Peter Skyllberg sống sót sau 2 tháng lạc trong núi tuyết
Câu chuyện về người đàn ông Peter Skyllberg mỗi khi được báo chí Thế giới nhắc lại đều được gắn với 2 từ "kỳ tích".
Peter Skyllberg là một người đàn ông 44 tuổi, sống tại Thụy Điển. Trong một chuyến đi thám hiểm thiên nhiên của mình vào cuối năm 2011, Peter và chiếc xe ô tô của mình bất ngờ bị bão tuyết bao phủ và chôn vùi tại một khu rừng gần thị trấn Umea, miền bắc Thụy Điển.
Suốt hai tháng liền kể từ đây, ông đã phải chống chịu với cái lạnh thấu xương -30C ngoài trời, hoàn toàn không có đồ ăn và chỉ lấy nước từ tuyết. Skyllberg may mắn được cảnh sát tìm thấy vào đầu tháng 2 năm sau tình trạng cực kỳ nguy kịch, không thể nói cũng như cử động.
Peter Skyllberg sống sót sau 2 tháng lạc trong núi tuyết.
Nhiều người vẫn hoài nghi về việc người đàn ông này khẳng định rằng ông ta sống trong chiếc xe suốt 60 ngày mà không hề có đồ ăn, tuy nhiên, theo các chuyên gia thì điều này vẫn có thể xảy ra. Trong hoàn cảnh ngặt nghèo, cơ thể người đàn ông này đã tiến vào trạng thái ngủ đông - một điều rất hiếm gặp ở con người. Chính phép màu này đã cứu ông thoát khỏi lưỡi hái tử thần.
Harrison Okene: 3 ngày sống sót dưới đáy biển
Harrison Okene là đầu bếp trên tàu Jascon 4, đây là 1 con tàu biển của Nigeria. Vào tháng 5 năm 2013, trong chuyến hành trình của mình, Jascon 4 vô tình lạc vào vùng biển động mạnh ở Đại Tây Dương và bị sóng thần lật úp. Lúc sự việc xảy ra, đầu bếp Okene bị mắc kẹt trong một nhà vệ sinh 4m2 và cứ thế chìm xuống đáy biển cùng với con tàu.
Câu chuyện tưởng chừng như đã kết thúc với anh và toàn bộ các thuyền viên khác trên tàu. Thế nhưng điều kỳ diệu đã xảy ra, 3 ngày sau, khi các thợ lặn đến để tìm kiếm thi thể của thủy thủ đoàn họ bỗng phát hiện ra Harrison Okene đang lay lắt trong căn phòng nhỏ ở độ sâu tới 30m dưới đáy biển.
Harrison Okene sống lay lắt trong căn phòng nhỏ, ở độ sâu tới 30m dưới đáy biển.
Anh sống sót nhờ chút dưỡng khí ít ỏi bên trong túi khí được tạo ra khi con tàu bị lật úp và đang trong tình trạng giảm thân nhiệt nghiêm trọng do ngâm lâu dưới nước. Khi đó, Okene chỉ mặc duy nhất một chiếc quần đùi và liên tục cầu nguyện Chúa cứu mạng.
Sau này, khi bình tĩnh kể lại, Okene nói rằng anh không tin rằng mình sẽ được tìm thấy. Khi chạm vào bàn tay người thợ lặn, Okene nghĩ anh sắp phải đối đầu với cá mập hoặc thứ khủng khiếp nào đó.
Chính anh đã nhìn thấy cá mập tấn công những người bạn của anh. Sống 72 giờ trong xác con tàu đắm ở độ sâu 30 m với một chai coca duy nhất, Okene thực sự nghĩ rằng anh sẽ chết.
Halima Sulley - Thoát chết trong thảm họa môi trường lớn nhất thế kỷ 20
9 giờ tối thứ năm, ngày 21-8-1986 sẽ là một khoảnh khắc được lưu lại vĩnh viễn trong lịch sử thế giới.
Trong ngày hôm đó, Halima Sulley và dân cư ngôi làng Nyos, tỉnh Bamenda, tây bắc Cameron đã trực tiếp hứng chịu khoảng 300.000 tấn khí độc CO2 trong tổng số 1,6 triệu tấn thoát ra từ hồ Nyos - một miệng núi lửa đã tắt.
Khi lượng khí này tràn xuống, nó đã gần như quét sạch cả làng, giết chết 1.746 người cùng hơn 3.500 con bò, cừu, chó, gà, dê…, và vô số động vật hoang dã.
Xác bò chết nằm la liệt sau đêm định mệnh.
Halima Sulley may mắn không ở trong làng ngày hôm đó, mà cô nghỉ qua đêm ở căn chòi trên sườn đồi. Cô bị dựng dậy bởi chấn động khủng khiếp và gió rít mạnh. Trong cơn hoảng loạn, Suley chạy về làng, 31 thành viên trong gia đình cô chẳng ai còn sống. "Ngay cả những con ruồi cũng chết, hôm đó là một ngày tận thế".
Tami Oldham Ashcraft - Lênh đênh 41 ngày trên biển với cánh buồm tự chế
Bi kịch bắt đầu vào một ngày tháng 9/1983. Cô gái trẻ người Anh, Tami Oldham Ashcraft cùng chồng chưa cưới là Richard Sharp, quyết định tham gia vào hành trình từ Tahiti tới San Diego, Mỹ trên một chiếc thuyền buồm sang trọng.
Sau hơn 2 tuần di chuyển, cặp đôi nghe tin về một cơn bão lớn ở ngoài khơi Trung Mỹ qua đài phát thanh. Họ đã cố gắng thay đổi lộ trình để tránh bão nhưng không kịp. Chiếc thuyền bị nuốt chửng giữa các đợt sóng khổng lồ. Cả hai người đều bất tỉnh.
Vẻ phấn khích của Tami Oldham Ashcraft và Richard Sharp ngay trước khi bắt đầu chuyến đi định mệnh của họ.
Richard mất tích, Tami cô độc giữa biển cả mênh mông. Trong cơn cùng quẫn, ý chí sống sót của Tami vô cùng mãnh liệt. Cô dựng lại cột buồm, và lái con thuyền với tốc độ 4km/h. Tami dùng kính lục phân so sánh góc giữa đường chân trời và mặt trời, cũng như thời điểm trong ngày để xác định vị trí hiện tại.
Tiếp đó, cô tận dụng tối đa chút ít lương thực, bánh ngọt còn lại. Thật khó tưởng tượng, với những điều kiện ít ỏi như vậy, Tami đã có thể duy trì sự sống suốt 41 ngày tiếp theo trên biển. Khi đưa được con thuyền chắp vá của mình cập bến, cô đã cách điểm khởi hành tới 2.400 km.
Mỹ Linh - Cô gái Việt sống sót thần kỳ trong cơn bão tuyết
Sáng 13/10/2014, Mỹ Linh bắt đầu chuyến hành trình leo núi Thorung La Pass cùng khoảng 200 khách leo núi khác. Tuyết khi đó bắt đầu rơi nhẹ nhưng hầu hết mọi người cho rằng đó là dấu hiệu bình thường.
Thế nhưng mọi chuyện xấu đi vô cùng nhanh chóng. Vài tiếng sau, bão tuyết bắt đầu kéo đến, đoàn người nhanh chóng lạc nhau trong màn tuyết trắng xóa. Lúc này Linh cũng đã không còn nhìn thấy dấu chân của những người leo núi xung quanh và thậm chí còn mơ hồ lo sợ rằng "mình sẽ bị chết vì kẹt cứng".
Cô gái Việt thoát chết thần kỳ giữa bão tuyết Nepal.
Tuy nhiên, nghị lực không cho phép Mỹ Linh dừng lại. Cô cố gắng lê đôi chân nặng nề trên tuyết cho đến khi nhìn thấy ánh sáng từ một quán nước dọc đường lúc 11-12h trưa.
Bên ngoài trời, cơn bão ngày một tệ đi và mọi tín hiệu đều không hoạt động, từ GPS tới mạng di động.
20 con người ở lại trong căn nhà chốc chốc lại phải đánh thức nhau vì sợ ai đó ngủ quên và không bao giờ tỉnh dậy nữa, thời tiết lúc ấy khoảng âm 10 độ C, rất lạnh và nguy cơ chết cóng là có thật.
Đêm hôm đó dài đẵng đằng, thế nhưng cuối cùng Mỹ Linh cũng đã vượt qua được, tuyết ngừng rơi và trời bắt đầu hửng nắng. Thử thách lúc này chính là đoạn đường xuống núi hiểm trở cùng tuyết phủ dày không thấy đường đi. Chỉ tới khi tìm tới được vùng trực thăng cứu hộ, Mỹ Linh mới dám tin rằng mình đã sống sót một cách thần kỳ.