Khi vượt qua kỳ thi Chứng chỉ Giáo viên năm ngoái, Song Jiaqian đã cho mình phần thưởng độc đáo: Một mái tóc ngắn kiểu táo bạo.
Trước khi thực hiện “phần thưởng” này, cô phải đảm bảo công việc ở Sơn Đông, nơi nổi tiếng với các giá trị và lối sống truyền thống, không bị lung lay bởi sự thay đổi của mình. Thậm chí cô còn hỏi đồng nghiệp xem có ai bị sa thải vì đổi kiểu tóc quá nhiều không, nhưng may mắn là chưa có tiền lệ nào.
“Mọi người luôn nói rằng bạn nên trông giống phụ nữ, nhưng điều đó có nghĩa là gì? Tôi là phụ nữ và tôi là duy nhất”, Song chia sẻ với Sixth Tone.
Quyết định của cô gái 23 tuổi phản ánh xu hướng ngày càng tăng của phụ nữ trẻ ở Trung Quốc hiện nay, khi mà tóc dài thường gắn liền với vẻ đẹp và sự nữ tính. Một số người cắt tóc để thách thức các tiêu chuẩn truyền thống và thúc đẩy bình đẳng giới, nhiều người khác chỉ đơn giản là thấy nó “mát mẻ và không cần phải nhiều lần chi tiền cho tiệm salon”.
Bất kể lý do là gì, phong cách này đang được ưa chuộng, ngày càng nhiều phụ nữ từ bỏ mái tóc dài để chuyển sang phong cách cắt ngắn. Song nói: “Tại sao các cô gái phải biết nghe lời, phải dịu dàng, ít nói, và đặc biệt là ngoan ngoãn? Tôi chỉ không muốn tuân theo các quy tắc này”.
Song Jiaqian sau khi "cạo đầu".
Hình ảnh các cô gái "cạo đầu" thành xu hướng thậm chí còn xuất hiện sớm hơn trên nền tảng phong cách sống Xiaohongshu (RED) từ năm 2019, truyền cảm hứng cho những người khác “mạnh dạn thay đổi”. Song là một trong số đó. Cô vẫn hoạt động tích cực trên nền tảng này và hiện đang chia sẻ trải nghiệm của mình để khuyến khích những người khác.
Khi xã hội Trung Quốc tiếp tục “vật lộn” với các tiêu chuẩn sắc đẹp, việc cắt tóc ngắn chỉ là một trong nhiều xu hướng giúp phụ nữ đấu tranh cho bình đẳng giới.
Tháng 3/2022, hashtag “vẻ đẹp không cần trang điểm” đã lan truyền trên các nền tảng mạng xã hội Trung Quốc.
Trước đó, năm 2020, các xu hướng như “thử thách vòng eo A4” và sự xuất hiện của các thương hiệu quần áo size siêu nhỏ đã gây ra cuộc tranh luận gay gắt. Kể từ đó, nhiều người đã có ý thức loại bỏ son môi và giày cao gót trong tư duy thẩm mỹ hằng ngày để thể hiện cá tính.
Các bài đăng với thẻ bắt đầu bằng #“Eo A4” trên nền tảng Xiaohongshu.
Nhưng việc cắt tóc ngắn “như con trai” khác biệt với các hành vi khác bất chấp các tiêu chuẩn về cái đẹp. Đó là lý do tại sao một số người phải mất nhiều năm để chuẩn bị tâm lý để làm điều này, đặc biệt là những ai phải đối diện với cha mẹ.
“Nghĩa vụ phản cái đẹp”
Sau khi được đảm bảo rằng vẫn được tiếp tục làm việc với mái tóc ngắn, Song lại phải thuyết phục mẹ.
Thời điểm đó là tháng 7/2022, viện cớ thời tiết nóng nực ở Sơn Đông, cô đã thuyết phục mẹ cho phép cô chỉ cạo phần gáy. Một tuần sau, cô lại đến tiệm để “cắt cho xong phần tóc theo mong muốn”.
Thợ cắt tóc rất ngạc nhiên, hỏi: “Cô nghiêm túc không đấy? Có chuyện gì xảy ra à”. Sau đó anh cắt rất chậm, sợ cô gái thay đổi ý định. Đó là một quyết định cần bốn năm để chuẩn bị. Khi đó, cô chỉ đơn giản muốn thử điều mới.
Han Chu, một sinh viên năm cuối ở thành phố Quảng Châu, đã lấy lại tinh thần sau một tháng đấu tranh với chính mình. Giống như Song, cô cũng muốn cắt tóc ngắn từ khi còn học trung học.
Trái: Han Chu chụp ảnh trước khi cắt tóc ngắn; phải: Han Chu sau khi cắt tóc ngắn.
Chuyến đi vào mùa hè năm ngoái là “ngòi nổ” khiến cô hạ quyết định cắt đi mái tóc dài của mình. Trong chuyến đi, một người bạn liên tục chụp ảnh cô trong khi khăng khăng yêu cầu cô thay đổi kiểu tóc.
“Họ bảo tôi thay đổi kiểu tóc để che đi một phần khuôn mặt vuông. Tại sao họ lại nói điều này với tôi?”. Nhận xét đó khiến cô quyết định dễ dàng hơn.
“Nhìn những chàng trai xung quanh, tôi cảm thấy họ rất thoải mái”, Han Chu nói.
Bất kể động cơ đằng sau là gì, Han tin rằng mái tóc ngắn cũn cá tính thường phản ánh rõ ràng lập trường nữ quyền.
Thái độ này hiện đang lan sang các thế hệ trẻ hơn, chẳng hạn như Zi Chen, 16 tuổi, người gần đây cũng đã tóc ngắn. Zi nói: “Sự trỗi dậy của nữ quyền đã trở thành một xu hướng, vì vậy mọi người đều muốn đi theo”.
Zi giải thích quyết định cắt tóc của cô bị ảnh hưởng bởi quan điểm về “nghĩa vụ phản cái đẹp” – một khái niệm chỉ mới xuất hiện vào năm ngoái và bác bỏ ý kiến cho rằng phụ nữ có nghĩa vụ phải giữ gìn vẻ ngoài của mình.
“Thời điểm đó, tôi có vẻ như đang hoàn thành 'nghĩa vụ làm đẹp', đặc biệt là vì tôi cũng phải vật lộn với tình trạng thừa cân trong thời niên thiếu. Tôi cảm thấy lo lắng về ngoại hình của mình”, Zi nói với Sixth Tone. Nhưng việc cắt tóc đã thay đổi tất cả.
Zi Chen với kiểu đầu đinh sau khi cắt đi mái tóc dài của mình.
Bai Meijiadai, giảng viên Trường Báo chí và Truyền thông thuộc Đại học Liêu Ninh, nói rằng hầu hết nữ sinh Trung Quốc bị hạn chế ăn mặc thoải mái ở trường trung học. Và vì vậy khi vào đại học, họ được tự do đón nhận những phong cách mới.
Nữ giảng viên tin rằng những xu hướng như “nghĩa vụ chống lại sắc đẹp” xuất hiện sau các phong trào trên khắp thế giới. “Đồng thời, các phong trào quốc tế như 'Me Too' vào năm 2017 và sau đó là 'Escape the Corset' của Hàn Quốc vào năm 2018 đã tác động đến phụ nữ ở Trung Quốc và kích động họ đứng lên chống lại các tiêu chuẩn sắc đẹp hạn chế do xã hội gia trưởng áp đặt", Bai Meijiadai nói.
Bài đăng kèm hashtag “escapethecorset” trên Instagram.
Tuy nhiên, Bai nói thêm: “Việc để cho sự đa dạng tồn tại là điều tích cực và hành động này sẽ giúp mọi người nhận ra rằng cắt tóc ngắn không phải là một vẻ ngoài thiếu nữ tính, mà là sự cá tính”.
Thái độ là tất cả
Song cho biết: “Trong cuộc sống thực tế, người ta thường cho rằng việc cắt tóc ngắn đồng nghĩa với hai điều: Một là bị bệnh, hai là đang tổn thương tinh thần”.
Han Chu kể lại rằng sau khi cắt tóc, mẹ đã từ chối trả lời các cuộc gọi video của cô trong suốt một tháng. “Mẹ tôi không muốn nói chuyện với tôi. Bà lấy cớ bận công việc và không muốn tranh luận với tôi về điều này”, cô nói.
Nhưng mặc dù đã lường trước được sự phản đối từ bố mẹ trước khi cắt tóc, nhưng sau đó cô đã không cân nhắc đến phản ứng của người lạ.
Han yêu thích thể dục, trong một lần chạy bộ ra ngoài và nhận thấy nhiều người đàn ông nhìn chằm chằm và bàn luận về ngoại hình của cô. Theo bản năng, cô bước đến gần họ và nhìn lại. “Tôi không sợ những ánh mắt này. Họ có thể chọn im lặng, còn trong đầu họ nghĩ gì thì tôi không quan tâm”.
Hoàn toàn trái ngược với phụ nữ ở Trung Quốc, Bai Bai, 23 tuổi, được khen ngợi vào dịp Giáng sinh năm ngoái khi học tập tại Anh.
Bai Bai sau khi cắt tóc ngắn.
Bai Bai đã đưa ra quyết định sau kỳ thi cuối cùng: Cô đang có tâm trạng tồi tệ và cảm thấy muốn cắt tóc. “Tôi cảm thấy cuộc sống của mình bị mắc kẹt trong một vòng xoáy, và tôi muốn thay đổi nó. Tôi nghĩ việc thay đổi kiểu tóc, tuy là một việc tương đối đơn giản, nhưng cũng mang lại sự thay đổi đáng kể”, cô nhớ lại.
Nhưng cách nửa vòng trái đất, bố mẹ Bai Bai không đồng ý. “Tôi không ngờ họ lại phản ứng mạnh mẽ như vậy. Mẹ tôi đã không nói chuyện với tôi trong gần một tháng trời. Tôi đoán bà lo lắng rằng tôi là người đồng tính”.
Sự phản đối quyết liệt của bố mẹ và sự bi quan về môi trường làm việc khắt khe ở Trung Quốc đã khiến Bai Bai nhận ra rằng một năm ở nước ngoài có thể là cơ hội duy nhất để cô thử sức với mái đầu cắt ngắn gần như kiểu “húi cua”.
Nhưng đối với nhiều người, động lực để thay đổi không chỉ về ngoại hình mà còn về thái độ.
Theo Song, sự tự tin vào bản thân đã tăng lên theo cấp số nhân kể từ khi cô cắt tóc ngắn, và điều đó giúp cô cởi mở hơn với những ý kiến và quan điểm khác nhau.
“Tôi thậm chí còn phát biểu tại nơi làm việc với sự tự tin chưa từng có. Tôi rất quan tâm đến những gì người khác nghĩ về tôi. Nhưng bây giờ, chúng không còn là vấn đề đáng bận tâm. Cắt tóc là việc của riêng tôi. Tôi chỉ muốn làm mình vui lên, và không cần bất cứ ai khác đồng ý với các giá trị thẩm mỹ của bản thân”.