Kỳ 1: Ký ức đau thương với đồng đội
Những ngày này, nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên đông hơn thường lệ. Bà bán tạp hóa cổng nghĩa trang vừa lượm đồ cho tôi vừa bảo: “Người ở mãi Nghệ An, Hà Tĩnh, Thái Bình kéo lên thăm thân đông lắm. Người qua đường cũng dừng lại mua nén hương, bao thuốc, gói kẹo vào thắp hương cho các liệt sĩ…”.
Chỉ tay vào người đàn ông dáng vẻ gầy gò, khắc khổ, đang ngồi bần thần bên nấm mồ phía bên phải nghĩa trang, anh quản trang bảo: “Năm nào cũng vậy, cứ đến lễ tết, giữa tháng hai, các ngày 12/7, ngày thương binh liệt sĩ 27/7, là bác kia cũng đều đến nghĩa trang, ngồi trò chuyện thật lâu ở nấm mồ đó. Tôi chưa hỏi chuyện, nhưng chắc là đồng đội của liệt sĩ”.
Tôi tiến lại gần, thấy ông đang nói chuyện thật. Tưởng như đồng đội ông đang ngồi đó, mà vô hình. Đợi ông “trò chuyện” xong với liệt sĩ, tôi mới bắt chuyện.
Cựu chiến binh Lưu Thành Trì thắp nhang cho đồng đội ở nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên.
Người cựu chiến binh ấy là ông Lưu Thành Trì, một chiến sĩ của Trung đoàn 876, Sư đoàn 356, là sư đoàn hy sinh nhiều nhất trong cuộc chiến biên giới, mà đau thương nhất là trận đánh vị xuyên năm 1984.
Hiện ông Lưu Thành Trì là cán bộ của Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Hà Giang. Ông bảo, hầu như các ngày lễ, kỷ niệm, ông đều về Vị Xuyên thắp hương, thăm lại đồng đội.
Cũng có khi, tự dưng thấy buồn, nhớ đồng đội, cũng tìm về đây hương nhang, trò chuyện với đồng đội cho đỡ buồn. Một năm có khi cả chục lần đến nghĩa trang, vừa là đưa anh em đồng đội đến, vừa hương hoa cho đồng nội nằm đó.
Ngồi bên nấm mồ đồng đội, liệt sĩ Phạm Văn Đồng, ông Lưu Thành Trì nhớ lại chuyện xưa. Từng khoảnh khắc khốc liệt của cuộc chiến nơi được ví như "cối xay thịt người" như cuốn phim quay chậm diễn ra trước mắt.
Ông Trì quê gốc ở Nghệ An. Chiến tranh biên giới xảy ra, theo Lệnh tổng động viên, ông nhập ngũ, lên nông trường 32 ở Nghĩa Đàn huấn luyện. Vài tháng sau thì được điều động lên Lào Cai.
Từ 1979 đến 1984, ông cùng đồng đội chiến đấu ở Lào Cai. Những lúc bình yên thì huấn luyện ở Cam Đường.
Phần mộ đồng đội của ông Trì - liệt sĩ Phạm Văn Đồng.
Ông Trì nhớ lại: “Hôm đó là 30/4/1985, tôi đi chợ mua sắm chuẩn bị ăn liên hoan ngày lễ độc lập, thì nhận lệnh báo động di chuyển. Tôi là đảng viên, nên được biết trước thông tin. Tôi thông báo với anh em chuẩn bị quân tư trang, không liên hoan nữa, lên đường ngay lập tức. Việc lên đường đột xuất thế này khiến tôi cảm nhận được sự căng thẳng.
Ngay hôm đó đơn vị hành quân sang Hàm Yên. Đến đất Hàm Yên thì điều tôi cảm nhận càng rõ ràng. Nhân dân đứng hai bên đường đông lắm. Người dân quẳng lên xe đủ thứ, thuốc lá, bánh kẹo, kim chỉ, lương khô.
Đoàn xe đưa lính qua thị xã Hà Giang, lên thẳng Vị Xuyên, đến Phương Thiện thì dừng lại. Chúng tôi tiếp tục cuốc bộ lên thôn Tha (xã Phương Độ). Đến đây, chúng tôi vẫn chưa biết chuyện gì xảy ra. Anh em được huấn luyện bắn đạn thật, bắn phá lô cốt suốt 2 tháng. Sau đó thì học đánh sa bàn”.
Với nhiệm vụ Trung đội trưởng trung đội 12 ly 7, Lưu Thành Trì được giao nhiệm vụ cùng đồng đội trinh sát địa hình từ Cọc 6 đến điểm cao 772. Lúc đó, ông mới biết nhiệm vụ của Sư 356 là lấy lại chốt 658 và 772.
Thời điểm đó, Trung Quốc đã tiến quân chiếm đóng trọn điểm cao 1509, còn gọi là Núi Đất (người Trung Quốc gọi là Lão Sơn, hoặc Lao Sán) cùng một số điểm thấp hơn quanh điểm cao này. Nhiệm vụ của các Sư đoàn là đánh chiếm lại các điểm cao.
Vị Xuyên - nơi diễn ra cuộc chiến khốc liệt.
Ngày 5/7, ông Trì cùng các chiến sĩ bắt đầu trinh sát địa hình. Khi đó, dân cư ở biên giới đã sơ tán hết, không có bóng người, nhà cửa hoang tàn đổ nát.
Ông Trì nhớ lại: “Ban ngày chúng tôi nằm im, đêm mới trinh sát địa hình. Những ngày đó mưa liên miên, trâu bò của đồng bào trúng đạn pháo chết trương phềnh, bốc mùi nồng nặc”.
Sau mấy ngày dò dẫm, thì đơn vị ông đã tiến đến đồi 468, là quả đồi nằm ngay cửa khẩu Thanh Thủy bây giờ, bên con suối Lao Chải.
Địa điểm này “soi gương” điểm cao 772, thuận tiện bố trí đại liên 12 ly 7, nên ông Trì quyết định lựa chọn. Ngày 10/7 thì kéo pháo vào trận địa.
Đại liên 12 ly 7 bắn được cả máy bay, tiêu diệt được cả các vị trí dưới mặt đất, có nhiệm vụ khống chế đối phương, yểm trợ cho bộ binh tiến lên chiếm lại điểm cao.
Trước khi bố trí pháo, thì mọi người đã đào hầm. Cứ hai người đào một hầm. Hầm được khoét vào ruộng bậc thang như hàm ếch. Ban ngày nằm im trong hầm, ban đêm mới mò ra trinh sát địa hình, lựa chọn điểm để bắn pháo khi có hiệu lệnh.
Đêm 10/7, bố trí pháo xong, ông Trì đi thăm trận địa của đồng hương, là Phạm Văn Đồng. Ông Đồng không chỉ là đồng chí, mà còn là bạn bè, đồng hương thân thiết. Hai người đi lính cùng ngày, cùng đơn vị, cùng chiến hào.
Mỗi năm vài lần ông Trì đến nghĩa trang Vị Xuyên thăm đồng đội.
Nhìn thấy ông Đồng bố trí pháo chưa hợp lý, ông Trì bảo: “Anh nên bố trí pháo tụt đi một tí. Chỗ anh đặt pháo khá thoáng, ngắm bắn dễ, nhưng lại gần cây cổ thụ là không ổn. Cây cổ thụ này sẽ là vật ngắm bắn chuẩn, nó bắn là chết”.
Tuy nhiên, ông Đồng không đồng ý dịch chuyển pháo lại phía sau. Ông bảo, vị trí đặt pháo điểm thẳng vào hào của địch, nên chỉ cần nã đạn là tiêu diệt ngay các vị trí của chúng.
Hai người đang tranh luận, thì đồng chí liên lạc đề nghị mọi người đi ăn ngô nướng, rồi bàn tiếp…
Ông Trì kể: “Đêm ấy, mọi người nấu cơm, nhưng cơm khê, nên bỏ đi không ăn, mà nướng ngô. Tuy nhiên, anh Đồng không ăn, mà cứ nằm trên võng, mặt buồn rười rượi. Lúc ấy, tôi mới biết anh Đồng mới cưới vợ, vợ đang mang bầu.
Anh Đồng bấm đốt ngón tay rồi bảo: “Lần này tôi sẽ không về đâu. Tôi sẽ hi sinh. Đồng hương nhớ đưa xác tôi ra đường để vận tải đưa về tuyến sau nhé”.
Đêm 11/10, tôi đi họp giao ban. Tôi nhận được lệnh triển khai hỏa lực vào 4h15 sáng hôm sau, yểm trợ cho bộ binh. Pháo quân khu sẽ bắn trước, từ 3 giờ đến 4 giờ”.
Sớm 12/7, tiếng pháo vang lên, đỏ rực trời đêm Thanh Thủy. Khẩu pháo ông chỉ huy bắn đỏ nòng. Phía Trung Quốc bắn trả dữ dội. Đạn pháo cày xới từng mét đất điểm cao 772. Ông Trì bị sức ép đạn pháo khiến máu rỉ ra ở hai tai.
Đồng chí giao liên vượt qua mưa đạn đến báo vị trí của đồng đội Phạm Văn Đồng trúng pháo và đã hi sinh. Ông chạy sang đào hầm, moi xác người đồng chí lên, khiêng ra đường mòn, để hậu cần đưa về tuyến sau.
Thực hiện lời hứa với đồng đội xong, ông quay lại trận địa, củng cố đội hình, bám chốt. Lúc đó, liên lạc bị cắt đứt hoàn toàn, thông tin không có nữa. Toàn bộ điểm cao 772 và khu vực xung quanh biến thành một dãy núi trắng xóa màu đá, không còn cành cây cọng cỏ nào bình thường.
Thời điểm đó, bên ngoài đã tin chắc trung đội 12 ly 7 gồm 26 chiến sĩ, do Lưu Thành Trì chỉ huy đã hi sinh cả. Ba ngày sau, khi đã im tiếng pháo, một trinh sát vào chuyển lệnh rút, trung đội của ông mới rời chốt.
Ông Trì nhớ lại: “Lúc ra tuyến sau, đi dọc đường, thấy nhiều tử sĩ quá. Anh em được gói trong tăng võng. Trời mưa tầm tã, cô y tá phát chiếc khăn, hộp dầu cao, để tôi đi nhận dạng đồng đội. Dù thi thể đồng hương Phạm Văn Đồng đã biến dạng, nhưng tôi vẫn nhận ra qua bộ quần áo và vóc dáng.
30 năm nay, mỗi năm vài lần tôi về Vị Xuyên, thắp hương cho đồng đội. Tuy nhiên, tôi không biết rõ đồng hương Phạm Văn Đồng ở xã nào, không rõ gia đình có biết phần mộ anh Đồng ở đây không…”.
Trong tháng 4 và tháng 5/1984, Trung Quốc đã mở nhiều chiến dịch dọc biên giới từ Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang đến Lạng Sơn, Cao Bằng, Quảng Ninh. Chúng mở các đợt pháo kích lớn, bắn hàng trăm ngàn quả đạn pháo, cối vào các vị trí chiến lược của nước ta, nhằm chiếm đóng các điểm cao thuộc chủ quyền của nước ta.
Trước tình hình này, cuối tháng 6/1984, ta quyết định tổ chức tiến công để giành lại những điểm cao bị Trung Quốc chiếm đóng. Ngày 12/7/1984, các Sư đoàn 356, 312, 316, 313 thực hiện chiến dịch MB84 tại Vị Xuyên. Trung đoàn 876 (Sư đoàn 356) đánh cao điểm 772; Trung đoàn 174 (Sư đoàn 316) đánh cao điểm 233; Trung đoàn 141 (Sư đoàn 312) đánh cao điểm 1030...
Còn tiếp…