Những câu chuyện đau lòng khiến chúng ta suy nghĩ về "Hiệu ứng Cinderella": Tại sao dì ghẻ lại ghét bỏ con chồng?

J.D |

Trong những câu chuyện cổ tích, dù là ở nền văn hóa nào, mẹ kế (hay dì ghẻ) hiện lên như những nhân vật hết sức đáng sợ với trẻ thơ. Nhưng Jane Wilson hiểu được điều này không chỉ qua truyện cổ, mà ở cả những trải nghiệm tàn nhẫn cô nhận được từ dì ghẻ của mình.

"Năm 11 tuổi, mẹ kế thấy tôi đang chơi trong mảng vườn mà bà đã cấm tôi bén mảng đến. Thế là bà nhốt tôi trong phòng tối," - Jane, nay là một kế toán 47 tuổi nhớ lại. "Tôi la hét và khóc cạn nước mắt, nhưng bà cứ nhốt tôi ở đó suốt đêm."

"Một lần khác khi ăn tối, tôi không nhận ra vị của món mình đang ăn nên hỏi mẹ kế. Bà bảo rằng đó là thịt gà. Nhưng đến khi ăn xong, bà ta lạnh lùng nói 'Con mới ăn thịt thỏ đấy." Tôi lại khóc cạn nước mắt trong lúc bà ta cười phá lên, còn cha thì chẳng nói gì."

Những sự việc như vậy đã khiến Jane khổ sở ngay từ năm 4 tuổi, sau khi cha cô đi bước nữa với một người phụ nữ khác. Cô phải sống với cha vì mẹ cô sức khỏe quá yếu nên không thể chăm sóc cô chu toàn.

Những câu chuyện đau lòng khiến chúng ta suy nghĩ về Hiệu ứng Cinderella: Tại sao dì ghẻ lại ghét bỏ con chồng? - Ảnh 1.

Trên thực tế, vẫn có rất nhiều người cha dượng, mẹ kế yêu thương con riêng của vợ hoặc chồng mình như con ruột. Tuy nhiên cũng từ thực tế, các nghiên cứu chỉ ra rằng cha dượng có nguy cơ khiến con riêng tử vong cao gấp 8 lần so với cha mẹ ruột. Trong khi đó, với mẹ kế là gấp 3 lần.

Hiệu ứng Cinderella - Tại sao dì ghẻ lại ghét con chồng?

Vụ việc bé gái 8 tuổi bị dì ghẻ bạo hành đến chết mới đây đang khiến dư luận quan tâm và cực kỳ phẫn nộ, không thể hiểu được vì sao người phụ nữ ấy có thể đang tâm hành hạ một đứa trẻ không có khả năng chống cự như vậy. Một nhà tâm lý học sau đó đã trả lời rằng hành vi này nằm trong cái gọi là "Hiệu ứng Lọ Lem" (hay Hiệu ứng Cinderella) . Nhưng cụ thể, hiệu ứng này là gì?

Những câu chuyện đau lòng khiến chúng ta suy nghĩ về Hiệu ứng Cinderella: Tại sao dì ghẻ lại ghét bỏ con chồng? - Ảnh 2.
Những câu chuyện đau lòng khiến chúng ta suy nghĩ về Hiệu ứng Cinderella: Tại sao dì ghẻ lại ghét bỏ con chồng? - Ảnh 3.

Việc đối tượng Trang bạo hành bé V.A đến chết được chuyên gia tâm lý giải đáp lả một phần của "Hiệu ứng Cinderella"

Hiện tượng "Hiệu ứng Cinderella" được giáo sư tâm lý học người Canada Martin Daly đưa ra vào thập niên 1970. Đúng như tên gọi, hiệu ứng này dùng để ám chỉ xu hướng thống kê cho thấy những vụ cha mẹ sát hại trẻ em thường sẽ có liên quan đến cha mẹ kế. Nghĩa là về cơ bản, tỉ lệ trẻ em bị bạo hành liên quan đến cha mẹ kế sẽ lớn hơn so với cha mẹ đẻ của chúng.

Hiệu ứng này vấp phải nhiều chỉ trích, khi nhiều chuyên gia cho rằng không nên sử dụng nó để ám chỉ tất cả cha mẹ kế đều sẽ bạo hành con riêng. Vẫn có rất nhiều người nuôi con của người tình như con đẻ, thương yêu hết mực và hỗ trợ hết sức. Chỉ là, số liệu thống kê vẫn cho thấy có nhiều rủi ro.

Như với trường hợp của Jane, không quá lâu để cô nếm trải sự tàn nhẫn của "hiệu ứng Lọ Lem".

"Từ bé, mẹ kế đã bảo tôi là vấn đề lớn nhất trong đời cha, và tốt hơn hết là tôi nên chết đi," - Jane nhớ lại. "Cha tôi thì dường như chẳng bao giờ quan tâm, kể cả tôi có chết thật. Tôi cứ như vậy lớn lên, nghĩ rằng thế là chuyện bình thường."

Gần đây, dư luận thế giới sục sôi trước câu chuyện bi kịch của cậu bé Arthur Labinjo-Hughes bị mẹ kế bạo hành đến chết. Trong đó đau lòng nhất là đoạn video ghi lại thời điểm vài giờ trước khi Arthur tử vong. "Chẳng ai thương cháu cả," - câu nói ấy khiến Jane bật khóc. Jane đã lớn lên với một vết sẹo tâm lý dai dẳng. Nhưng ít ra, cô vẫn còn sống.

Những câu chuyện đau lòng khiến chúng ta suy nghĩ về Hiệu ứng Cinderella: Tại sao dì ghẻ lại ghét bỏ con chồng? - Ảnh 4.

Cậu bé Arthur bên cha và mẹ kế Tustin

Ở thời điểm tử vong, Arthur mới 6 tuổi. Cậu bé trở thành mục tiêu bị áp bức sau khi cha cậu - Thomas Hughes (29) cặp kè với một phụ nữ hơn tuổi là Emma Tustin (32). Mỗi ngày, Tustin bắt Arthur đứng phạt ngoài hành lang suốt 14h đồng hồ. Cậu bé bị đánh đập thường xuyên, và thậm chí phải ăn muối thay cơm. Tháng 6/2020, Arthur tử vong sau khi bị Tustin đập vào đầu, gây ra một chấn thương không thể cứu chữa. Trong lúc ấy, cha cậu bé còn bận đi mua sắm.

Tương tự, vụ án về bé gái 18 tháng tuổi Star Hobson bị người tình của mẹ bắn chết cũng khiến cả nước Anh cảm thấy tức giận. Nhưng điều đáng ngại là theo nhiều nghiên cứu, những em bé xấu số kia không phải là trường hợp cá biệt bị bạo hành dưới tay cha mẹ kế.

Những câu chuyện đau lòng khiến chúng ta suy nghĩ về Hiệu ứng Cinderella: Tại sao dì ghẻ lại ghét bỏ con chồng? - Ảnh 5.
Những câu chuyện đau lòng khiến chúng ta suy nghĩ về Hiệu ứng Cinderella: Tại sao dì ghẻ lại ghét bỏ con chồng? - Ảnh 6.

Cô bé Star Hobson bị người tình của mẹ sát hại khi mới 18 tháng tuổi

Lý do cho sự ghét bỏ của "Hiệu ứng Cinderella" có thể nằm thuần ở mặt sinh học. Các nhà tâm lý học tiến hóa tin rằng con người - cũng giống như nhiều loài vật khác - được tạo hóa ban tặng thiên chức để chăm lo cho con nhỏ mang bộ gene của mình, chứ không phải của người khác.

Cách cha mẹ ghẻ hành hạ con riêng cũng khác biệt. Đa số là đánh đập và ruồng bỏ - để thể hiện sự tức giận. Một số trường hợp nhẫn tâm sát hại thường có liên quan đến các vấn đề tâm lý.

Những yếu tố làm tăng rủi ro

Theo Martin Daly, rủi ro dành cho một đứa trẻ khi cha mẹ chúng đi bước nữa là một điều cần phải nghiêm túc cân nhắc.

Kevin Hoffin, giảng viên tội phạm học tại ĐH Birmingham City (Anh) cũng đồng tình, cho rằng có nhiều yếu tố khiến một đứa trẻ dễ bị bạo hành hơn trong tay cha mẹ kế. Nó bao gồm cả những yếu tố như gia cảnh và lịch sử bạo lực gia đình. Tuy nhiên, dấu hiệu đáng chú ý nhất phải kể đến mối quan hệ của cha hoặc mẹ ruột với người mới là như thế nào.

Những câu chuyện đau lòng khiến chúng ta suy nghĩ về Hiệu ứng Cinderella: Tại sao dì ghẻ lại ghét bỏ con chồng? - Ảnh 7.
Những câu chuyện đau lòng khiến chúng ta suy nghĩ về Hiệu ứng Cinderella: Tại sao dì ghẻ lại ghét bỏ con chồng? - Ảnh 8.

Hughes và Tustin phải chịu những bản án thích đáng sau cái chết của cậu bé Arthur

"Nếu cha mẹ yêu đối phương một cách điên cuồng, hoặc trở nên quá phụ thuộc, họ có thể đặt mối quan hệ ấy lên trên chính con mình."

Với cả hai trường hợp của Arthur và Star, cha hoặc mẹ ruột của các bé dường như đã nằm dưới quyền kiểm soát của người tình lớn tuổi hơn, bạo lực hơn, và nguy hiểm hơn.

Như Arthur, cuộc sống êm đềm của cậu trở nên đảo lộn kể từ khi Tustin dọn đến ở chung. Biến cố ấy tạo ra một làn sóng bạo hành cực độ, đến mức Hughes cũng trở nên hung hãn hơn với con mình.

Hughes sau đó đã phải nhận án tù 21 năm vì tội ngộ sát, trong khi Tustin chịu khung chung thân và phải ngồi tù tối thiểu 29 năm trước khi có ân xá với tội danh giết người. Còn mẹ của Star - Franky Smith phải ngồi tù 8 năm vì tội bