Ghế rất nóng
Cho tới thời điểm này, khi mô hình hoạt động của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (Ủy ban) đã chính thức được chốt, đó là cơ quan thuộc Chính phủ, chịu trách nhiệm quản lý khối lượng tài sản và vốn nhà nước rất lớn tại doanh nghiệp, thì vấn đề về tổ chức cán bộ, nhân sự của Ủy ban lại nổi lên.
Thậm chí, với ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) - đơn vị được giao trách nhiệm dự thảo văn bản nghị định về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Ủy ban, sự thành công hay thất bại mà nhiều ý kiến đang bàn luận xung quanh mô hình cơ quan sẽ “có” trong tay 5 triệu tỷ đồng này phụ thuộc rất lớn vào thời điểm này - thời điểm quyết định chọn nhân sự.
“Với trách nhiệm là đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các doanh nghiệp, Ủy ban không chỉ có nhiệm vụ bảo toàn vốn, mà phải đảm bảo lượng tài sản nhà nước trong các doanh nghiệp hiệu quả, đúng mục tiêu, tương tự những gì mà các doanh nghiệp tư nhân lớn đang làm với đồng vốn của họ. Nên các ghế tại Ủy ban là ghế nóng, ghế làm việc vất vả, chứ không phải ghế bổng lộc, ghế quyền lực...”, ông Cung chia sẻ quan điểm.
Điểm khác biệt của Ủy ban so với các đại diện chủ sở hữu nhà nước hiện hữu khác là rất rõ, đó là sự tách bạch chức năng chủ sở hữu ra khỏi các bộ, chấm dứt tình trạng vừa đá bóng, vừa thổi còi, tạo môi trường kinh doanh công bằng, nhưng cũng là bước chủ sở hữu nhà nước thực sự tuân thủ theo đúng nguyên tắc quản lý và theo kinh tế thị trường.
Hệ quả là, những chiếc ghế quyền lực - vừa thực hiện quyền chủ sở hữu, vừa quản lý nhà nước, vừa tham gia điều hành doanh nghiệp nhà nước tồn tại rất nhiều năm qua chính thức bị phá bỏ. Thay vào đó là những đòi hỏi các chỉ tiêu P/E, tốc độ tăng trưởng... mà các doanh nghiệp nhà nước phải đạt được trong từng năm, từng giai đoạn...
Ông Cung cho rằng, khi thực hiện quản lý theo kết quả kinh doanh của doanh nghiệp, thì cánh cửa của cơ quan thuộc Chính phủ đã mở rộng, đón những người có kinh nghiệm thực sự trong đầu tư, quản lý doanh nghiệp, có tham vọng đưa khối tài sản lớn trong các doanh nghiệp hiện tại đóng góp vào sự thịnh vượng của đất nước...
Cần giám sát chặt
Phải nhắc lại yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về nhân sự của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong ngày trao Quyết định bổ nhiệm ông Nguyễn Hoàng Anh, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng làm Chủ tịch Ủy ban (12/2/2018).
Thủ tướng đã nhấn mạnh việc lựa chọn người tốt, bố trí đúng người, đúng việc, không để kẽ hở cho việc tham nhũng, tiêu cực, đặc biệt, không đưa vào Ủy ban những cán bộ không đủ năng lực chuyên môn, phẩm chất đạo đức, chính trị...
“Để đảm bảo được yêu cầu này, việc giám sát quá trình tuyển dụng nhân sự phải được đặt ra ngay lập tức. Muốn giám sát được, các tiêu chí tuyển dụng phải được công khai, minh bạch. Ngay cả danh sách các cán bộ sau khi tuyển dụng cũng phải được công khai kèm với bảng thành tích quá khứ được lượng hóa.
Các cán bộ được tuyển dụng về Ủy ban không thể vì có thâm niên công tác hay có bằng cấp cao, mà phải là đã thực sự làm được gì trong lĩnh vực chuyên môn mà Ủy ban đang tuyển dụng”, ông Cung nói.
Hiện tại, theo dự thảo lần 1 nghị định về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Ủy ban, ngoài chức danh Phó chủ tịch Ủy ban được quy định không quá 4 người, Ủy ban có thể có 10 đơn vị trực thuộc, gồm các vụ quản lý vốn tại doanh nghiệp nông nghiệp; doanh nghiệp công nghiệp chế tạo; doanh nghiệp năng lượng; doanh nghiệp công nghệ thông tin, viễn thông, truyền thông; doanh nghiệp xây dựng và hạ tầng; Vụ Chiến lược và phát triển; Quản trị tài chính và rủi ro; Pháp chế, kiểm soát nội bộ; Tổ chức, nhân sự và đào tạo và Văn phòng Ủy ban.
Giả sử mỗi vụ có 10 người, thì tổng số nhân sự mà Ủy ban đang cần tuyển dụng có thể lên tới 150 người.
“Sự thành công của Ủy ban sẽ phụ thuộc phần lớn vào 150 con người đầu tiên này. Nhưng đây là cơ quan mới, nên tôi tin là có thể thực hiện được những đòi hỏi, yêu cầu mới trong công tác cán bộ. Tại sao không coi Ủy ban là điển hình trong công việc này”, ông Cung đặt vấn đề.