Những câu hỏi lớn vụ khách tố mất 26 tỷ đồng tại VPBank

Quang Huy |

Bằng chứng tố cáo và văn bản giải trình của chủ tài khoản và ngân hàng có những nội dung mâu thuẫn, dù cả hai phía đều không loại trừ dấu hiệu hình sự trong vụ việc.

Chữ ký chủ tài khoản là của ai?

Theo bà Trần Thị Thanh Xuân, Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển Quang Huân do bà làm Giám đốc, có mở tài khoản tại chi nhánh VPBank để giao dịch thanh toán tiền hàng với khách vào tháng 3/2015. Hồ sơ thủ tục mở tài khoản có mẫu chữ ký chủ tài khoản và con dấu công ty, được dùng làm hồ sơ gốc để đối chứng cho các giao dịch sau đó.

Tuy nhiên, sau đó, tài khoản của công ty này liên tục bị rút tiền thông qua séc, với chữ ký và con dấu được ngân hàng khẳng định là giống như mẫu. Trong khi đó, khách hàng Thanh Xuân khẳng định chữ ký này không phải của mình. Từ đây, nghi vấn hồ sơ giả mạo chữ ký và con dấu được đặt ra.

Cả ngân hàng và khách hàng cùng "chậm chạp"

Theo tường trình của chủ tài khoản và cả ngân hàng, việc bị rút tiền trong tài khoản diễn ra ngay sau khi Công ty Quang Huân thực hiện giao dịch tại VPBank, tức là từ tháng 3/2015. Đến tháng 7/2015, bà Xuân phát hiện các khoản tiền bị rút từ séc bởi ba người liên quan, trong đó có một kế toán của công ty là ông Phạm Văn Trinh.

Phát hiện sự việc từ tháng 7/2015, nhưng theo VPBank, đến tháng 10/2015, khách hàng này mới có những phản ánh đầu tiên lên ngân hàng. Thay vì yêu cầu kiểm tra từ phía ngân hàng trước, khách hàng Xuân lại gửi đơn tố giác tới Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) Công an TP.HCM ngay từ tháng 9/2015.

Trong khi đó, VPBank được cho là giải quyết thiếu hợp lý trong sự vụ này, khi ngân hàng để vụ kiện của khách kéo dài tới hơn 1 năm mà không có kết luận cuối cùng. Ngân hàng này chỉ thực hiện các nghiệp vụ theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước và PC46 với các văn bản trả lời rời rạc vào tháng 11/2015, tháng 7/2016 và tháng 8/2016.

Số tiền bị mất là bao nhiêu?

Theo thông tin báo chí do bà Trần Thị Thanh Xuân cung cấp, số tiền mà công ty Quang Huân bị rút không đúng luật lên tới 26 tỷ đồng.

Tuy nhiên, thông cáo báo chí của VPBank chỉ ghi nhận số tiền thiệt hại là 11,3 tỷ đồng theo đơn tố cáo ban đầu của nữ giám đốc này đến ngân hàng vào ngày 19/20/2015.

Ai đang đùn đẩy trách nhiệm?

Chủ tài khoản Trần Thị Thanh Xuân cho biết, công ty của bà đã yêu cầu sự phối hợp giải quyết của ngân hàng từ tháng 7/2015 những không nhận được phúc đáp, nên phải tìm đến cơ quan công an.

Trong thời gian làm việc với ngân hàng, nữ giám đốc này chỉ nhận được câu trả lời "nhân viên (người bán séc cho 3 đối tượng để rút tiền từ tài khoản của Quang Huân) đã nghỉ việc nên không thể hồi tố".

Ngược lại, phía ngân hàng cho biết, khách hàng không hợp tác giải quyết vấn đề, khi từ chối có mặt vào ngày 30/10/2015 để đối chất ba bên cùng ngân hàng và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại