Vượt qua vô số khó khăn và cả định kiến, những cô gái này đã chứng minh bản lĩnh bằng sự thành công của mình.
Cô gái gây dựng thương hiệu nổi tiếng, nhà xưởng 600m2 từ 2 bàn tay trắng
Cách đây không lâu, câu chuyện khởi nghiệp của Võ Thị Minh Nga - nhà sáng lập Gạo lứt rẫy Bh.nong (Quảng Nam) đã khiến các “cá mập” Shark Tank Việt Nam và khán giả ấn tượng. Tại chương trình, cô cho biết bố mẹ muốn con gái ở thành phố và lấy chồng đại gia còn cô lại muốn làm đại gia của chính mình. Cũng tại đây, Minh Nga nhận được đề nghị đầu tư 5 tỷ cho 20% cổ phần với Shark Hùng Anh.
Minh Nga tại Shark Tank
Sinh ra và lớn lên ở một làng quê nghèo, Minh Nga mang ước mơ đổi đời của cả gia đình lên thành phố học tập, làm việc. Sau 10 năm lăn lộn ở TP.HCM, cô nhận ra ước mơ thật sự của mình là trở về quê hương, giúp đỡ cho người dân quê mình.
Năm 2016, Minh Nga quyết định cầm 50 triệu vốn liếng về quê lập nghiệp. Tuy nhiên cô nhận phải phản ứng dữ dội của gia đình, nhất là mẹ. Bà bắt con gái phải chọn giữa việc “con quay lại thành phố” và “mẹ sẽ chết”. Hôm sau Nga cũng rời đi nhưng là đi lên sống với đồng bào người dân tộc Bh.nong, tìm kiếm nguyên liệu và ý tưởng khởi nghiệp. Hành trình của cô gái Quảng Nam bắt đầu đơn độc như thế.
Sau 6 năm vất vả, gây dựng mọi thứ từ con số 0, thương hiệu gạo lứt của Minh Nga đã được nhiều người biết đến
Một thời gian sau đó, khi đã xác định được hướng đi và sản phẩm chủ lực, Minh Nga quay về thuyết phục mẹ. Lần này cô được cho phép ở lại trong căn phòng 15m2 của mình. Từ căn phòng đó, Minh Nga đã bán gạo lứt, bán mọi sản vật địa phương. Khi việc kinh doanh phát triển hơn một chút, cô xây căn nhà kho 20m2 từ chuồng lợn của mẹ.
Sau 6 năm vất vả, gây dựng mọi thứ từ con số 0, thương hiệu gạo lứt của Minh Nga đã được nhiều người biết đến. Doanh nghiệp hiện đã có nhà xưởng 600m2 và 200 đại lý - nhà phân phối trên khắp cả nước.
Được mẹ chồng cho vay 4 triệu khởi nghiệp, con dâu “thâu tóm” thị trường thịt chua miền Bắc
Một trường hợp khác cũng gây ấn tượng tại Shark Tank là Nguyễn Thị Thu Hoa (Phú Thọ) - nhà sáng lập thương hiệu thịt chua Trường Foods. Tại chương trình, Thu Hoa nhận được Shark Bình đề nghị đầu tư 15 tỷ cho 20% cổ phần.
Thu Hoa tại Shark Tank
Tuy nhiên điều khiến nhiều người bất ngờ là Thu Hoa không phải con nhà nòi trong lĩnh vực sản xuất thịt chua. Cô chỉ biết cách làm món ăn này sau khi được mẹ chồng truyền nghề. Sau đó cũng chính mẹ chồng đã cho con dâu vay 4 triệu để con dâu khởi nghiệp.
Thời gian đầu tiên, Thu Hoa gặp rất nhiều khó khăn. Vì mẹ chồng chỉ hướng dẫn cách sản xuất thịt chua truyền thống với quy mô nhỏ, hạn sử dụng ngắn (từ 10 - 12 ngày) nên cô phải tìm cách cải tiến công thức để có sản phẩm không dùng chất bảo quản mà vẫn có thể sử dụng trong 1 - 2 tháng. Sau khi đổ không biết bao nhiêu cân thịt ra sông, cuối cùng Thu Hoa cũng tìm ra được cách làm và gây dựng nên Trường Foods hôm nay.
Thu Hoa không phải con nhà nòi trong lĩnh vực sản xuất thịt chua nhưng vẫn gặt hái được thành công
Tại thời điểm chương trình Shark Tank lên sóng (tháng 8/2022), thương hiệu này đang có 5.000 điểm bán, chiếm 40% thị phần thịt chua tại Phú Thọ và các tỉnh lân cận với doanh thu năm 2021 là 52 tỷ/ năm. Về quy mô, công ty hiện đã có nhà xưởng 2.000m2, sản xuất theo hình thức bán thủ công với 80 nhân sự.
Cô gái bỏ lương trăm triệu đi khởi nghiệp giáo dục
Sau khi tốt nghiệp ĐH Ngoại thương cơ sở II TP.HCM, Phan Quý Anh (Lâm Đồng) nhận được rất nhiều cơ hội việc làm với mức thu nhập cực kỳ ổn định. Tuy nhiên sâu thẳm bên trong cô gái, những tổn thương tinh thần từ hồi tiểu học vẫn lẩn khuất đâu đó. Khi đó vì bố mẹ bận quá không thể đón về đúng giờ, cô giáo phải nhờ người quen hoặc đích thân chở về nhà. Câu chuyện tưởng chừng nhỏ nhặt này để lại tổn thương tâm lý với Quý Anh.
Phát hiện ra vấn đề mình từng gặp phải, Quý Anh khao khát muốn xây dựng môi trường để cảm xúc của trẻ thật sự được lắng nghe, tôn trọng. Và khi biết đến trí thông minh nội tâm, cô quyết định nghỉ việc, trở thành đồng sáng lập Học viện thông minh nội tâm Self Hiil - tập trung vào việc xây dựng, phát triển sức khỏe tinh thần của trẻ nhỏ.
Quý Anh (phải) và người đồng sáng lập Self Hiil
Được thành lập năm 2020, Self Hiil đã có những “quả ngọt” nhất định như lọt vào vòng cuối cuộc thi tăng tốc khởi nghiệp dành cho các dự án do phụ nữ sáng lập She Disrupts, lên Shark Tank năm 2021 và được Shark Phú đề nghị đầu tư 100.000 USD cho 10% cổ phần.
Đương nhiên hành trình khởi nghiệp của Quý Anh chưa bao giờ dễ dàng, nhất là khởi nghiệp trong giáo dục khi phải cần thời gian mới thấy được thành quả. Thậm chí vì quá nhiều chông gai, nhiều lần rơi nước mắt, cô còn nghĩ đến chuyện bỏ hết để quay lại làm công ăn lương. Tuy nhiên sau tất cả, Quý Anh vẫn tiếp tục theo đuổi ước mơ và con đường đã chọn.
Nữ MC truyền hình bỏ phố về quê khởi nghiệp với mì ngô
Tốt nghiệp ngành Hàn Quốc học của trường ĐH KHXH&NV - ĐH Quốc gia Hà Nội, Hoàng Thị Bích Phượng (Lạng Sơn) đảm nhận vị trí MC kênh VTC16, VTC14 kiêm diễn viên tự do. Đó là quãng thời gian nhiệt huyết và sung sức của Phượng nhưng rồi cô chợt nhận ra, nó cũng cuốn cô ngày càng rời xa gia đình. Năm 2020, cô gái 24 tuổi quyết định bỏ công việc MC, về quê để được sống cạnh những người mình yêu thương.
Khi bắt tay vào khởi nghiệp với chị gái trên mảnh đất quê hương, Bích Phượng đã không ngần ngại chọn luôn cây ngô làm nguyên liệu chính. Hai chị em thành lập HTX Vietnam Napro với sản phẩm chủ lực là những sợi mì ngô thơm ngon.
Bích Phượng (trái) và chị gái
Sinh ra từ gia đình làm nông nhưng cả 2 chị em Phượng đều không có nhiều kiến thức về trồng trọt lẫn sản xuất nên đã gặp không ít khó khăn. Trong gần 1 năm đầu tiên, 2 cô gái đã đầu tư thời gian, công sức và tiền bạc nhưng vẫn không thể ra được sợi mì như mong muốn, khiến hàng tấn ngô bị bỏ đi. Không những thế, gia đình Phượng còn liên tục mâu thuẫn, gặp tai nạn nghề nghiệp khiến mọi thứ ngày càng bế tắc. Tuy nhiên quyết không bỏ cuộc, tháng 8/2021, những sợi mì ngô đạt chất lượng đầu tiên đã ra đời.
Đến tháng 7/2022, số lượng nhân công làm việc với chị em Phượng có 10 người, là các thành viên trong gia đình và hàng xóm. Ngoài ra hàng chục hộ dân là bà con trong xã trồng ngô không biến đổi gen, cung cấp nguồn nguyên liệu cho HTX. Với mô hình tự sản xuất thủ công, kết hợp máy móc (máy tạo sợi và phòng sấy lạnh) chị em Phượng đang bán lẻ và cung cấp mì ngô cho chuỗi siêu thị hữu cơ.
Bích Phượng vẫn đang thực hiện ước mơ của mình trên mảnh đất quê hương