LTS: Trong thế kỷ XX, nhân dân ta đã tiến hành thắng lợi hai cuộc chiến tranh giành độc lập dân tộc, đó là cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ..
Trong khói lửa chiến tranh, trong quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của quân đội đã xuất hiện nhiều lớp cán bộ điển hình, mẫu mực, có trình độ chỉ huy, tác chiến giỏi; luôn nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó. Nhiều đồng chí trở thành sĩ quan cấp tướng trong Quân đội nhân dân Việt Nam.
Để góp thêm một góc nhìn mới về chân dung các vị tướng trong những khoảnh khắc đời thường, về những điều mà chỉ có người thân của họ mới được chứng kiến, chúng tôi xin giới thiệu tới quý độc giả một số bài viết đặc sắc trong bộ sách "Tướng lĩnh Việt Nam thế kỷ XX qua lời kể của người thân".
KỶ NIỆM VỀ CHA TÔI
(Nguyễn Thanh Hà - con gái Đại tướng Nguyễn Chí Thanh)
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (1914 - 1967)
Tên thật: Nguyễn Vịnh
Quê quán: xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế.
Tham gia cách mạng năm 1934, nhập ngũ năm 1950, được phong Đại tướng năm 1959.
Ông là tác giả của nhiều tác phẩm chính trị - quân sự và đã được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Quân công hạng Nhất, Huân chương Chiến thắng hạng Nhất...
(Nguồn: Từ điển Bách khoa Quân sự Việt Nam, NXB Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004, trang 712)
Chuyện kỳ lạ với vườn dừa
Ngày giải phóng thủ đô, gia đình tôi về Hà Nội, ở nhà số 1 đường Cổ Ngư (sau này là đường Thanh Niên), một ngôi nhà cổ kính ven hồ Trúc Bạch.
Vài năm sau chuyển về nhà 34 Lý Nam Đế, một ngôi biệt thự rộng rãi và có vườn hoa rất đẹp.
Sau khi gia đình tôi chuyển về đó ít hôm, Bác Hồ đến thăm. Khi ra về, Bác bảo: "Nhà chú Thao đẹp, gọn gàng vậy là tốt. Nhưng nhiều vườn hoa quá, lãng phí, nên trồng rau tăng gia tốt hơn".
Thế là ngày hôm sau, cả nhà cùng các chú cảnh vệ xoay trần ra đào vườn hoa, trồng rau, cây ăn quả… Đặc biệt, ba tìm không biết ở đâu mấy cây dừa miền Nam trồng ở trước và sau nhà.
Đến đầu năm 1967, khi ông chuẩn bị vào Nam lần thứ hai thì cây dừa bói lứa quả đầu, ba cho hái mấy quả, quả đầu tiên đưa lên cho Mệ (bà nội tôi), còn lại bổ lấy nước cho mấy cha con uống.
Uống xong, ông khà lên một tiếng thật sảng khoái rồi nói: "Chà, nước dừa ngon quá, uống được một hớp thế này, chết cũng sướng".
Vài hôm sau thì ba mất, thật lạ, hai cây dừa cũng chết rụi vài tháng sau đó. Sau khi ba mất, vườn dừa sau nhà năm nào cũng sai quả, cả nhà tôi không ai ăn, được bao nhiêu bán đi, dành tiền làm giỗ ba, và sau này thêm giỗ mẹ.
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. (Ảnh: Triển lãm "Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - Cuộc đời và sự nghiệp" - Bảo tàng lịch sử quân sự VN)
Căn nhà 34 Lý Nam Đế gia đình tôi ở đến năm 1986, thì trả lại cho Tổng cục Chính trị, làm trụ sở Hội Cựu chiến binh Việt Nam. Nay mỗi lần đi qua đó, không lần nào chúng tôi không nhớ lại tuổi thơ và những năm tháng tươi đẹp, khi xung quanh còn ba, còn mẹ, còn một đại gia đình, và cả bốn chị em tôi đều lớn lên ở đó.
Ngày trước, ai đi qua cửa nhà chúng tôi cũng thấy một bà cụ, tóc bạc trắng như cước, khi nào cũng đứng ở trên lan can gác hai nhìn xuống đường - đó là bà nội tôi, ở nhà gọi là Mệ.
Mệ chính là người nuôi dạy và bảo ban ba đi làm cách mạng, bàn tay phải của Mệ chỉ còn bốn ngón tay do lấy tay bịt nòng súng của quan ba Pháp không cho nó chĩa vào mặt, bị nó bắn cụt mất một ngón tay…
Khi ba từ Việt Bắc về Hà Nội, ba đưa Mệ từ Thừa Thiên ra ở cùng. Có hôm, ba cùng mấy người bạn đồng hương ngồi nói chuyện quê hương, cứ mong được về Nam đánh giặc giải phóng quê hương, Mệ đi qua nghe được, hứ một tiếng rồi nói: "Mấy thằng bay toàn đánh giặc mồm, có giỏi thì vô Nam mà đánh, ngồi đây mà nói chuyện đánh đấm làm chi rứa?".
Sau này, được Bộ Chính trị và Bác Hồ cử vào Nam đánh Mỹ, có lẽ ba không bao giờ quên câu nói của Mệ, và đến đầu năm 1967, khi ba từ miền Nam ra gặp Mệ đầu tiên, Mệ chỉ cười rồi nói: "Mi giỏi!"
Nhưng cụ bà cũng hay chướng, ba biết nhưng không nói, bắt Mệ sinh hoạt chi bộ cùng các chú bảo vệ, thư ký.
Mỗi khi Mệ nói gì, làm gì "sai quan điểm", ba nói nhỏ để mấy chú họp chi bộ kiểm điểm Mệ. Tôi vẫn nhớ một lần, không biết Mệ bị "phê bình" như thế nào, tức quá đứng giữa sân chửi: "Tổ sư cha bọn bây, thằng Thanh biểu bọn bây phê bình tau! Tau còn đẻ ra được thằng Đại tướng nữa cơ!".
Câu chuyện thật cảm động, như một huyền thoại
Trong gia đình, cả bốn chị em tôi đều kính trọng và nghe lời mẹ - cả ba cũng vậy. Về chuyện của ba và mẹ đã có nhiều người kể - đó thực sự là một tình yêu lớn và hết mực thủy chung. Có một câu chuyện thật cảm động và như một huyền thoại mà chúng tôi được nghe ba, mẹ kể lại:
Năm 1947, Bình - Trị - Thiên vỡ mặt trận, mọi người mạnh ai nấy chạy, thương vong, hi sinh rất nhiều. Mẹ nghe người ta nói ba bị Pháp bắn chết rồi ném xác xuống sông. Ba thì nghe mẹ qua sông bị Pháp bắn chết trôi mất xác rồi.
Ở Thừa Thiên có một tập tục, ai chết đuối không tìm ra được xác thì người nhà phải chạy dọc bờ sông, gọi tên người đó thì xác mới nổi lên được. Thế là ba mẹ mỗi người một bên bờ sông Hương, vừa chạy vừa gào tên nhau, "Thanh ơi!", "Cúc ơi!"... vấp ngã đứng lên chạy tiếp, gào tiếp…
Thế rồi hai vợ chồng nghe tiếng gọi tên, rồi nhìn thấy nhau, mừng quá lội ào ra ôm nhau giữa sông.
Vợ chồng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh ngày 22/12/1963 tại Lý Nam Đế. (Ảnh: Triển lãm "Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - Cuộc đời và sự nghiệp" - Bảo tàng lịch sử quân sự VN)
Nghe ba mẹ kể chuyện này, sau bao nhiêu năm đến bây giờ tôi vẫn không hình dung nổi khi đã tuyệt vọng đến như vậy, thì nỗi mừng gặp lại đó như thế nào, có lẽ hỉ thiếu vỡ tim ra mất Ba khi nào cũng yêu thương và nghe lời mẹ trong chuyện gia đình.
Mẹ rất nghiêm khắc và ít khi bộc lộ tình cảm, nên chúng tôi không hiểu được tình yêu mẹ dành cho ba như thế nào. Chỉ sau khi ba mất, và đến cuối đời mẹ, hơn mười năm sau chúng tôi mới hiểu, mười mấy năm đó mẹ như sống trong địa ngục vì nỗi nhớ thương ba không gì bù đắp nổi, không quên đi được dù một phút, một giây.
Cuộc sống của mẹ những năm sau đó chỉ để nuôi dạy các con, khi đó em Vịnh còn bé quá, và chúng tôi cũng chưa nên người - còn về tâm hồn, mẹ đã chết cùng với ba từ ngày 6 tháng 7 năm 1967.
....
"Biệt tài" của anh cố nông được Đảng đổi đời
Ngoài công việc, ba rất thích đi săn và về nông thôn. Vì ông cũng vừa bỏ được phận cố nông hơn chục năm đó thôi, nên mỗi khi đi như vậy, chúng tôi thấy ba sảng khoái, thanh thản vô cùng, như con cá được xuống nước vậy.
Ba có biệt tài gợi chuyện những người nông dân, hình như họ không tin được ông là một cán bộ cao cấp, mặc dù lúc ấy những người đi xe Volga về nông thôn ít lắm. Họ kể chuyện cho ông nghe, phàn nàn với ông về những điều chưa được, cười nói với ông khi kể về chuyện làng xóm, chuyện hợp tác xã, chuyện gia đình…
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tham gia tăng gia sản xuất tại căn cứ Trung ương Cục miền Nam (1966). Ảnh tư liệu
Tôi còn nhớ một lần vào năm 1961, được theo ba về thăm một hợp tác xã nông nghiệp ở Quảng Bình, ba không làm việc với Ban Quản trị, mà tìm đến một gia đình hai vợ chồng vừa thoát cảnh cố nông.
Bước vào nhà, ông hỏi: "Thế nào, trong gia đình ta có cái gì nào? Tài sản có gì cho xem chơi nào!?". Người chồng chẳng biết ông là ai, trả lời thủng thẳng: "Hai vợ chồng, một cái nhà, một cái nồi, một nồi hai, một mâm thau chén bát, một cái giường, một cái phản. Ngoài chuồng có một gà mẹ mười con, lợn thì có chuồng rồi nhưng chờ lợn Hợp tác xã đẻ sẽ bán cho hai con".
Ông hỏi: "Nhà có hai vợ chồng, tại làm sao có một giường một phản, thế tối ngủ chung hay ngủ riêng?". "Báo cáo ngủ riêng, vì có mang tám tháng rồi".
Ông cười rất tươi, bảo: "À thế thì được, cầm lọ dầu bao giờ vợ đẻ mà dùng. Thế cuộc sống thế này, đối với Đảng có đề nghị gì không?". Chị vợ tranh lời: "Úi chào, đề nghị gì nữa, đến chết thôi chừ cũng tin Đảng hung rồi, năm năm nữa thì sung sướng hung rồi".
Ông hỏi chị vợ: "Thế hai vợ chồng hạnh phúc chứ?". Hai vợ chồng nhìn nhau tủm tỉm cười… Họ nói chuyện y hệt những người nông dân với nhau vậy.
Chưa bao giờ tôi thấy ông vui như lần ấy và tôi nhìn thấy trong tận cùng của ba vẫn là một người nông dân, một anh cố nông được Đảng đổi đời, cũng như vợ chồng anh cố nông kia vậy.
Có lẽ chính là nhờ những mối quan hệ như bạn bè, người thân với những người nông dân miền Bắc, mà ba đã đóng góp được những ý kiến có giá trị trong xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và sản xuất nông nghiệp thời bấy giờ.
...
Những điều tối kỵ
Là một người cha nhân hậu và hết mực yêu thương các con, nhưng ba là người rất nghiêm khắc. Những lá thư gửi từ miền Nam ra cho chúng tôi, không bao giờ thấy ông chúc may mắn, thành đạt… mà chỉ dặn là khiêm tốn và chăm lao động.
Ba hiền lắm, chưa bao giờ ba nặng lời, hoặc đánh mắng chúng tôi, nếu có gì sai, ba nghiêm khắc bảo ban, nhưng cũng hay xuê xoa để mẹ không mắng mấy chị em.
Nhưng có những điều ba rất "kỵ", và không bao giờ bỏ qua. Tý bây giờ vẫn nhớ lần bị ba bắt quỳ giữa sân vì dám hỗn với chú bảo vệ. Vịnh lúc đó còn bé tí nhưng có lần bị xách tai đau điếng, vì tranh nhau mấy cái kẹo với thằng Phúc con chú Chắt bảo vệ.
Gia đình Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và vợ chồng Đại tướng Võ Nguyên Giáp chụp ảnh trước ngày Đại tướng Nguyễn Chí Thanh dự định trở lại chiến trường Miền Nam, tháng 7/1967. (Ảnh: Bảo tàng lịch sử quân sự VN)
Đấy, ba dạy chúng tôi như thế: mọi sai lầm, khuyết điểm đều có thể tha thứ, và đều có thể sửa chữa được, nhưng có những điều không thể bỏ qua, đó là hỗn láo với mọi người xung quanh, thứ đến là giả dối, lười biếng, ích kỷ và đua đòi.
Bây giờ nhớ lại những chuyện nhỏ như vậy, chúng tôi mới hiểu tình thương của ba đối với chúng tôi như thế nào…
Sao viết về ba khó thế, con mà chỉ toàn ca ngợi ba thì ba sẽ không bằng lòng, tôi biết vậy. Nhưng không thể nói khác được, vì ba tôi là một con người như vậy - một con người và một người Cộng sản.
Chúng tôi tuyệt đối tin như thế và luôn tự hào vì điều đó. Mấy chục năm sau khi ba mất, tình cảm không còn đầy đủ như khi ba mẹ còn sống, và cuộc sống cũng có khi này khi khác – nhưng chúng tôi luôn thanh thản, tự hào và hài lòng với cuộc sống của mình. Còn đòi hỏi gì thêm nữa, khi mình sinh ra và lớn lên trong một gia đình như vậy, có một người Cha như vậy!
Bài viết được trích từ bộ sách "Tướng lĩnh Việt Nam thế kỷ XX qua lời kể của người thân" do Nhà xuất bản Quân đội nhân dân phối hợp cùng Công ty Cổ phần Sách Thái Hà xuất bản và phát hành.
Cuốn sách kể lại quá trình hoạt động cách mạng, công tác và cuộc sống đời thường, cung cấp nhiều tư liệu quý, nhiều câu chuyện có giá trị được viết trung thực, rõ ràng về thân thế sự nghiệp, thể hiện rõ cốt cách, phương pháp, tác phong của mỗi tướng lĩnh trên từng cương vị công tác.