Đợt vào Lâm Đồng 3 tháng trước, tôi có dịp ngồi xe của một tài xế già trên hành trình đi thăm trang trại trồng atiso.
Bác đã có gần 40 năm cầm lái. Bác tự hào khoe: “10 năm qua, tôi không gặp một tai nạn nào. Ấy thế mà thằng con trai của tôi mới lái xe 3 năm đã bị thu bằng 3 lần”.
Không thể bỏ qua một dịp tốt thế này, tôi hỏi bí quyết lái xe an toàn của bác. Và lời khuyên của người tài xế già đã có 40 năm ngồi sau vô lăng ấy thế này: “Khi lái ô tô, cháu phải quên đi tất cả những kỹ năng và thói quen của người đi xe máy”.
“Kỹ thuật lái xe về cơ bản đều giống nhau. Sự khác biệt giữa người lái xe an toàn và người lái ẩu, dễ gây tai nạn là tư duy. Ô tô có cách điều khiển và cách đi của riêng nó, tuyệt đối không dính dáng gì tới xe máy cả”.
Dạo gần đây, tôi càng ngẫm càng thẩm được những gì bác nói.
Gần 2 tuần trước, một chiếc xe hồn nhiên quay đầu chạy ngược chiều trên cao tốc Hà Nội – Hải Phòng. Vụ việc gây phẫn nộ dữ dội vì ý thức của người lái xe không thể tồi hơn.
Chiếc ô tô đi ngược chiều trên cao tốc gây bức xúc
Vài ngày trước, cư dân mạng lại có “thức ăn” khi một chiếc xe vô tư quay đầu trên cầu Cót – một cây cầu nhỏ hẹp ở Hà Nội giữa lúc xe cộ qua lại đông đúc.
Mức độ nguy hiểm của hai hành vi này khác nhau. Đi ngược chiều trên cao tốc cho phép chạy 120 km/h chẳng khác nào tự sát, còn quay đầu ở cầu Cót gây phẫn nộ ở sự vô ý thức, nhưng nó không gây nguy hiểm cho ai cả.
Tuy nhiên, cả 2 vụ việc này gặp nhau ở một thói quen: Thói quen của người thường xuyên sử dụng xe máy.
Lợi thế nhỏ gọn, tiện dụng biến xe máy thành loại phương tiện đi kiểu “đời nhà tùy” bậc nhất trong dòng chảy giao thông. Xe máy có thể vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, quay đầu ở bất kỳ đâu, dừng đột ngột, đỗ bừa bãi.
Xe máy vượt đèn đỏ - hình ảnh không hiếm gặp tại một số thành phố lớn tại Việt Nam
Sự tùy tiện khi đi xe máy lâu dần trở thành thói quen. Những tài xế xe máy khi chui vào bộ khung sắt của chiếc ô tô to gấp 5-10 lần, vẫn giữ nguyên thói quen bừa bãi đó.
Tuy nhiên, chúng ta hãy nghĩ rộng ra. Xe máy hay ô tô thì cũng chỉ là phương tiện. Nó không có lỗi trong bức tranh giao thông lộn xộn ở các thành phố lớn của Việt Nam.
Điều người tài xế già muốn ám chỉ là sự khác biệt giữa thế giới văn minh và lạc hậu. Ô tô là một sản phẩm của thế giới văn minh, và khi đã ở trong thế giới này, bạn phải tuân thủ những luật lệ, nguyên tắc vốn chưa từng được nhắc tới ở thế giới lạc hậu.
Vài ví dụ cơ bản mà 90% người lái ô tô ở Hà Nội vẫn mắc mỗi ngày: Ô tô chạy phải giữ nguyên một làn, nhìn thấy người đi bộ đang bước trên vạch kẻ đường phải giảm tốc, nhường đường.
Nhiều tài xế ô tô tham gia giao thông với tâm thế là người lái xe máy
Tuy nhiên, đa phần các tài xế đều chuyển làn tùy thích, thậm chí còn dí còi inh ỏi vượt một người đi bộ qua đường đúng luật. Đó là cách đi của xe máy và nó thuộc về thế giới lạc hậu, chí ít là so với tiêu chuẩn văn minh của thế giới.
Cứ mỗi giờ tan tầm, lễ Tết, Hà Nội lại kín đặc ô tô, không kém gì những quốc gia văn minh. Tuy nhiên, không rõ là bao nhiêu phần trăm trong số hàng nghìn ô tô ra đường mỗi ngày thật ra chỉ là những chiếc xe máy trong vỏ bọc xe hơi.