Những câu pha trò kém duyên của sếp trong team building

LÝ NHIÊN |

Trong các chuyến team building, không ít lần nhân viên nhận phải những câu đùa “trái tai” từ phía các lãnh đạo.

Công sở có thể được xem như một xã hội thu nhỏ. Giao tiếp là cầu nối gắn kết mỗi người lại với nhau, thông qua rất nhiều hoạt động hằng ngày như trao đổi vấn đề công việc, tham gia các hoạt động tập thể… Và trong lúc mọi người tương tác với nhau có những câu nhận xét nói đùa tưởng chừng "vô tri" lại gây ra tổn thương cho ai đó.

Hoạt động tập thể thường được đưa ra bàn luận thời gian gần đây chính là team building.

Ngoài các hoạt động thể chất, kỹ năng giao tiếp lại một lần nữa trở thành chìa khóa quan trọng trong một mối quan hệ giữa đồng nghiệp với nhau hoặc giữa nhân viên với sếp. Tuy nhiên, nhiều người cho biết họ không mấy khó chịu khi giao tiếp với những người đồng cấp; mà cảm thấy có chút lấn cấn với những câu động chạm của cấp trên nhưng không dám lên tiếng vì tâm lý ngại "bật" sếp.

Bạn đã bao giờ rơi vào hoàn cảnh ấy chưa? Trong một chuyến đi gắn kết tinh thần đội ngũ thì bỗng bạn thấy mình lạc trôi khỏi đội ngũ chỉ bởi những câu pha trò kém duyên?

Thanh niên mà lại sợ nắng à!

Chắc chắn là ai cũng ít nhất một lần nghe câu nói này từ người lớn tuổi hơn, không ở nhà thì là ở công ty, cụ thể là từ "anh trưởng phòng", "chị trưởng nhóm" khi tham gia team building. Có thể dụng ý của câu nói xuất phát từ mong muốn khích lệ tinh thần thể thao lăn xả của cấp dưới nhưng vô tình lại khiến người nghe cảm thấy bị công kích.

Thực tế, việc hoạt động dưới trời nắng, đặc biệt trong mùa hè khi nhiệt độ lên tới 35 - 40 độ C, có ảnh hưởng lớn tới sức khoẻ. Cụ thể, các vấn đề bao gồm cháy da, tăng/giảm huyết áp, mất nước, kiệt sức, cảm nắng, phát ban nhiệt… thậm chí là sốc nhiệt. Vì vậy, việc sợ nắng là hoàn toàn bình thường, bất kể ở độ tuổi nào.

Những câu pha trò kém duyên của sếp trong team building - Ảnh 1.

Tham gia team building dưới trời nắng có thể gây ảnh hưởng tới sức khỏe (Ảnh minh họa)

Trẻ mà yếu đuối quá!

Hội đi làm giờ nhạy cảm lắm, cứ bị so sánh một chút là cảm thấy "vỡ tan" ngay. Nhất là trong trường hợp mấy anh con trai bị sếp hô oang oang giữa bàn dân thiên hạ là "yếu đuối" thế này, quá ư là đụng chạm đến lòng tự ái.

Tưởng đâu chỉ là một câu đùa, thúc đẩy tinh thần hiếu thắng của hội trẻ trong công ty, thế nhưng cuối cùng lại thành "phản dame" thấy rõ. Trong một dịp vui như team building, câu đùa này trở nên có phần thiếu tế nhị, nhất là khi có sự so sánh ngầm giữa thế hệ trẻ với quá khứ của thế hệ lãnh đạo.

Đi biển mà chị em kín cổng cao tường thế

Phục trang vốn được xem là một vấn đề liên quan đến tác phong trong môi trường công sở. Thế nhưng, phải chăng ở một dịp dã ngoại như team building, việc ăn mặc thế nào dường như không nên lôi ra để "xét nét" nhau?

Thông qua câu nói này, các lãnh đạo có ý "chê" nhẹ việc ăn mặc kín đáo của các nữ nhân viên, và định kiến là đi chơi thì nên ăn mặc mát mẻ chút. Trong khi đó, việc ăn mặc thế nào hoàn toàn là tự do cá nhân, nhất là khi đây là hoạt động ngoài giờ, không yêu cầu quy định về trang phục.

Những câu pha trò kém duyên của sếp trong team building - Ảnh 2.

(Ảnh minh hoạ)

Ai không đi, tôi ghim đấy. Cuối năm khỏi thưởng nhé

Trước các dịp team building, bao giờ các sếp cũng “cổ động” đội ngũ nhân viên bằng một câu nói mang tính đe doạ: “Ai không đi, tôi ghim đấy! Cuối năm khỏi thưởng nhé!”. Chẳng biết thực hư câu nói là thật hay đùa, nhiều người cũng không dám thoái thác vì sợ sẽ ảnh hưởng đến lương thưởng của mình.

Trong khi team building là một hoạt động thể hiện văn hóa doanh nghiệp, tăng tinh thần đoàn kết của đoàn thể, câu nói trên của lãnh đạo lại mang tính chất “phản văn hóa”. Rõ ràng, vấn đề lương thưởng nên được xem xét từ góc độ nỗ lực của nhân viên trong suốt quá trình làm việc, nhìn nhận hiệu quả thông qua con số, chứ không nên đứng trên chuyện làm hài lòng sếp hay không.

Đi team building sướng thế còn gì, công ty khác còn chả được cho đi kia kìa

Mọi sự so sánh trên đời đều là khập khiễng, và ở trường hợp này cũng vậy. Tại sao việc đi team building của công ty này lại phải so sánh với công ty khác? Thậm chí, đó còn là một lời so sánh chung chung, trong khi thực tế cả người nói lẫn người nghe ở đây đều không biết “công ty khác” kia là công ty nào.

Thêm vào đó, việc tham gia team building cũng là một phần của công việc trong công ty mà nhân viên buộc phải tham gia, vậy thì nó đâu phải quyền lợi như suy nghĩ của các lãnh đạo? Đó cũng không phải sự ban ơn, nên nếu dùng cách nói “cho đi” thì xem chừng khá khiên cưỡng và gây thiếu thiện cảm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại