“Những cô gái tên lửa”, nhóm phụ nữ bị lãng quên đứng đằng sau thành công của NASA

Minh Đức |

Dù có những đóng góp to lớn trong công cuộc chinh phục không gian của NASA, những người phụ nữ này thường bị lịch sử bỏ quên.

Phòng thí nghiệm phản lực của NASA (JPL) đã trải qua giai đoạn lịch sử kéo dài với những thành công và phát kiến trong công nghệ tên lửa và khám phá không gian, từ những tên lửa đầu tiên cho tới việc đặt chân lên mặt trăng, cũng như việc khám phá sao hỏa.

Đằng sau những người đàn ông xuất chúng là những người phụ nữ thầm lặng góp mình vào thành công của NASA.

Những người phụ nữ bị bỏ quên của phòng thí nghiệm tên lửa ngày xưa đã được nhắc tới trong cuốn sách, “Sự trỗi dậy của những cô gái tên lửa: những người phụ nữ đã góp công trong hành trình đưa tên lửa lên tới mặt trăng và sao Hỏa” của tác giả Nathalia Holt.

Được tuyển chọn từ giữa những năm 1940 cho tới 1950, nhóm phụ nữ với tài năng thiên bẩm về toán này đã vượt qua rào cản về giới tính thời bấy giờ và làm việc như những chiếc máy tính.

Công việc của họ là xử lý những con số để khiến mọi nhiệm vụ của NASA trở nên thành công.

Vậy tại sao tác giả muốn đưa câu chuyện về cuộc đời của những cô gái đó lên sách?

Một lần tình cờ, khi tác giả Nathalia đang tìm một cái tên cho con gái mình, cô vô tình lướt qua cái tên Eleanor Francis Helin – một nhà thiên văn học nổi tiếng, người đã khám phá ra sao chổi và sao băng. Cô qua đời vào năm 2009.

Dù chưa gặp người phụ nữ này, Nathalia không ngừng nghĩ về cô ấy. Chính vì nhà thiên văn học này mà Nathalia biết về những người phụ nữ làm việc tại JPL và cô muốn tìm hiểu nhiều hơn về họ.

Khi tìm hiểu về cuộc đời của "những cô gái tên lửa", Nathalia nhận ra rằng họ đã đóng góp nhiều cho sự phát triển của NASA nhưng dường như sự công nhận với họ là quá ít nỏi.

Tại lễ kỉ niệm 50 năm của tàu Explorer I, những người phụ nữ làm việc tại phòng điều khiển vào lúc bấy giờ thậm chí còn không được mời.

Năm 2013, nữ tác giả đã tổ chức một buổi gặp mặt và họ - những người phụ nữ năm xưa, từ khắp nơi trên toàn nước Mỹ đã tụ họp lại và ghé thăm phòng điều khiển nơi mà họ đã từng làm việc.

Chia sẻ với Gizmodo, Holt cảm thấy rất vui khi nhìn thấy những đóng góp của họ được tri ân.


Cuốn sách của Nathalia và những câu chuyện về cuộc đời của những người phụ nữ làm việc trong NASA.

Cuốn sách của Nathalia và những câu chuyện về cuộc đời của những người phụ nữ làm việc trong NASA.

Việc tìm ra thông tin của họ cũng gặp không ít khó khăn khi JPL có lưu trữ rất nhiều bức ảnh tư liệu nhưng họ không biết những ai có mặt trong bức ảnh đó. Hơn nữa, thông tin về nhóm phụ nữ thời đó cũng rất ít ỏi.

Cuối cùng, Nathalia đã thử bằng cách gọi cho tất cả những người có cái tên như vậy. May mắn thay, sau khi gọi khoảng 50 lần với cái tên Barbara Paulsons, cô đã tìm được một người chính xác.

Việc lần ra vài thành viên chủ chốt khiến cô nhanh chóng biết được những người còn lại khi họ vẫn còn là bạn của nhau.

Thời kì thế chiến thứ II là giai đoạn ghi nhận sự tham gia của phụ nữ trong nhiều lĩnh vực khi những người đàn ông phải tham chiến ở nước ngoài.

Các trung tâm của NASA đã thuê những người phụ nữ đảm nhận vai trò của những chiếc máy tính thời bấy giờ. Tuy nhiên, sau đó, nhiều người trong số họ mất việc khi máy tính điện tử ra đời.

