Những chuyến tàu thuốc phiện của Johann

Vũ Cao |

Trong cuộc chiến tranh chống lại những người đòi độc lập cho nước Mỹ (1765-1783), quân đội liên minh Anh - Pháp, đã sử dụng thuốc phiện (morphine) để cắt cơn đau cho những thương binh. Theo ước tính, có gần 10 triệu liều morphine được phát cho binh lính, cộng với 2,8 triệu ounce bột thuốc phiện pha rượu.

Nhìn ra cơ hội có một không hai, Johann Jakob Astor trở thành tỉ phú bằng việc đưa thuốc phiện sang Trung Quốc sau đó...

Ngã rẽ nhằm hướng… thuốc phiện

Năm 1784, ngay khi cuộc chiến tranh độc lập cho nước Mỹ kết thúc, Johann Jakob Astor, sinh năm 1763 ở thị trấn Walldorf, gần thành phố Heidelberg, tây nam nước Đức đã cùng gia đình di cư đến New York, Mỹ. Tại đây, Johann cùng anh ruột là Henry Jakob Astor thuê một căn phòng của bà góa Sarah Cox Todd để mở cửa hàng thịt. Sau một thời gian, thấy con gái bà góa Sarah Cox Todd, cũng tên là Sarah khá xinh xắn, Johann ngỏ lời tán tỉnh. Kết quả là 1 năm sau, anh ta lấy cô này.

Từ đó, việc bán thịt của anh em Johann càng lúc càng phát đạt, một phần vì không còn phải trả tiền thuê nhà, phần nữa lại có vợ và mẹ vợ giúp tìm thêm khách hàng mới, chủ yếu là các tiệm ăn và các cửa hàng bán lẻ trong khu vực.

Tuy nhiên, cuộc đời Johann rẽ sang một hướng khác khi anh ta tình cờ gặp gỡ những nhà buôn da thú. Theo họ, cách kiếm tiền nhanh nhất là tìm mua da thú sống (da chưa thuộc) của người da đỏ bản địa với giá rẻ rồi bán sang Canada, Anh quốc. Trong cuốn tự truyện "Cuộc đời tôi - My Life) do nhà văn Thomas Hawking chắp bút, Johann kể: "Thoạt đầu, tôi chỉ dám bỏ ra một ít tiền mua 50 bộ da thú sống. Sau khi bán cho người Canada, tôi lời được 130USD. Người mua còn hối thúc tôi nhanh chóng cung cấp thêm cho họ, bao nhiêu cũng lấy".

Năm 1796, Johann chuyển giao cửa hàng thịt cho vợ và anh trai rồi tìm đến các bang Texas, Nevada, Idaho, Utah…, là nơi có đông quần thể người da đỏ sinh sống. Tại những bang này, anh ta mua da bò rừng, trâu rừng, linh dương, cáo đuôi bông và cả da gấu. Đến năm 1800, Johann đã có trong tay 50.000USD, một số tiền khá lớn thời bấy giờ (tương đương 1, 2 triệu USD hiện nay).

Những chuyến tàu thuốc phiện của Johann - Ảnh 1.

Tàu chở thuốc phiện của Johann thả neo gần cảng Phòng Thành, Trung Quốc để chờ giao thuốc phiện.

Cũng trong năm 1800, nguồn da thú ngày càng ít dần vì người da đỏ chạy đua với lợi nhuận, dẫn đến tình trạng săn bắn bừa bãi nên Johann theo chiếc tàu thương mại Mỹ là Queens China, từ cảng San Francisco, bang California đi cảng Phòng Thành, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc vì anh ta nghe rằng ở Trung Quốc, da thú có rất nhiều. Và cũng như ở Mỹ, Johann thuê một phiên dịch người Hoa đã sống ở Mỹ lâu năm, dẫn anh ta đến những làng của người dân tộc thiểu số ở Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam để mua da.

Trong chuyến đi này, Johann lại nhìn thấy một cơ hội mới. Đó là từ năm 1640, những đoàn tàu buôn Anh quốc đã thu mua rồi mang về lục địa châu Âu những mặt hàng hiếm như trà, đồ gốm sứ, gỗ đàn hương, da thú cùng nhiều thứ gia vị khác. Ngược lại, triều đình Mãn Thanh không cho phép thương nhân châu Âu bán sản phẩm của họ trên đất Trung Quốc.

Điều này đã gây ra sự mất cân đối nghiêm trọng trong cán cân thương mại nên Công ty Đông Ấn, Anh quốc đã thiết lập một đường dây đưa thuốc phiện vào Trung Quốc dưới sự hộ tống của những pháo hạm. Do yếu thế về sức mạnh quân sự, triều đình Mãn Thanh chỉ còn biết phản ứng bằng cách đánh thuế.

