiếu, còn trước đó trong năm 2019 đã có lúc lên đến 26.000 đồng/cổ phiếu.
Chuỗi giao dịch bất thường bắt đầu tư 8/11/2019 với chuỗi 8 phiên giảm sàn liên tiếp, khiến cổ phiếu TTB mất đi một nửa giá trị, về vùng giá 10.800 đồng/cổ phiếu.
Ngay sau đó lãnh đạo công ty đã phải lên tiếng giải trình rằng không có bất thường nào xảy đến, hoạt động kinh doanh của công ty vẫn diễn ra bình thường, doanh thu và lợi nhuận quý 3 vẫn tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm trước đó. Các dự án vẫn tiếp tục triển khai.
Trước thông tin của Tập đoàn đưa ra, cổ phiếu TTB chững lại đà giảm mấy phiên, nhưng ngay sau đó lại tiếp tục chuỗi giảm sàn 10 phiên liên tiếp, đưa giá cổ phiếu về quanh mức 5.100 đồng/cổ phiếu – mất đi khoảng 80% giá trị sau khoảng 1 tháng.
Chuỗi giảm điểm của TTB vẫn chưa chấm dứt dù công ty đã thực hiện động thái mua cổ phiếu quỹ để bình ổn giá. Hiện đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng năm 2019 của TTB ở mức 4.250 đồng/cổ phiếu và tiếp tục giảm những phiên đầu năm 2020. Thậm chí, nhiều lãnh đạo công ty còn bị bán giải chấp cổ phiếu.
Liệu có phải TTB là "bản sao" của FTM?
Trước khi cổ phiếu TTB biến động, thị trường chứng khoán đã chứng kiến một "hiện tượng" khác – cổ phiếu FTM của Đức Quân Fortex. Có người còn ví TTB là "phiên bản" lặp lại của FTM.
Cổ phiếu FTM đã bất ngờ giảm sàn đến 30 phiên liên tiếp, từ vùng giá 23.600 đồng/cổ phiếu xuống xấp xỉ 2.800 đồng/cổ phiếu, tương ứng mất đi gần 90% giá trị.
Cùng với đó thanh khoản thị trường cũng giảm khiến nhà đầu tư muốn thoát hàng cũng rất khó. FTM đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng của năm 2019 trên HoSE ở mức dưới 2.000 đồng/cổ phiếu. Dù vậy thanh khoản thị trường của cổ phiếu FTM cũng rất lớn.
Diễn biến giá cổ phiếu FTM trong 1 năm gần đây.
Khác với kết quả kinh doanh tăng trưởng của TTB, Đức Quân Fortex lại giảm mạnh với báo lỗ quý thứ 3 liên tiếp, nâng tổng lỗ 9 tháng đầu năm 2019 lên 43 tỷ đồng. Trước chuỗi giảm điểm triền miên, ban lãnh đạo Fortex cũng đã lên tiêng giải trình và khẳng định hoạt động kinh doanh của công ty vẫn đang bình thường.
Cùng với biến động về cổ phiếu và kết quả kinh doanh, Fortex cũng chứng kiến biến động nhân sự cấp cao nhất – Chủ tịch HĐQT công ty. Ông Nguyễn Hoàng Giang đâm đơn từ chắc trong bối cảnh rối ren nhất. Đức Quân ngay lập tức tổ chức họp bất thường và ông Lê Mạnh Thường được bầu làm Chủ tịch mới của công ty.
Những cổ phiếu tăng sốc trong năm
Trước khi những cái tên FTM hay TTB được nhắc đến thì các nhà đầu tư đã nhiều phiên "sốc" với những mã cổ phiếu gây bất ngờ. Ví dụ điển hình như BOT của CTCP BOT Cầu Thái Hà – doanh nghiệp lên sàn giữa tháng 2/2019.
