Những ngày cận Tết sắp đến, tình trạng mua bán đất nền ở Tp.HCM đã chững lại nhiều so với cùng kì năm 2018. Ngoài việc quỹ đất khan hiếm thì giá cũng đã được đẩy lên quá cao không còn khả năng kiếm lời cho nhà đầu tư.
Trong xu thế đó, nhiều nhà đầu tư lựa chọn săn đất nền ở vùng ven để tìm tỉ suất sinh lợi cao hơn. Phần đa, các nhà đầu tư sẽ lựa chọn nơi đầu tư dựa theo những cơn sốt đất ăn theo sự phát triển của hạ tầng.
Tuy nhiên, xung quanh câu chuyện săn đất nền này cũng có không ít nhà đầu tư gặp trái đắng. Đó là câu chuyện của vợ chồng chị Lê Thị H (ngụ quận 12, Tp.HCM.
Một ngày giữa tháng 10, chị H. lang thang trên mạng và được môi giới mời chào mua dự án đất nền ở huyện Long Thành, Đồng Nai. Chị H. sẵn có trong tay 1 tỷ đồng liền rủ chồng về khu vực trên tìm hiểu.
Biết chị H. đi từ Tp.HCM xuống vất vả, nhân viên môi giới này đã dùng ô tô đưa chị H. đi tham quan một khu đất ở xã An Phước. Khi chị H. tỏ ý muốn mua đất ở Nhơn Trạch thì môi giới khuyên chị H. nên mua đất ở khu này để có giá rẻ và hưởng tiền chênh lệch cao hơn.
Người này nhanh nhảu giới thiệu về một khu đất có diện tích hơn 200m2 được bán với giá 1,2 tỷ đồng và đưa cho chị H. xem sổ đỏ khu đất rồi hẹn đến phòng công chứng huyện để thực hiện thủ tục sang tên.
“Đất ở đây mới có giá này chứ bây giờ chị qua Nhơn Trạch giá đều đã 25 - 30 triệu/m2 cả rồi. Chị mua ở đây giá lên hơi chậm một chút nhưng qua năm đảm bảo sẽ lời to”, môi giới này khuyên chị H.
Ban đầu vợ chồng chị H. tính đặt cọc mua ngay thì thấy miếng đất giá vừa phải, lại phù hợp với túi tiền. Trong khi đó, đất ở Tp.HCM thì hiện đã lên giá cao ngất ngưỡng. Chị H. cũng định bụng sau khi mua xong, nếu không bán được thì vài năm sau sẽ về đây xây nhà cho con trai ở.
Người này không ngại dẫn chị H. đến phòng công chứng để thực hiện thủ tục sang tên. Tuy nhiên, môi giới trên nói với chị H. rằng phải giấu giá đất, khai thấp hơn giá mua nhiều lần để tránh bị chính quyền phát hiện.
Môi giới tên T. khuyên vợ chồng chị H. ngồi chờ, đưa toàn bộ giấy tờ để anh ta làm thủ tục sang tên. Sau khi nhận được hồ sơ làm thủ tục, T. đem ra và yêu cầu chị H. ký vào các mặt của hồ sơ để làm thủ tục sang tên.
Nghi ngờ về tính minh bạch của lô đất, chị H. nói với chồng chờ đợi thêm để xác minh. Sau đó, vợ chồng chị H. đã chụp lại ảnh sổ đỏ của lô đất trên đến hỏi chính quyền địa phương ở khu vực thì phát hiện miếng đất mà T. rao bán là đất nông nghiệp nhưng được bán với giá cao ngất ngưỡng, gấp 2-3 lần giá thực tế ở khu vực trên.
Vì là đất nông nghiệp nên nếu muốn chuyển thành đất ở, chủ đất sẽ phải tiếp tục nộp hồ sơ và chờ đợi chính quyền duyệt cấp. Trong trường hợp đất không thuộc diện được chuyển đổi thì người mua sẽ gặp rắc rối lớn. Qua tìm hiểu thêm, vợ chồng chị H. phát hiện ra T. đã rao bán cho rất nhiều người với hình thức bán hàng tương tự như trên.
Bằng cách mua lại một mảnh đất nông nghiệp của dân với giá thấp, T. lên mạng tìm kiếm các nhà đầu tư đất nền và dụ họ đi xem đất rồi bán với giá cao gấp 2-3 lần để hưởng chênh lệch. Trong khi đó, với những nhà đầu tư ở xa thì họ không thể nắm vững giá đất ở khu vực và nhiều người đã “sập bẫy”.
Anh N.V.C, Giám đốc một công ty địa ốc ở Nhơn Trạch cho biết tình trạng nhà đầu tư ở xã về Đồng Nai mua đất bị lừa rất nhiều. Hầu hết là họ bị lừa giao dịch sổ đỏ giả, một mảnh đất bán cho nhiều người hoặc rao bán đất nông nghiệp với giá đất ở.
Nhà đầu tư khi mua với giá cao ngất ngưỡng nhưng khi bán ra thì lỗ nặng, hoặc vướng đất quy hoạch thì khách hàng chỉ được đền bù với giá thấp hơn nhiều lần.