Kỳ 1: Vạn sự khởi đầu
Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, để đáp ứng nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc trong tình hình mới, tháng 12/2009, Việt Nam đã ký hợp đồng mua 6 tàu ngầm Kilo 636 của Liên bang Nga.
Nhằm chuẩn bị tốt nhất cho quá trình xây dựng đơn vị tàu ngầm cấp chiến dịch, năm 2010, Bộ Tư lệnh Hải quân ra quyết định thành lập Khung thường trực quản lý lực lượng tàu ngầm, trực thuộc Bộ Tham mưu, Quân chủng Hải quân.
Tháng 3 cùng năm, với sự giúp đỡ của chuyên gia Nga, Quân chủng Hải quân triển khai xây dựng căn cứ tàu ngầm tại bán đảo Cam Ranh. Ngày 17/9/2010, Tư lệnh Hải quân ký quyết định thành lập Đoàn 189 tàu ngầm, trực thuộc Bộ Tham mưu Hải quân - tiền thân của Lữ đoàn tàu ngầm 189 Hải quân.
Nói về những ngày đầu xây dựng lực lượng, Thượng tá Nguyễn Văn Quán, Chính ủy Lữ đoàn 189 cho biết:
“Khó khăn đầu tiên sau khi có quyết định thành lập khung thường trực quản lý chính là việc tuyển chọn thủy thủ tàu ngầm, với những yêu cầu rất cao. Từ hàng nghìn ứng viên trong lực lượng Hải quân và các đơn vị khác của Quân đội, mới chọn ra được những người ưu tú nhất sau những kỳ sát hạch khắt khe”.
Cán bộ, thủy thủ tàu ngầm 183 -TPHCM trong lễ hạ thủy tàu tại Liên bang Nga
3 vòng tuyển chọn
Theo Trung tá Hoàng Văn Đồng, Phó Chủ nhiệm Chính trị Lữ đoàn tàu ngầm 189, việc sát hạch chọn thủy thủ tàu ngầm được tiến hành qua 3 vòng kỹ lưỡng. Đầu tiên là xác minh hồ sơ về lý lịch, lập trường tư tưởng, bản lĩnh chính trị.
Kế đó là khám sức khỏe, quân nhân phải có ngoại hình cao từ 1,65m trở lên, thể lực tốt, đặc biệt là khả năng chịu đựng của tiền đình và chịu đựng áp lực. Cuối cùng là kiểm tra trí tuệ. Yêu cầu quân nhân làm bài test kiểm tra nhận thức, chỉ số IQ…
Trực tiếp tham gia tuyển chọn tinh binh ngày ấy, Đại tá Nguyễn Hoàng Luyến, Phó Trưởng phòng Quân y (Chủ tịch Hội đồng khám tuyển năm 2010) cho biết: Hội đồng gồm 15 cán bộ có năng lực và kinh nghiệm công tác ở các chuyên ngành.
Mỗi quân nhân phải trải qua 3 vòng khám sức khỏe. Vòng một là khám cận lâm sàng (xét nghiệm, miễn dịch, chụp X quang, siêu âm).
Vòng hai là khám lâm sàng (hệ thần kinh, thể lực, tai - mũi - họng, răng -hàm - mặt, mắt, da liễu, tim mạch). Vòng ba là khám chuyên ngành (áp lực, tiền đình).
Có những người phải khám đi, khám lại đến 3 lần để lấy một chỉ số và tổng thời gian tuyển chọn mỗi lần như vậy kéo dài liên tục trong một tháng rưỡi đến hai tháng.
Để thực hiện nhanh, hiệu quả, hội đồng phân thành 3 cấp độ: Cấp độ 1 khám tuyển ở các đơn vị trong toàn quân thông qua hệ thống quân y đơn vị đảm nhiệm. Cấp độ 2 khám tuyển ở các bệnh viện quân y tuyến đầu ở các khu vực để sàng lọc lần 2.
Cấp độ 3 khám tuyển chuyên ngành ở các đơn vị có trang bị khám áp lực như Viện Y học Hải quân, Trung đoàn tàu ngầm 196.
“Quá trình khám, nhiều quân nhân có sức khỏe rất tốt, các chỉ số sức khỏe vượt trội nhưng vẫn bị loại. Như một quân nhân ở Vùng 1 Hải quân, bị loại vì có răng bị sâu. Hay có trường hợp quân ở Vùng 3 Hải quân, khám tiền đình xong bước đi không thẳng hàng cũng bị loại”, Đại tá Luyến nói.
Hồi phục sức khỏe cho thủy thủ tàu ngầm bằng buồng oxy cao áp (100% oxy tươi)
Nhớ lại hành trình trở thành thủy thủ tàu ngầm, Đại úy Nguyễn Trung Kiên, Phó Trưởng ngành thông tin, radar, sonar, Tàu ngầm 184 - Hải Phòng chia sẻ:
“Cảm giác khi thử sức chịu đựng của tiền đình và một số bài test thể lực thật khó tả. Có nhiều người bị chóng mặt, buồn nôn. Tôi vẫn nhớ như in, khi được bác sĩ buộc dây an toàn chắc chắn, ghế bắt đầu quay thăng bằng, sau đó nghiêng ngang 45 độ, rồi ghế nghiêng ngửa ra sau.
Ghế vừa quay tôi vừa phải đánh đầu nghiêng trái, nghiêng phải và bắt buộc phải mở mắt. Sau khi khám về đầu có cảm giác choáng, hôm sau mới hết”.
Tuyệt đối “5 không”
Sau khi chọn được những người ưu tú nhất, Đoàn 189 tàu ngầm bắt đầu xây dựng các phương án bảo đảm vật chất, tài liệu phục vụ cho quá trình tiếp nhận, huấn luyện cho học viên tàu ngầm một cách khoa học nhất, dựa trên kinh nghiệm của các đồng chí đã được đào tạo và huấn luyện ở Nga trước đây.
Bước đầu xây dựng giáo trình huấn luyện gặp nhiều khó khăn, vì chúng ta chưa hề có kinh nghiệm về khai thác, sử dụng tàu ngầm Kilo 636, nên phương châm đặt ra là học tập Tiếng Nga, từng bước làm quen với các thuật ngữ chuyên ngành, đảm bảo khi qua Nga đào tạo giảm bớt sự bỡ ngỡ.
Ngày 10/10/2010, tại một căn cứ quân sự ở tỉnh Vĩnh Phúc, Khóa 1 lực lượng tàu P (tàu ngầm) khai giảng. Phó Đô đốc Trần Thanh Huyền - Chính ủy Hải quân lúc đó đã tới giao nhiệm vụ cho khóa huấn luyện đặc biệt này.
“Đây là lớp cán bộ đặt những viên gạch đầu tiên cho việc hình thành một lực lượng mới mà Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng xác định xây dựng thành đơn vị tàu ngầm cấp chiến dịch tiến thẳng lên hiện đại.
Nhiệm vụ đó tạo áp lực rất lớn cho các cán bộ trong khung thường trực khi đó”, Thượng tá Nguyễn Văn Quán cho biết.
3 đặc biệt
Cùng với quyết định thành lập Đoàn 189, Thường vụ Đảng ủy Quân chủng Hải quân ra quyết định thành lập Đảng bộ Đoàn 189, trực thuộc Đảng bộ ngoài nước, Đoàn trưởng - Thượng tá Trần Thanh Nghiêm (nay là Ủy viên Trung ương Đảng, Chuẩn Đô đốc, Tư lệnh Hải quân) được chỉ định giữ chức Bí thư Đảng ủy. 3 đặc biệt được quán triệt là: "Đoàn kết đặc biệt; Kỷ luật đặc biệt; Bí mật đặc biệt".
Thiếu tá Hà Văn Tý, Chính trị viên tàu ngầm 183-TPHCM kể lại: “Ngay từ khi bắt đầu bước vào quá trình huấn luyện, nhận thức được vinh dự và trách nhiệm mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó, chúng tôi đã cùng nhau xác định tiêu chí văn hóa của mình với 3 đặc biệt, 4 tốt, 5 không để tập trung ý chí, tinh thần cho việc học tập.
Bật mí về “5 không” (Không vi phạm tư cách; không nói tục chửi thề; không vi phạm ba dứt điểm; không để mất an toàn; không hút thuốc lá), trong đó có việc cấm hút thuốc lá, Thiếu tá Hà Văn Tý thông tin.
“Mỗi người phải tự giác chấp hành và quyết tâm cai thuốc lá vì thủy thủ tàu ngầm không được phụ thuộc vào bất cứ chất kích thích nào, đảm bảo đầu óc luôn minh mẫn để thực hiện nhiệm vụ và bảo đảm an toàn phòng chống cháy nổ”, anh nói.
Câu chuyện “5 không” mà Thiếu tá Tý chia sẻ khiến tôi nhớ lại 3 năm về trước, trong lần tham gia đoàn công tác của Quân đội tới Quân cảng Cam Ranh, PV Tiền Phong được một cán bộ trong đoàn "tiết lộ” về bài học xương máu từng xảy ra tại một cường quốc quân sự ở châu Á.
Nước này cũng mua của Nga một số tàu ngầm lớp Kilo 636, do quân nhân của họ bất cẩn khi hút thuốc lá đã khiến một chiếc bốc cháy, chìm ngay tại căn cứ…
(Còn nữa)