Nói đến BOT Cầu Thái Hà – đây là oanh nghiệp được thành lập do liên doanh góp vốn từ 3 nhà đầu tư là Công ty TNHH Tiến Đại Phát – CTCP Tư vấn và Xây dựng Phú Xuân – CTCP Đầu tư và XNK Bình Minh để đầu tư xây dựng dự án công trình cầu vượt Thái Hà, công ty thành lập năm 2014. Dự án có tổng mức đầu tư 1.709 tỷ đồng và mới chính thức thu phí từ 10/2/2019.
Xét về kết quả kinh doanh, BOT Cầu Thái Hà không có điểm nổi bật, thậm chí còn lỗ ngay khi lên sàn do chi phí tài chính phải bỏ ra còn lớn từ khoản nợ thuê tài chính hơn nghìn tỷ đồng. Còn tính chung đến 9 tháng đầu năm 2019 BOT Cầu Thái Hà đã lỗ 128 tỷ đồng.
Dù không có nhiều điểm nhấn, cổ phiếu BOT chào sàn Upcom với giá tham chiếu 10.000 đồng/cổ phiếu nhưng ngay lập tức đã có 10 phiên tăng trần liên tiếp với số cổ phiếu khớp lệnh mỗi phiên không nhiều.
BOT nhanh chóng tạo đỉnh mới ở mức 58.600 đồng/cổ phiếu, và điều chỉnh dần, đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng của năm 2019 quanh mức 55.900 đồng/cổ phiếu – gần gấp 6 lần giá chào sàn.
Diễn biến giá cổ phiếu BOT từ khi lên sàn.
Nói đến các cổ phiếu tăng mạnh trong năm không thể không nhắc đến các cổ phiếu của ngành khu công nghiệp, mà cái tên thường xuyên được nhắc đến là NTC của KCN Nam Tân Uyên. Từ mức giá 72.500 đồng/cổ phiếu hồi đầu năm, NTC đã tăng mạnh lên gần 191.000 đồng hơn nửa năm sau đó, gấp 2,6 lần hồi đầu năm.
Tuy nhiên sau đó NTC có nhịp giảm sâu về dưới mức 146.000 đồng/cổ phiếu trước khi tăng trở lại và đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng năm 2019 ở mức 165.700 đồng/cổ phiếu. Nam Tân Uyên cũng là doanh nghiệp thường xuyên được nhắc đến khi chia cổ tức rất cao cho cổ đông.
SIP – cổ phiếu mang lại nhiều cung bậc cảm xúc trong năm
Cũng là cổ phiếu ngành khu công nghiệp, nhưng SIP lại mang đến những cung bậc cảm xúc khác cho cổ đông. Hơn 69 triệu cổ phiếu SIP chào sàn từ 6/6/2019 với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 17.200 đồng/cổ phiếu.
Ngay sau khi SIP lên sàn, hẳn những nhà đầu tư lạc quan nhất về cổ phiếu ngành khu công nghiệp cũng không thể viết nên kịch bản như SIP khi tăng 8 lần, lên 140.000 đồng/cổ phiếu.
Sau đó là những chuỗi ngày giảm nhiệt và hiện SIP đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng năm 2019 ở mức 95.500 đồng/cổ phiếu – vẫn gấp 5,5 lần giá thời điểm chào sàn.
Ngoài sức hút đến từ một cổ phiếu ngành khu công nghiệp, thì kết quả kinh doanh của công ty cũng rất tích cực với doanh thu 9 tháng đầu năm 2019 đạt 3.104 tỷ đồng, tăng 37% so với cùng kỳ và vượt 3,5% kế hoạch cả năm. Lợi nhuận sau thuế đạt gần 416 tỷ đồng, gấp 2,9 lần cùng kỳ và đã vượt gấp đôi so với kế hoạch lãi 200 tỷ đồng đặt ra cho cả năm.
Ngoài ra, BAX – cổ phiếu của CTCP Thống Nhất cũng để lại nhiều ấn tượng. Từ vùng giá 27.700 đồng/cổ phiếu hồi đầu năm, BAX bất ngờ tăng mạnh lên mức 78.000 đồng/cổ phiếu trước khi giảm mạnh và đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng của năm 2019 ở mức 50.400 đồng/cổ phiếu.
Diễn biến giá cổ phiếu BAX trong 1 năm gần đây.
Kết quả kinh doanh của công ty cũng ấn tượng với doanh thu thuần 9 tháng đầu năm đạt 163 tỷ đồng, gấp 3,2 lần cùng kỳ còn lợi nhuận sau thuế đạt 69,5 tỷ đồng, gấp 3,7 lần cùng kỳ và hoàn thành khoảng 87% kế hoạch lợi nhuận đặt ra cho cả năm. EPS đạt 8.486 đồng/cổ phiếu.
TNS Holdings – doanh nghiệp trong ngành quản lý vận hành tòa nhà
Một cái tên khá "lạ" nhưng không quá xa lạ khác là TNS Holdings – một thành viên của TNG Holdings – là doanh nghiệp hoạt động chính trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ trọn gói nhằm vận hành, quản lý tòa nhà dân cư, khu văn phòng, bao gồm cả dịch vụ vệ sỹ và vệ sinh.
TNS Holdinngs đăng ký niêm yết trên HoSE với mà chứng khoán TN1, giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 30.000 đồng/cổ phiếu. Ngay khi lên sàn, TN1 đã có 8 phiên tăng trần trong tổng số 15 phiên giao dịch đầu tiên. TN1 nhanh chóng tăng gấp đôi lên 59.400 đồng/cổ phiếu chỉ sau khoảng nửa tháng lên sàn.
Diễn biến giá cổ phiếu TN1 từ khi lên sàn.
Và nhịp tăng thứ 2 đã đẩy giá cổ phiếu TN1 lên 67.200 đồng/cổ phiếu trước khi điều chỉnh giảm, nhưng vẫn duy trì mức giá rất cao, hơn gấp đôi ngày chào sàn. TN1 đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng năm 2019 trên HoSE ở mức 64.000 đồng/cổ phiếu, thanh khoản thị trường tăng đáng có so với hồi mới lên sàn.
Về Kết quả kinh doanh, doanh thu 9 tháng đầu năm 2019 đạt 421 tỷ đồng, tăng 15,2% so với cùng kỳ, còn lợi nhuận sau thuế đạt 87 tỷ đồng, tăng 43% so với lợi nhuận đạt được 9 tháng đầu năm ngoái. EPS đạt 6.505 đồng.
Những cổ phiếu tăng sốc – giảm sâu: Đứng đầu là KHD của khoáng sản Hải Dương
Với FTM và TTB là giảm sâu theo một chiều, còn KHD của Khoáng sản Hải Dương lại khiến các nhà đầu tư quan tâm dở khóc dở cười. Đang ổn định ở mức giá 9.800 đồng/cổ phiếu, KHD bất ngờ tăng mạnh lên đến 66.400 đồng/cổ phiếu, gấp 7 lần giá lúc chưa biến động.
KHD duy trì mức giá đó được gần 2 tháng trước khi lao dốc vào giữa tháng 8, có lúc về dưới mệnh giá, và hiện giao dịch quanh mức 11.500 đồng/cổ phiếu – quay lại gần mức giá thời điểm tăng mạnh. Trong đó cũng chú ý đến việc ngày 20/11 vừa qua Khoáng sản Hải Dương đã phát hành cổ phiếu trả cổ tức và cổ phiếu thưởng tổng tỷ lệ 90%.
Việc giá cổ phiếu KHD tăng cũng khá bất ngờ khi kết quả kinh doanh của công ty không hề đột phá. Doanh thu năm 2018 đạt 118 tỷ đồng, giảm 18% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt hơn 8 tỷ đồng, tăng 6% so với lợi nhuận đạt được năm 2017.
