Thế rồi "Hoàng Đế" đã tiếp bước "Cậu bé vàng" và "Vua" về cõi vĩnh hằng. Nhưng, những câu chuyện trong lịch sử World Cup của "Hoàng Đế" là bất tử.
Tinh thần thép của bóng đá Đức
Có một hình ảnh khiến lịch sử bóng đá thế giới cũng như người hâm mộ bóng đá thế giới ghi nhớ mãi về Beckenbauer, đó là trận bán kết ở Wolrd Cup Mexico 1970 giữa đội tuyển Cộng hòa Liên bang Đức với đội Ý.
Phút 66, Beckenbauer bị đốn ngã trong vùng cấm địa, trọng tài bỏ qua và không cho đội Tây Đức được hưởng quả phạt 11m.
Bi kịch hơn cho đội Đức, vì từ cú đốn ngã của đối phương, Beckenbauer bị chấn thương nặng. Dù bả vai phải bị trật khớp, Beckenbauer vẫn chịu đau để tiếp tục thi đấu với những băng vải quấn quanh vai bó chặt cánh tay ép sát vào thân người.
Một hình ảnh được trực tiếp truyền hình và lại là chương trình truyền hình màu đầu tiên.
Tính cách dữ dội này rất xa lạ với bản chất hiền hòa, tự nhiên đến dung dị lạ thường của Beckenbauer trong cuộc sống.
Tuy nhiên, đó lại là nền tảng để các cổ động viên yêu thương, khâm phục Beckenbauer và trên hết, hình ảnh này đã là biểu tượng tuyệt vời của ý chí chiến đấu, tinh thần thép của bóng đá Đức.
Ghi bàn không vô địch, không ghi bàn thì vô địch
Tham gia ba World Cup, Beckenbauer ghi được 5 bàn, nhưng lại không ghi được bàn thắng nào khi đội tuyển Tây Đức đoạt chức vô địch thế giới 1974 dù rằng khi đó Beckenbauer là thủ quân, là linh hồn, là công thần trong cuộc đăng quang trên sân nhà của đội tuyển Đức. Tại sao? Vì Beckenbauer đã hy sinh cái riêng cho cái chung. Beckenbauer đã chủ động lui về sau để chỉ huy, điều khiển đội bóng chơi tốt hơn.
Hai World Cup trước ở Anh 1966 hay Mexcico 1970, Beckenbauer chơi như một tiền vệ, còn tại World Cup 1974, Beckenbauer chơi lùi lại phía sau.
Ở vị trí mới này, Beckenbauer bay lượn như thần thánh trên sân cỏ. Bernand Bosquier, trụ cột đội tuyển Pháp khi đó đã nhận định: "Tôi đã thi đấu năm lần với Beckenbauer, và mỗi lần chính tôi cũng phải chiêm ngưỡng anh ấy trong lúc quả bóng vẫn đang lăn. Beckenbauer là một siêu nhân có khả năng biến các đối thủ thành những khán giả trong sự nể phục".
Nước cờ hy sinh Beckenbauer
Bước đi đầu tiên của Beckenbauer trong World Cup 1966. Bộ mặt còn non nớt của tiền vệ tấn công đội Bayern Munich đã trở thành nhân vật trung tâm của giải. Ngay khi mới bước vào giải, trong trận thắng Thụy sĩ 5-0 tại Sheffield (Anh), Beckenbauer đã ghi 2 bàn. Trận tứ kết trước Uruguay (thắng 4-0), cũng như khi làm trung vệ trước Liên Xô (thắng 2-1), Beckenbauer ghi 1 bàn quan trọng.
Thế nhưng trong trận chung kết trước đội chủ nhà Anh quốc, HLV Helmut Schoen lại giao cho Beckenbauer nhiệm vụ "bắt chết" thủ lĩnh, nhà đạo diễn và cũng là thủ quân đội Anh Bobby Charlton.
Sứ mạng của Beckenbauer dễ dàng hoàn thành. Nhưng khi không có Beckenbauer được chơi tự do, sáng tạo, thì lối chơi của đội Đức cũng rơi vào bế tắc. Hai ngôi sao sáng nhất của hai đội và cũng là của cả giải Beckenbauer và Charlton đã ghìm nhau, hòa quyện dính chặt vào nhau khi vô hiệu hóa lẫn nhau, đã khiến cả hai mất hút trong trận đấu.
Nước cờ hy sinh Beckenbauer của HLV Schoen cho đến nay vẫn chưa có lời giải là đúng hay sai, nhưng kết quả đội Đức đã thua Anh trong trận chung kết, và chuyện đăng quang của Beckenbauer phải đợi đến… 8 năm sau.
Beckenbauer dũng mãnh với lối đá bao sân
World Cup 1970 là cơ hội Beckenbauer khẳng định tài nghệ. Beckenbauer đã in dấu ấn của mình lên ba chiến thắng êm đẹp trước Morocco, Bungaria và Peru. Trận tứ kết gặp Anh, Beckenbauer đã đòi lại được món nợ thua trận chung kết World Cup 1966 dù bị dẫn trước 2-0. Như mãnh hổ bị dồn vào đường cùng, Beckenbauer dũng mãnh với lối đá bao sân, tầm quan sát rộng cùng ý chí sắt thép, Beckenbauer đã vực dậy tinh thần cả đội để thực hiện cuộc lội ngược dòng ngoạn mục: hòa 2-2 sau 90 phút thi đấu chính thức, và trong giờ đấu thêm, "Mũi tên vàng" Gerd Muller ghi bàn quyết định đưa đội Đức vào bán kết gặp đội Ý.