Từ đó, thuốc phiện nhanh chóng trở thành thú vui trong mọi tầng lớp xã hội Trung Quốc. Vẫn trong cuốn "Cuộc đời tôi", Johann kể: "Tôi nhận ra rằng tất cả những nơi ở Trung Quốc mà tôi đi qua, có rất nhiều người hút thuốc phiện, từ các quan chức đến các nhà buôn, các thị dân...

Do chính quyền nhà Thanh không cấm đoán việc mua bán thuốc phiện nên nó xuất hiện công khai ở các tiệm thuốc Bắc, các đại lý thuốc phiện và các cửa hàng nhỏ lẻ, nhiều ngôi làng, 75% dân cư đều là người nghiện…". Vì thế, chỉ trong 10 năm, số người nghiện ở Trung Quốc đã là 30 triệu và không hề có dấu hiệu dừng lại.

Trước nguy cơ này, năm 1799 triều đình Mãn Thanh ra lệnh cấm thuốc phiện. Việc mua bán thuốc phiện từ chỗ công khai chuyển sang lén lút nhưng càng lén lút thì lợi nhuận càng nhiều. Nếu như trước kia, các tiệm hút thuốc phiện phải cạnh tranh nhau bằng cách hạ giá thì từ năm 1799, họ tăng giá lên do phải mua đắt từ các đại lý, mà những đại lý ấy cũng phải mua đắt từ người Anh nên với Johann, đây là cơ hội bằng vàng.

Năm 1802, sau vài lần trở lại Trung Quốc, Johann mới gây dựng được một số đại lý chịu mua thuốc phiện của ông ta. Chuyến đầu tiên, Johann chỉ mang theo 50kg để thăm dò thị trường và dĩ nhiên là ông ta bán nó với giá rẻ hơn thuốc phiện của người Anh. Nhưng phải mất 16 năm, Johann mới thiết kế được một đường dây tiêu thụ hoàn chỉnh.

Tháng 4-1816, mở đầu cho việc "làm ăn lớn", một tàu của Johann chở 10 tấn thuốc phiện mua ở Thổ Nhĩ Kỳ đến bờ biển ngoài khơi cảng Phòng Thành, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Khi màn đêm buông xuống, các thuyền nhỏ của người Trung Quốc, là những đại lý lớn của Johann giương buồm chạy ra. Rất nhanh chóng, họ chuyển các bánh thuốc phiện xuống thuyền và thanh toán bằng những đồng tiền làm bằng bạc.

Đến cuối năm, đội tàu thuốc phiện của Johann đã tăng lên 5 chiếc, trong đó có 3 chiếc tải trọng 20 tấn, 2 chiếc còn lại mỗi chiếc 10 tấn. Mỗi chuyến hải hành từ Mỹ đến Trung Quốc kéo dài gần 2 tháng, cung cấp cho thị trường Trung Quốc 80 tấn thuốc phiện. Số bạc thu được, trừ đi mọi chi phí, Johann bán cho các ngân hàng ở California để biến nó thành USD.

Những chuyến tàu thuốc phiện của Johann - Ảnh 2.

Một tiệm hút ở Quảng Đông với thuốc phiện do Johann cung cấp.

Từ nhà buôn đến nhà bào chế "thuốc chữa bệnh"

Thời điểm này ở Mỹ, thuốc phiện và dẫn xuất của nó như morphine là thứ không thể thiếu của giới bác sĩ trong điều trị một số bệnh như động kinh, trầm cảm, giảm đau, mất ngủ. Việc sử dụng thuốc phiện khi ấy được xã hội Mỹ chấp nhận. Nó có thể dễ dàng tìm mua ở các hiệu thuốc trên phố nhưng nguồn cung cấp lại phải lệ thuộc vào người Anh. Tuy nhiên, hệ quả của nó là tình trạng nghiện ngập lan rộng, nhất là trong giới nghèo khổ mặc dù những người này không hề mắc bệnh. Với giá chỉ vài xu (cent) một chai cồn pha thuốc phiện, nó giúp họ quên đi sự mệt mỏi và tương lai u ám ngày mai.

Năm 1820, nhiều bác sĩ và nhà xã hội học ở Mỹ lên tiếng báo động về tình trạng nghiện thuốc phiện ở các thành phố lớn như New York, San Francisco, Boston, Chicago…, kéo theo đó là sự gia tăng tội ác để có tiền mua thuốc phiện. Trong khi đó tại Trung Quốc, việc kinh doanh của Johann phát triển đến mức một mặt ông ta lén lút bán sỉ thuốc phiện nguyên chất cho các đại lý để trốn thuế.