Những cổ phiếu ngành khoáng sản khác cũng có mức tăng mạnh là VIM của CTCP Khoáng sản Viglacera với tỷ lệ tăng gấp 5 lần từ đầu năm; TVM của CTCP Tư vấn mỏ và Công nghiệp Vinacomin với tỷ lệ tăng gấp 4,5 lần đầu năm.
Các cổ phiếu ngành Thủy sản góp mặt
Cũng tăng sốc rồi giảm sâu, CMX của CTCP Camimex Group – một doanh nghiệp ngành thủy sản. CMX đã tăng từ 15.200 đồng/cổ phiếu hồi đầu năm, gấp đôi lên 33.300 đồng/cổ phiếu rồi lại giảm về vùng 14.000 đồng/cổ phiếu khi kết thúc năm 2019.
Còn cung bậc tăng giảm của HVG (Thủy Sản hùng Vương lại là đồ thị hình sin khi tăng từ 4.800 đồng/cổ phiếu hồi đầu năm, lên trên 8.100 đồng/cổ phiếu vào giữa tháng 4, rồi lại giảm sâu xuống dưới 3.000 đồng trước khi tăng lại lên 8.400 đồng/cổ phiếu thời điểm kết thúc năm 2019. Thanh khoản cổ phiếu HVG rất tốt với hàn trăm ngàn cổ phiếu khớp lệnh mỗi phiên.
VCR của Vinaconex ITC cũng tăng sốc – giảm sâu
Cũng tính trạng tăng sốc, giảm sâu, cổ phiếu VCR của CTCP Đầu tư và Phát triển Vinaconex (Vinaconex ITC) cũng lấy đi của nhà đầu tư không ít công sức trong năm vừa qua.
Duy trì mức giao dịch quanh, thậm chí dưới 5.000 đồng/cổ phiếu một thời gian dài, VCR bất ngờ tăng mạnh từ đầu tháng 3/2019 được đánh dấu bằng 13 phiên tăng trần liên tiếp, tạo đỉnh ở mức 31.500 đồng/cổ phiếu vào ngày 21/6/2019 – gấp 6 lần thời điểm đầu năm.
Tuy nhiên VCR không giữ được lâu, đã lập tức giảm mạnh và kết thúc năm 2019 ở mức giá 12.000 đồng/cổ phiếu – còn hơn 1/3 từ vùng đỉnh.
Quá trình VCR tăng mạnh lên đỉnh, công ty cũng có biến động lớn về nhân sự khi ông Đào Ngọc Thanh, Chủ tịch HĐQT và ông Nguyễn Xuân Đông, Tổng giám đốc của công ty mẹ Vinaconex, được bầu trực tiếp tham gia vào HĐQT của Vinaconex - ITC.
Mặt khác, công ty cũng thông qua việc chuyển trụ sở về 34 Láng Hạ, "đại bản doanh" của công ty mẹ.
Diễn biến giá cổ phiếu VCR trong 1 năm gần đây.
Trên tất cả, quán quân tăng trưởng thuộc về 1 cổ phiếu tăng 83 lần
Nhưng trên tất cả, quán quân của tăng trưởng cổ phiếu năm 2019 chắc chắn thuộc về VNX của CTCP Quảng cáo và Hội chợ thương mại (Vinaxad).
Đang duy trì mức giá mà trước nay thường gọi "ly trà đá" dưới 1.000 đồng/cổ phiếu suốt nhiều năm liền do bị điều chỉnh giá khi thường xuyên trả cổ tức cao, VNX gây bất ngờ từ phiên giao dịch ngày 22/3/2019 với chuỗi 31 phiên tăng trần liên tiếp với chỉ 1 phiên ngắt quãng trong đó. Từ mức giá 1.200 đồng/cổ phiếu VNX nhảy vọt lên mức 54.900 đồng/cổ phiếu chỉ trong vòng 1,5 tháng.
VNX tiếp tục duy trì mức giá cao này hơn 2 tháng sau đó, trước khi tạo bất ngờ với đỉnh mới ở giá 84.300 đồng/cổ phiếu – gấp hơn 100 lần so với thời điểm đầu năm 2019. Hiện tại VNX đã giảm nhiệt và giao dịch đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng của năm 2019 ở mức 65.000 đồng/cổ phiếu – vẫn gấp khoảng 83 lần giá thời điểm đầu năm.
Diễn biến giá cổ phiếu VNX trong 1 năm gần đây.
Vinexad tiền thân là doanh nghiệp Nhà nước được ra đời từ năm 1975 với vốn 7 tỷ đồng. Công ty thực hiện cổ phần hóa năm 2006, đến nay vốn điều lệ công ty là 12,2 tỷ đồng.
Một trong những nguyên nhân khiến VNX "hot" khiến cổ đông không "nhả" hàng là, ngoài việc trả cổ tức cao, Vinaxad còn thường xuyên lọt danh sách những doanh nghiệp đạt EPS cao. Năm 2017 EPS đạt 7.181 đồng thì năm 2018 đạt 10.177 đồng/cổ phiếu.
Đây cũng là doanh nghiệp thường xuyên trả cổ tức tỷ lệ cao. Trước đó nhiều năm, cổ đông công ty hầu như không có giao dịch khớp lệnh, giá cổ phiếu được điều chỉnh giảm mỗi lần chia cổ tức, và đến lúc VNX còn được hưởng cơ chế đặc biệt do chia cổ tức lớn hơn thị giá.
Thêm danh hiệu quán quân về giá: IPH – một doanh nghiệp "bé hạt tiêu"
Điểm nhấn nhất trong năm 2019 là doanh nghiệp "bé hạt tiêu" Công ty TNHH MTV In và Phát hành biểu mẫu thống kê với 138.231 cổ phiếu đăng ký giao dịch.
Đáng chú ý, phiên IPO của Công ty diễn ra ngày 15/5/2019 với 138.231 cổ phiếu được đấu giá thành công. Giá khởi điểm 27.200 đồng/cổ phiếu trong khi giá trúng thầu bình quân 410.960 đồng/cổ phần, gấp 15 lần giá khởi điểm.
Sau cổ phần hóa, công ty đưa cổ phiếu lên sàn với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 411.000 đồng – trở thành doanh nghiệp phá vỡ kỷ lục về thị giá giao dịch các cổ phiếu trên các sàn giao dịch chứng khoán Việt Nam hiện tại.
Tuy nhiên "khởi điểm" là tất cả những gì IPH có. Ngay sau khi lên sàn, IPH đã giảm sàn kịch biên độ 40%, về mức 245.600 đồng/cổ phiếu với vỏn vẹn 100 cổ phiếu khớp lệnh.
Giá cổ phiếu IPH sau phiên chào sàn đã không rơi vào trạng thái giảm triền miên, thanh khoản thị trường cũng rất thấp, tuy vậy chỉ 2 phiên giảm sau đó, IPH đã rơi về mức 185.000 đồng/cổ phiếu – và mức giá này được duy trì khá lâu, đến phiên giao dịch ngày 6/11 giảm về 111.000 đồng/cổ phiếu và sau đó giảm về 69.000 đồng/cổ phiếu như hiện nay.
Diễn biến giá cổ phiếu IPH từ khi lên sàn.
Khép lại năm 2019
Năm 2019 khép lại với rất nhiều điểm nhấn trên thị trường chứng khoán. Năm 2020 dù được dự đoán là có nhiều tăng trưởng, nhưng chỉ những ngày đầu tháng 1 thị trường chứng khoán đã chứng kiến nhiều tác động từ tình hình chung cả thế giới.
Dự kiến một năm 2020 với rất nhiều bất ngờ sẽ đến, nhà đầu tư cũng cần chuẩn bị tốt cho mùa trading năm nay.