Cả hai đội đã cống hiến một trận đấu tuyệt vời, đầy kịch tính. Thời gian đá hiệp phụ sôi động, nghẹt thở mà ở đó cả hai đội Ý và Đức luân phiên nhau tưởng như rằng đã nắm chặt chiến thắng. Một trận bán kết được mô tả là cuộc chiến không khoan nhượng.
Đội Ý đã dẫn trước 1-0, tưởng là đã chiến thắng, nhưng đến phút 89, đội Đức gỡ hòa 1-1. Qua hiệp phụ, đội Đức vượt lên dẫn 2-1 ở phút 96, Ý gỡ 2-2 phút 98, rồi vượt lên 3-2 phút 104. Thế nhưng lại Muller đã đem lại thế quân bình 3-3 ở phút 110. Hai phút sau, Ý lại vượt lên 4-3.
Không đầu hàng, dưới sự dẫn dắt của Beckenbauer với bả vai phải quấn đầy băng vải, đội Đức tràn lên tấn công. Đến giây cuối cùng, Beckenbauer phối hợp với Muller, Nếu như Muller trả bóng lại cho Beckenbauer lúc đó đang ở gần chấm phạt đền và không người kèm, có lẽ trận đấu đã có thể khác đi. Tiếc thay đây là lần đầu tiên Muller chọn lối đá cá nhân và Muller đã thất bại.
Lên ngôi "Hoàng Đế"
Rồi cái gì phải đến đã đến. Vinh quang đã thuộc về Beckenbauer và đồng đội trên sân nhà 1974. Vui quá đến nỗi những tuyển thủ Đức vô địch thế giới 1954 đã buộc miệng nói: "Đó là cúp thế giới của chúng tôi".
Thật ra những chặng đường đi đến đích của đội Đức không bẳng phẳng. Thậm chí trước giải, đội Đức đã rơi vào khủng hoảng khi tiền vệ tài hoa Netzer bị chấn thương và chỉ có thể chơi bóng với một chân.
Rồi Tây Đức lại thua người anh em Đông Đức trong cuộc tranh ngôi đầu bảng. Có ai đó cho rằng Tây Đức chủ động thua để được vào bảng đấu gồm đội cả ba đội châu Âu Nam Tư, Thụy Điển, Ba lan dễ thở hơn là Đông Đức đứng đầu bảng sẽ rơi vào bảng có hai đội Nam Mỹ là đương kim vô địch thế giới Brazil, Argentina và Hà Lan, đội bóng gây kinh hoàng cho mọi đối thủ với lối chơi tổng lực dưới sự dẫn dắt của "Thánh" Johan Cruyff.
Thể thức thi đấu khi đó là 4 đội thi đấu vòng tròn, hai đội đầu bảng tranh chung kết và hai đội nhì bảng tranh hạng ba. Không biết Tây Đức đã có tính toán đúng "lùi 1 bước để tiến 3 bước" hay không khi họ và Hà Lan vào chung kết, còn Đông Đức bị loại (?).
Tuy nhiên từ đây mới thấy Beckenbauer không chỉ là thủ lĩnh trên sân cỏ mà còn là thủ lĩnh trên sa bàn khi Beckenbauer đã cùng HLV Schoen giải bài toán tìm người thay linh hồn tuyến giữa Netzer. Đây cũng là khởi đầu cho một HLV Beckenbauer của tương lai và là một HLV Beckenbauer đã dẫn dắt đội tuyển Đức vô địch World Cup 1990 ở Rome (Ý).
Đến trận chung kết trước "cơn lốc màu da cam" Hà Lan, Beckenbauer trở thành người tổ chức bức tường phòng thủ vững chắc mặc cho bão táp nổi lên dữ dội từ những chân sút bậc thầy Hà Lan. Beckenbauer như con thoi, di chuyển ngang dọc suốt tuyến phòng thủ, đồng thời luôn là nơi xuất phát các đợt tấn công của đội nhà.
Vì vậy các ngôi sao như thủ môn "người nhện" Maier, hậu vệ Breinert sút phạt 11m gỡ hòa 1-1 cho đội Đức và Gerd Muller ghi bàn quyết định giúp Đức thắng Hà Lan 2-1 để vô địch thế giới 1974 đều nhìn nhận: "Với cá tinh của anh ấy, Becknenbauer là người duy nhất có thể dẫn dắt chúng tôi đến cùng".
20 năm sau kể từ khi vô địch World Cup 1954, Tây Đức mới lại vô địch thế giới và chức tước Kaiser Beckenbauer (Hoàng Đế Beckenbauer) đã ra đời từ đây, đồng thời Libero cũng chính thức được thế giới nhìn nhận với người sáng tạo vị trí công thủ toàn diện này, không ai khác chính là: Franz Beckenbauer bất tử!
Franz Beckenbauer, sinh ngày 11-9-1945, cao 1m81, nặng 75 kg.
103 lần khoác áo đội tuyển (từ 26-9-1965 đến 23-2-1977), trong đó có 50 lần đeo băng đội trưởng.
Vô địch thế giới 1974 (thủ quân), hạng nhì World Cup 1966, hạng ba World cup 1970. Vô địch châu Âu 1972
Với đội Bayern Munich: 3 lần vô địch Cúp C1 (1974, 1975, 1976). Đoạt Siêu Cúp 1976. Cúp C2 (1967). Vô địch quốc gia 1969, 1972, 1973, 1974. Đoạt Cúp quốc gia 1966, 1967, 1969, 1971
Với đội Hamburg: vô địch quốc gia 1982
Với đội Cosmos de New York: vô địch Mỹ 1977, 1978, 1980
Hai lần đoạt Quả bóng vàng 1972, 1976
Vô địch thế giới 1990 và hạng nhì World Cup 1986 trong vai trò HLV đội tuyển Đức