Nghề phải làm tất cả các nghề
Các cô giáo của trường mầm non Đông Phương Yên (Chương Mỹ - Hà Nội) ví nghề của mình là nghề phải học và làm theo tất các các nghề trong xã hội.
"Nhiều khi chúng tôi vừa phải làm ca sĩ để dạy bé hát, ru các bé ngủ lúc buổi trưa, lúc lại làm diễn viên dỗ các cháu khóc, có khi lại phải làm họa sỹ đến trang trí lớp học. Nghề của chúng tôi phải làm việc liên tục, gần như không có giây phút nào được nghỉ ngơi", cô Lê Thị Thơm (giáo viên 18 năm trong nghề) chia sẻ.
Giáo viên tự sơn tre, nứa để trang trí lớp học.
Là một giáo viên mầm non với 33 năm kinh nghiệm, cô Đỗ Thanh Luân đã trải qua hầu hết các cung bậc cảm xúc của nghề "làm dâu trăm họ" này.
"Ngày còn bao cấp, chúng tôi làm việc trong điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn đủ đường, lớp học không có phải nhờ nhà dân. Hồi đó, chưa có lương mà chỉ làm việc theo công điểm rồi quy ra gạo hợp tác, có khi còn không có gạo để ăn", cô Luân nhớ lại.
Mối quan hệ giữa phụ huynh học sinh và giáo viên mầm non luôn có những vấn đề nhạy cảm. Đôi khi chỉ vì những hiểu lầm nhỏ, nhưng sự thiếu tế nhị của phụ huynh cũng khiến vấn đề phức tạp.
"Với nhịp sống hiện đại, nhiều phụ huynh đem trẻ đến rồi phó mặc cho nhà trường quản lý. Nhiều khi, có những vụ việc rất nhỏ nhưng các phụ huynh không hiểu, chia sẻ không đúng sự thật trên mạng xã hội khiến người giáo viên khổ tâm rất nhiều", cô Luân phân trần.
Một lớp học có từ 35-40 cháu mà chỉ có 2 giáo viên dạy.
"Tôi nhớ như in buổi chiều hôm đó, khi tôi đang gửi các cháu về cho người nhà thì có một phụ huynh nồng nặc hơi men đến chửi như té nước vào mặt tôi cho dù tôi không hiểu có chuyện gì. Hôm sau, phụ huynh này lên xin lỗi bảo do hôm qua tôi say quá nên xúc phạm cô giáo", cô Nguyễn Thị Phi Nga (hiệu trưởng trường mầm non Đông Phương Yên) nói.
Là một giáo viên trẻ, cô Nguyễn Thị Hoa tâm sự: "Chúng tôi đến với nghề đa phần xuất phát từ tình yêu với trẻ dù biết đồng lương không được bao. Thời gian đầu, tôi chưa quen việc chăm sóc vệ sinh cho các cháu vì dù sao mình cũng là người trẻ. Phải mất một thời gian dài tôi mới làm quen được với công việc này".
Công việc của các giáo viên mầm non đòi hỏi phải "luôn chân, luôn tay".
Nghề giáo viên mầm non lấy đi của các cô giáo hầu hết thời gian trong ngày, nên nhiều khi việc chăm sóc cho gia đình nhỏ gặp nhiều khó khăn. "Thời gian đầu, chồng tôi cũng không thích nhưng sau cũng hiểu và thông cảm, chỉ có ông bà nội là đôi khi không hài lòng", cô Hoa trăn trở.
Con mình khóc phải dỗ con người khác trước
Công việc dạy mầm non, với đặc thù các em nhỏ chưa thể chủ động việc đi lại, các giáo viên thường phải đón từ em nhỏ đầu tiên vào lớp và trả em nhỏ cuối cùng cho phụ huynh mỗi buổi tan học.
"Tôi nhớ năm 2014, có một em học sinh được bà nội đón về, sau đó bà nội đưa cháu đi ăn cỗ nhưng không báo với mẹ. Mẹ cháu vì không biết đã lên đài phát thanh xã thông báo nhà trường làm mất con của mình. Tối đó, giáo viên nhà trường phải phân chia nhau đi tìm mới thấy", câu chuyện cười ra nước mắt được cô Nga kể lại.
Bữa ăn của các bé được chuẩn bị kỹ lưỡng.
Người giáo viên mầm non luôn phải chịu thiệt thòi khi dạy lớp học có con mình theo học, có những tình huống buộc người mẹ phải dặn lòng để không mang tiếng "bênh người nhà".
"Một điều tế nhị mà không phải ai cũng biết là các giáo viên dạy ở trường cũng có con học trong lớp, nhưng khi con mình và học trò cùng khóc thì lúc nào cũng phải dỗ con người ta trước rồi mới đến lượt con mình. Con mình thì có thể quát nhưng với con người khác thì phải nhẹ nhàng", cô Thơm kể.
Mặc dù công việc vất vả lại chỉ nhận được đồng lương ít ỏi nhưng các cô giáo mầm non ở đây vẫn rất yêu nghề, họ cho biết "hạnh phúc khi được làm nghề dạy trẻ và dù có được chọn lại thì chúng tôi vẫn chọn nghề này"...