Một điểm đặc biệt là tại JPL, những người phụ nữ không rời bỏ công việc khi những người đàn ông trở về từ chiến tranh. Họ có sự nghiệp lâu dài và ổn định.

Một trong số họ vẫn còn làm việc và trở thành người phụ nữ làm việc lâu nhất cho NASA: Sue Finley. Bà đã 80 tuổi và vẫn làm việc với Nhiệm vụ Juno đến sao Mộc.

Sue không muốn về hưu cho tới khi nhiệm vụ này kết thúc. Kể cả sau đó, có thể bà sẽ không nghỉ ngơi vì bà rất yêu thích công việc của mình.

Một trong những câu chuyện ấn tượng nhất là về Janes Lawson - người phụ nữ da đen duy nhất trong nhóm khi vào thời điểm đó, rất khó cho người da đen, kể cả đàn ông tìm được một công việc trong ngành khoa học và kĩ thuật. Lawson tốt nghiệp từ đại học California với tấm bằng chuyên ngành kĩ sư hóa.

Khi cô đến JPL, đã có nhiều câu hỏi đặt ra vì cô là người Mỹ gốc Phi đầu tiên được thuê cho một vị trí kỹ thuật tại phòng thí nghiệm.

Họ tự hỏi liệu cô có thực sự phù hợp với công việc này. Macie Roberts là người giám sát nhóm và chứng nhận năng lực của Lawson.

Cô muốn chắc chắn rằng nền tảng giáo dục và khả năng của Lawson không bị lãng phí và vì thế, Lawson đã trở thành một trong 2 hai người phụ nữ được tham gia khóa tập huấn về máy tính.

Đáng tiếc, Lawson đã qua đời và những thông tin về cô chủ yếu được thu thập qua bạn bè và người thân.

Lawson dường như đã phải nỗ lực hơn nhiều người phụ nữ khác, không chỉ vì sự khác biệt màu da mà còn vì nơi cô sinh sống. Cô đã phải di chuyển rất xa từ Los Angeles tới JPL mỗi ngày.


Bức ảnh về những người phụ nữ từng làm việc tại trung tâm JPL.

Bức ảnh về những người phụ nữ từng làm việc tại trung tâm JPL.

Có thể nói, những người phụ nữ này đã gặp phải rất nhiều khó khăn khi làm công việc mà đa phần là dành cho cánh đàn ông. Tuy nhiên, họ là nhóm phụ nữ mạnh mẽ và được làm việc dưới sự giám sát của một quản lý nữ.

Những người đàn ông tại JPL phải chấp nhận họ như những người đồng nghiệp. Một vài kĩ sư nam thậm chí còn mời họ tham gia vào các nghiên cứu và mọi công bố nghiên cứu đều có tên họ dưới vai trò đồng tác giả.

Vào thời điểm bấy giờ, đó không phải là một câu chuyện phổ biến trong giới khoa học.

Một trong những trường hợp ghi dấu ấn trong lòng người đọc là câu chuyện về Helen Ling, người giữ nhiệm vụ giám sát máy tính vào những năm sau đó.

Cô đã liều lĩnh khi dám thuê những người phụ nữ không có nền tảng học vấn tốt vào làm kĩ sư. Ling đã khuyến khích họ theo học các lớp buổi tối và giúp đỡ họ trong nhóm của cô.

Gặp nhau trong buổi trò chuyện, nhiều “học trò” đã cảm ơn cô vì sự giúp đỡ chân thành trong nhiều năm qua.


Những người phụ nữ NASA trong một buổi đoàn viên sau bao nhiêu năm.

Những người phụ nữ NASA trong một buổi đoàn viên sau bao nhiêu năm.

Vào những năm 1960, phần lớn những người phụ nữ tại Mỹ đều làm công việc nội trợ. Trong tác phẩm của mình, Nathalia đã sử dụng lời đề từ từ một câu nói nổi tiếng của nữ phi hành gia Sally Ride “Tôi không đến NASA để làm nên lịch sử”.

Đơn giản, cũng như bao người phụ nữ khác, họ làm công việc đó vì họ yêu thích chúng. Họ không đến NASA để làm nên lịch sử, họ đến NASA với tài năng của mình vì họ muốn trở thành một phần trong những nhiệm vụ của NASA.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại