Có bao giờ bạn tự hỏi điều gì sẽ xảy ra với những chiếc xe bán ế, bị tồn kho hay không? Chúng sẽ đi đâu khi phải nhường chỗ cho những mẫu xe mới nhất? Tất nhiên các đại lý sẽ không tặng xe miễn phí và họ luôn có những bí mật không tiết lộ cho mọi người biết.
Đại lý xe máy, xe hơi là các đơn vị nhượng quyền thương mại. Điều đó có nghĩa là họ mua xe mới từ nhà sản xuất và bán chúng với giá cao hơn để kiếm lợi nhuận. Do đó, một khi đại lý mua những chiếc xe đó, chúng sẽ thuộc về họ.
Huw Williams, phát ngôn viên của Hiệp hội đại lý ô tô Canada (CADA) cho biết: "Ngày những chiếc xe rời khỏi nhà máy, chúng sẽ là của các đại lý. Nếu đại lý mua 500 chiếc xe từ nhà sản xuất, điều đó có nghĩa là họ sẽ chịu trách nhiệm về 500 xe đó." Họ không thể gửi những chiếc xe không bán được trở lại nhà sản xuất, thay vào đó, họ sẽ tìm cách để lôi kéo khách hàng mua chúng.
Theo đó, có một vài lựa chọn cho đại lý khi xe của họ không bán được:
Một là, họ có thể vận chuyển những chiếc xe chưa bán được đến một thị trường khác, nơi mà những mẫu xe đó có thể vẫn được khách hàng ưa chuộng. Ví dụ, một đại lý Toyota ở thành phố đang có một chiếc xe bán tải tồn kho, họ có thể gửi nó tới một đại lý Toyota ở cùng nông thôn, nơi lượng khách hàng cần mẫu xe này nhiều hơn.
Hai là, những chiếc xe tồn kho này cũng có thể được bán đấu giá, nhưng các đại lý sẽ phải mất một khoản tiền cho bên tiếp nhận đấu giá. Đồng thời, họ cũng phải chấp nhận chịu lỗ vì chiếc xe sẽ được bán ra với mức giá chiết khấu.
Ba là, các đại lý có thể chọn phương án cho thuê những chiếc xe này với những khách hàng có xe đang bảo dưỡng hoặc sửa chữa.
Lựa chọn cuối cùng là sử dụng các hình thức giảm giá, khuyến mãi với những chiếc xe "ế", đang tồn kho. Theo các đại lý, xe để càng lâu càng khó bán, nên cho dù có thua lỗ cũng phải tìm cách bán hết. Các đại lý sẽ bán xe trả góp hoặc tung các gói khuyến mãi hấp dẫn để thu hút người dùng và "xả" xe tồn kho một cách nhanh chóng. Đây là một chiến lược được rất nhiều nhà sản xuất và đại lý áp dụng bởi nó cho thấy tính hiệu quả cao.
Cách để tránh mua phải xe tồn kho
Trên thực tế, việc ô tô bị lưu kho vài tháng trước khi đến tay khách hàng không phải là điều đặc biệt. Tuy nhiên trong một số trường hợp, vẫn có những đại lý, nhân viên bán hàng cố tình giao cho khách xe bị tồn kho lâu. Thông thường, thời gian xe tồn kho có thể lên tới vài năm, không được bảo quản tốt (để ngoài bãi) nên ngoài suy giảm chất lượng do thời tiết... Do đó, việc nhận biết đâu là xe tồn kho để tránh và mua được xe mới là điều mà rất nhiều khách hàng quan tâm.
Theo đó, để biết được một chiếc xe có phải là xe tồn kho lâu hay không, người mua có thể căn cứ vào một số thông tin như vào số VIN (Vehicle Identification Number) của ô tô hay dựa trên năm sản xuất lốp.
Số VIN thường được in ở 3 vị trí là: trên khung xe tại cửa ghế lái, trên vách ngăn khoang động cơ và ở dưới kính trước phía lái xe. Ký tự thứ 10 chứa thông tin về năm sản xuất. Theo quy định được thống nhất giữa các hãng ô tô, bảng chữ cái bắt đầu từ chữ A (không sử dụng các chữ cái I, O, Q, U hoặc Z vì dễ gây nhầm lần với chữ số) sẽ được dùng để đánh số từ năm 2010 đến năm 2030. Từ đó bạn có thể xác định được năm sản xuất của chiếc xe mình muốn mua.
Tương tự số VIN, trên lốp cũng có rất nhiều thông số giống như "giấy khai sinh" của nó vậy. Trên thành lốp bao giờ cũng có 1 dãy mã số bắt đầu bằng cụm DOT và kết thúc bằng 4 chữ số. Tuy nhiên, để biết được thời gian sản xuất của một chiếc lốp ô tô thì chỉ cần quan tâm tới bốn chữ số thường được đặt trong hình elip. Đó chính là các con số chỉ ngày tháng năm sản xuất.
(Tổng hợp)