Mặt khác Johann thuê mướn một số dược sĩ, nhà hóa học Mỹ điều chế cho ông ta các loại dung dịch "giảm đau, an thần, xua đuổi sự lo lắng, chống mất ngủ" mà thành phần chỉ gồm rượu hoặc xi rô pha thuốc phiện. Tiếp theo, Johann cho người đóng thành từng chai nhỏ, công khai mở các điểm bán lẻ những loại "thuốc" này trên các đường phố ở Quảng Đông, Thượng Hải, Nam Kinh, Trùng Khánh….

Chỉ một thời gian ngắn, những người giúp việc thân tín của Johann đã nắm được công tức pha chế nên ông ta cho các dược sĩ, nhà hóa học nghỉ việc để tự mình sản xuất. Nhưng thay vì theo đúng công thức đã được mặc định, Johann tự ý nâng liều lượng thuốc phiện trong những chai "thuốc" lên gấp 2, thậm chí gấp 3 lần và dĩ nhiên, tính "giảm đau, an thần, xua đuổi sự lo lắng, chống mất ngủ" và giá bán cũng tăng theo.

Những loại thuốc ấy tiêu thụ nhiều đến nỗi thay vì đóng chai ở Mỹ, Johann thành lập luôn những xưởng thành phẩm tại thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông rồi từ đó, chuyển đến các thành phố khác. Thậm chí Johann còn sản xuất những hộp thuốc lá tẩm thuốc phiện, ngoài vỏ hộp có in hình và họ của ông ta. Và bởi vì những mặt hàng này núp bóng là dược phẩm nên Johann chỉ phải đóng thuế mà không cần các giấy tờ lằng nhằng khác.

Những chuyến tàu thuốc phiện của Johann - Ảnh 4.

Hộp thuốc lá tẩm thuốc phiện in hình và họ của Johann, bán ở Trung Quốc trong những năm 1920.

Tiếng tăm và sự giàu có của Johann càng lúc càng lan rộng trong giới tài phiệt Mỹ nhưng nhiều bác sĩ và các nhà hoạt động xã hội Mỹ đều cho rằng việc kinh doanh của Johann là tội ác. Nhằm xoa dịu dư luận, Johann tiến hành một số chương trình tài trợ cho các trường học, thư viện, các cơ sở y tế ở Mỹ. 

Trong 2 năm 1820 – 1821, Johan đã chi khoảng 150.000USD cho việc này nên bên cạnh những ý kiến lên án, ông ta lại trở thành một trong những người "giàu lòng hảo tâm nhất nước Mỹ".

Tại một buổi hội thảo về tác hại của thuốc phiện đối với sức khỏe thể chất và sức khỏe tâm thần của người nghiện, bác sĩ William Doll, một trong những nhà tâm thần học nổi tiếng nhất nước Mỹ thời điểm ấy đã phát biểu: "Những việc làm từ thiện của một số các triệu phú phải được xem xét bằng những thiệt hại gây ra cho con người và xã hội bởi câu hỏi đặt ra là những đồng tiền được dùng để làm những việc tốt là tiền kiếm được từ nguồn kinh doanh nào…".

Cho đến nay, không ai biết tổng số thuốc phiện mà Johann đã đưa vào Trung Quốc là bao nhiêu. Theo các nhà sử học, con số ấy có thể lên đến khoảng 900 tấn. Nhưng cũng như những người thức thời, nhìn xa trông rộng, Johann biết rằng không sớm thì muộn, cuộc chiến tranh thuốc phiện giữa người Anh và triều đình Mãn Thanh chắc chắn sẽ nổ ra. 

Khi ấy, cơ nghiệp của ông ta có thể sẽ tiêu tan nên năm 1925, Johann rút chân ra khỏi thị trường này. Lúc qua đời vào năm 1848 ở tuổi 84, ông ta được coi là một trong số ít người giàu nhất nước Mỹ. Tài sản của Johann lúc ấy vào khoảng 20 triệu USD, tương đương 11 tỉ USD hiện nay, trong đó phần lớn đến từ việc kinh doanh thuốc phiện.

Vài ngày sau khi Johann chết, bên cạnh nhiều tờ báo viết bài ca ngợi ông ta như một thương gia tài giỏi, thành đạt, đồng thời là một nhà từ thiện với tấm lòng quảng đại bao la thì cũng không ít tờ báo tiết lộ sự nghiệp của Johann có nguồn gốc từ việc buôn bán thuốc phiện. Tờ New Yorker đặt câu hỏi: "Trong thời gian từ 1816 đến 1825, với 80 triệu người nghiện ở Trung Quốc, bao nhiều người thân tàn ma dại vì những chuyến tàu thuốc phiện của Johann?"…

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại