Ngày 31/10/2017, khi người dân Nhật Bản đang tưng bừng chào đón lễ hội Halloween - một lễ hội phương Tây nhưng cũng được người dân đất nước mặt trời mọc chào đón, tin tức về vụ 9 thi thể không nguyên vẹn được tìm thấy trong một căn hộ ngoại ô thành phố Tokyo khiến nhiều người kinh hãi: Đó mới chính là cơn ác mộng Halloween thực sự.
Câu chuyện không chỉ khiến người ta rùng mình vì thủ đoạn tàn nhẫn của kẻ sát nhân. Đằng sau những nạn nhân ấy đều có một điểm chung: Họ tìm đến những nhóm tự tử, rủ người cùng tự sát trên mạng xã hội để rồi bị gã giết người 27 tuổi hạ sát.
Hóa ra, câu chuyện về các "nhóm tự sát" trên Internet không hiếm, thậm chí xuất hiện tại Nhật Bản từ hàng chục năm trước, khi mạng xã hội vẫn còn sơ khai. Những nhóm tự sát trên mạng như những mầm mống bệnh, gieo rắc nỗi đau một cách âm thầm và khi mọi thứ xảy ra, tất cả đã quá muộn.
Naoki Tachiwana mở cửa căn hộ của mình với nụ cười rạng rỡ, mời Andrew Harding - một phóng viên của đài BBC vào nhà. Máy tính của anh vẫn mở - màn hình nhìn về phía ban công tầng 7 của căn hộ. Đó là một đêm đầy sao vùng ngoại ô phía đông Tokyo.
"Đêm qua, tôi thức muộn quá", Naoki chia sẻ. "Nói chuyện với một người phụ nữ đang cùng quẫn muốn tự tử. Cô ấy thực sự rất muốn chết.
Người phụ nữ này rủ tôi chết cùng nhưng tôi từ chối vì phải tiếp một đoàn quay phim tới nhà. Rồi cô ấy vẫn nài nỉ, nói rằng chúng tôi có thể chết sau khi họ đi".
Phải mất rất nhiều thời gian, công sức để Andrew và những đồng sự có thể tìm đến nhà của Naoki - thành viên một nhóm "tự tử trên internet" tại Nhật Bản.
Những năm 2004, Facebook hay Twitter còn là điều gì đó quá xa lạ nhưng những phòng chat đã tồn tại, kể cả những website mang tên "Câu lạc bộ tự tử" đã nhen nhóm, hoạt động như một thế giới ngầm.
Trong các "câu lạc bộ tự tử", hàng nghìn người, chủ yếu là các bạn trẻ sẽ tụ tập lại với nhau và bàn kế hoạch cùng nhau tự tử.
Trước đó hai tháng; vào khoảng tháng 10 và tháng 11, ít nhất 26 người đã tự tử tập thể tại Nhật Bản.
Trên một bản tin website xuất hiện nhiều đoạn quảng cáo như: "Tôi có thuốc ngủ và than bánh, tôi muốn tìm ai đó để chết cùng mình" hay "Tôi 23 tuổi và tôi muốn chết. Bạn ở đâu thì tôi tới đó". Thời điểm xuất hiện những dòng tin này, Internet vẫn chưa thực sự phổ biến.
Andrew Harding hỏi Naoki - người đàn ông sống trong căn hộ một mình; trước đây anh ta là nhân viên ngân hàng nhưng đã nghỉ việc được 6 tháng, rằng tại sao anh lại quyết định tham gia vào nhóm tự tử tập thể và nhận được câu trả lời.
"Tôi cảm thấy chán chường với cuộc sống - nó như một dịch bệnh vậy. Nhưng mà nói thật, tôi luôn nghĩ tới việc tự sát từ trước đó. Chỉ có điều, tự tử theo nhóm là một điều gì đó khá mới mẻ.
Khi tôi truy cập vào trang web, tôi nhận ra rằng mình sẽ không phải làm mọi thứ một mình nữa. Nó giống như việc bạn qua đường khi đèn giao thông chuyển đỏ, mọi thứ không đáng sợ khi có ai đi cùng".
Trong những tháng đầu năm 2004, rất đông người Nhật Bản đã "chọn con đường ấy cùng nhau". Người ta đã tìm thấy 5 nhóm tự sát tập thể chỉ trong một thời gian ngắn - thường là họ chọn cách tự tử tập thể bằng khí carbon monoxide.
Thời điểm ấy, người dân Nhật Bản liên tục phải nghe những câu chuyện thương tâm về những người tự tử tập thể.
- Ngày 12/10/2004, cảnh sát Nhật Bản đã tìm thấy thi thể của 7 thanh niên trong một chiếc xe Van ở ngoại ô Tokyo trong vụ tự tử tập thể, đồng thời cũng tìm thấy thêm hai thi thể phụ nữ trong một chiếc ô tô khác ở bên ngoài một ngôi đền nâng tổng số người thiệt mạng lên con số 9.
Cảnh sát Saitama nói họ tin rằng 7 người đã chết vì ngộ độc khí carbon monoxide.
- Chỉ một tháng sau, một thảm kịch nữa xảy ra khi 6 người được tìm thấy đã chết vì ngộ độc khí carbon monoxide bằng cách đốt lò than trong xe ô tô kín. Sáu người này được cho là tự tử tập thể cùng nhau sau khi thỏa thuận sẽ cùng tự tử qua một trang web liên quan đến việc tự tử.
- người ta nói về các trang web tự tử tập thể này.
- Tháng 2/2005, liên tiếp 2 vụ tự tử tập thể diễn ra với 9 và 6 người chết. Tất cả những người này đều chọn cho mình cách thức tự tử là đốt than trong ô tô đóng cửa kín, từ đó dẫn đến nguyên nhân chết do ngộ độc carbon monoxide.
Tuy nhiên, vụ tự tử tập thể đầu tiên có liên quan tới Internet xảy ra từ năm 1998, khi một gã đàn ông 27 tuổi dựng website mang tên "Phòng tư vấn của bác sĩ Kiriko" và gửi thuốc độc cho một vài người.
"Nó giống như một giáo phái, những nhóm tự sát tập thể trên Internet", Yukiko Nishihara, một nhân viên xã hội tại Tokyo cho biết. "Khi người ta cô đơn và muốn chết - nhưng sợ phải chết một mình, họ sẽ tìm đến những website như này để tìm người cùng tự tử".
Những tưởng những vụ tự tử tập thể với các nhóm trên Internet như vậy đã thoái trào vào những năm 2005, 2006 khi người ta không thấy câu chuyện như vậy xuất hiện nữa thì vụ việc xảy ra vào hôm 31/10/2017 mới đây như một đòn giáng vào những nỗ lực nhằm giảm thiểu vấn nạn tự tử tại đất nước Nhật Bản.
Xuất phát điểm của câu chuyện là một tên sát nhân chuyên đi săn lùng những người muốn tự tử rồi sát hại; cả thảy 9 mạng người.
Từ những website tự tử, họ chuyển dần qua các trang mạng xã hội như Twitter. Khi tìm kiếm theo từ khóa những cụm từ như #Suiciderecruitment (tuyển người tự tử) hay #Suicidewish (Muốn tự tử), #Suicidefellow (bạn đồng hành tự tử); bạn có thể tìm thấy khá nhiều kết quả.
Nhiều người dùng chọn Twitter vì ở đây, họ có thể lập nhiều tài khoản ẩn danh mà không để lộ danh tính. Đi kèm với những hashtag đó là lời nhắn, như cô gái bị sát hại trong vụ việc gây chấn động ở Nhật Bản cách đây 2 ngày.
Ảnh cắt ra từ phim, không phải sự kiện thật.
"Tôi muốn chết nhưng tôi sợ chết một mình, hãy liên lạc với tôi nếu ai đó muốn tự tử cùng" - dòng tin nhắn được đăng hôm 20/10.
Có ít nhất 12 người đã hưởng ứng và hồi đáp lại với nội dung như: "Chết cùng nhau sao?', trong đó có Takahiro Shiraishi - kẻ đã lợi dụng cô gái kia và ra tay đoạt mạng nạn nhân vô cùng tàn nhẫn.
Vậy lý do tại sao người ta chọn tự tử tập thể?
Trong một nghiên cứu có tên "Too Lonely to Die Alone: Internet Suicide Pacts and Existential Suffering in Japan" (Tạm dịch: Quá cô đơn để chết một mình, những vụ tử tự tập thể trên mạng và sự khổ đau hiện sinh tại Nhật Bản), tác giả cho biết nỗi cô đơn là nguyên nhân dẫn đến việc nhiều người muốn tự tử tập thể.
Trong suy nghĩ của những người tự tử, những nhóm tập thể như vậy vừa giúp họ giải thoát được khỏi sự cô đơn trong cuộc sống, nhưng cũng tìm được "đồng minh".
Hành trình tìm đến thế giới bên kia giờ đây không còn cô đơn và quạnh quẽ. Đó chính là lý do, những dòng tin tìm người chết cùng luôn bắt đầu với những lời mời:
"Có ai muốn chết cùng tôi không? Tôi muốn tự tử nhưng không có can đảm chết một mình" hay "Cậu có muốn chết không? Tôi sợ phải chết trong cô đơn".
Bản thân gã sát nhân Takahiro Shiraishi từng có ý định tự tử vì hắn không tìm thấy ý nghĩa trong cuộc sống, cũng như nạn nhân nữ 23 tuổi cũng muốn tìm ai đó chết cùng vì quá lẻ loi.
Nhìn lại câu chuyện trên và vấn đề các "nhóm tự tử ở Nhật Bản" - hay còn được gọi bằng thuật ngữ Shinjyu, có một đặc điểm chung mà mọi người thấy ở hầu hết các vụ: Nạn nhân đa phần đều là người trẻ.
Bốn trong số các nạn nhân của Takahiro nằm trong độ tuổi 17, 18, ba người khác khoảng 20 tuổi và một người còn lại gần 30.
Những vụ xảy ra hồi năm 2004 cũng tương tự khi các nạn nhân tuổi đời còn khá trẻ. Các chuyên gia tâm lý cho biết, những người trẻ đôi khi tìm đến cái chết vì áp lực học hành, bạo lực học đường, sức ép gia đình nhưng vì sợ hãi phải chết một mình nên các nhóm như vậy là nơi họ tìm đến.
Nhưng tại sao lại là người trẻ? Vì nhiều người trẻ không cảm thấy cuộc sống của bản thân có giá trị. Sau vụ việc nhóm thanh niên tự sát vào năm 2004, một người Nhật chia sẻ trên trang BBC.
"Vào những năm 70, chúng tôi không giàu nhưng chúng tôi có ước mơ. Nếu chúng tôi học và làm việc chăm chỉ, chúng tôi có thể mua TV, ô tô... Chúng tôi không bao giờ nghĩ rằng công ty sẽ phá sản và chúng tôi bị đuổi việc.
Giờ đây, người trẻ Nhật Bản đang lần tìm những ước mơ mới và mục đích sống. Chúng ta cần phải thay đổi nếu muốn cho người trẻ thấy được tương lai tươi sáng để họ có động lực sống".
Sẽ cần rất nhiều thời gian để những người trẻ Nhật Bản lại tìm thấy Ikigai (mục đích sống) cho cuộc đời khi mà vấn đề của tình trạng tự tử cốt lõi nằm ở những vấn đề khác của cuộc sống: nỗi lo cho tương lai, cuộc sống ngày càng cô đơn khi con người giao tiếp với Internet còn hơn với người thật...
Câu chuyện vừa qua đã khơi lên một mầm mống đáng sợ khác trong xã hội. Nó không mất đi mà cứ âm thầm gieo rắc nỗi sợ hãi, để rồi khi con số người chết tăng lên đáng kể, người ta mới giật mình nhận ra rằng: Những "câu lạc bộ tự tử tập thể" vẫn hiện diện trong cuộc sống.