Chị Tiểu Lan (Trung Quốc) có một cô con gái đang học lớp 12. Chị rất lo cho cuộc sống của con bởi con sắp bước vào đại học. Con gái chị học tập tốt nhưng tính chủ động trong sinh hoạt rất kém. Con không biết cách chăm sóc bản thân khiến chị Tiểu Lan phải theo sát từng bước.
Gia đình chị Tiểu Lan kinh doanh tự do nên kinh tế khá giả. Hai vợ chồng lại chỉ có một người con nên chiều chuộng hết mực. Điều này khiến cô bé phụ thuộc vào cha mẹ quá lớn, không muốn làm việc nhà. Chẳng hạn như cô bé không bao giờ dọn dẹp phòng ngủ, không phụ mẹ lấy bát đũa trước bữa ăn, thậm chí đến việc dậy sớm đi học cũng cần mẹ giúp.
Có một lần chồng chị Tiểu Lan vì muốn sửa đổi tính cách cho con nên không đặt chuông báo thức, để con trễ học. Anh nghĩ cách làm này sẽ khiến con bị thầy cô quở trách, từ đó biết tự chủ động thời gian. Nhưng cô bé không thay đổi, ngược lại còn về khóc lóc ầm ĩ, trách móc: "Sao mẹ không đánh thức con dậy? Hôm nay con đã phải viết bản kiểm điểm, lỗi là tại mẹ hết".
Ảnh minh họa.
Trường hợp của con gái chị Tiểu Lan không quá xa lạ trong xã hội. Nhiều gia đình để con cái phụ thuộc hoàn toàn vào cha mẹ, mất đi khả năng tự lập. Những đứa trẻ này thường khó đạt được thành công trong tương lai, cuộc sống luôn phải trông đợi vào người khác.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình cảnh này là do phương pháp giáo dục. Nếu cha mẹ thường xuyên nói những câu dưới đây sẽ hủy hoại tính tự giác, tự chủ của con.
1. Con không làm được thì để đó, cha/mẹ sẽ làm
Nhiều cha mẹ bao bọc con quá mức, không để con làm việc nhà. Ngay cả những công việc đơn giản như quét dọn nhà cửa, nấu cơm, chăm sóc cây cảnh,… họ cũng không để trẻ làm. Đương nhiên vì chưa được hướng dẫn bao giờ nên khi cha mẹ nhờ giúp đỡ, trẻ sẽ hồn nhiên từ chối. Lúc này, các bậc phụ huynh đành bất lực trả lời: "Con không làm được thì để đó, cha/mẹ sẽ làm".
Cha mẹ không nên thay con xử lý mọi chuyện bởi điều này vô tình khiến trẻ trở nên thụ động, luôn trông chờ vào người khác. (Ảnh minh họa)
Nhiều đứa trẻ rất muốn học làm, muốn được phụ giúp cha mẹ nhưng toàn bị từ chối. Dần dần, trẻ chán nản, nảy sinh lười biếng, thụ động. Vì vậy, cha mẹ không nên nói câu đó với con. Hãy hướng dẫn cho con mọi việc. Cách làm này vừa giúp bản thân đỡ mệt, lại rèn cho con được tính cách độc lập, tự chủ, tự giác.
Chẳng hạn như con không biết giặt quần áo, cha mẹ hãy hướng dẫn con vài lần. Con quét nhà không sạch, hãy để con quét hàng ngày để cải thiện kỹ năng. Con không biết việc để làm, cha mẹ hãy đưa ra gợi ý: "Con có thể tưới cây giúp mẹ không?", "Chiều nay chúng ta cùng dọn nhà kho nhé!", "Con phụ mẹ lấy bát đũa ra trước bữa ăn nhé!",… Ban đầu có thể trẻ làm chưa tốt nhưng dần dần, trẻ sẽ tiến bộ.
2. Điều này là không tốt, hãy nghe lời cha/mẹ
Mỗi người đều có tư duy độc lập, có ý tưởng của riêng mình. Những đứa trẻ cũng vậy, trẻ có chính kiến riêng mà cha mẹ không nên can thiệp quá sâu. Trước những việc trẻ đang do dự, bối rối không biết nên chọn gì, nên làm gì; nhiều cha mẹ sẽ quyết định thay con: "Điều này là không tốt, hãy nghe lời cha/mẹ".
Nếu cha mẹ thường xuyên nói câu trên sẽ khiến trẻ mất tự tin, chán nản, mặc cảm. Trẻ sẽ luôn hoài nghi bản thân và không dám đưa ra quyết định trong học tập cũng như trong cuộc sống. Dần dần, trẻ mất sự chủ động, luôn trông chờ vào sự quyết định của cha mẹ.
Vì vậy, thay vì lựa chọn hộ con, cha mẹ nên cùng con thảo luận, phân tích nhiều khía cạnh của vấn đề. Sau đó, hãy để trẻ lựa chọn. Đây vừa là cách giúp trẻ tăng tính chủ động, tự lập lại vừa cải thiện khả năng tư duy, xử lý vấn đề.
Ảnh minh họa.
Thay vì nói những câu tiêu cực, cha mẹ có thể dành những lời động viên sau giúp con trau dồi tính tự lập:
- "Con thử làm đi! Cha/mẹ tin rằng con làm được": Nhiều đứa trẻ không phải không muốn tự lập mà do cha mẹ vô tình tước đi quyền lợi đó. Muốn con cái tự lập, cha mẹ phải cho trẻ cơ hội thực hành nhiều. Hãy ủng hộ trẻ bắt tay vào làm việc, trẻ sẽ có niềm tin vào bản thân, dù làm chưa tốt cũng không sao cả.
- "Con tự lựa chọn/quyết định đi": Nếu cha mẹ không cho con quyết định, luôn đưa ra lựa chọn thay con sẽ khiến trẻ trở nên do dự và lo lắng. Trong cuộc sống sau này, mỗi khi có sự lựa chọn, trong tiềm thức trẻ sẽ tìm kiếm sự giúp đỡ. Ngược lại, nếu cha mẹ trao cho con quyền quyết định sẽ giúp trẻ biết suy xét cẩn thận và tự tin hơn.
- "Cha/mẹ thấy con đã rất cố gắng": Nếu cha mẹ thường xuyên nói câu này sẽ khiến trẻ cảm thấy rất vui và có thêm động lực. Dù trong một số trường hợp có thể kết quả không như mong đợi. Nhưng trẻ vẫn cảm nhận được sự ủng hộ từ cha mẹ, trẻ biết rằng sự cố gắng của mình là không vô nghĩa.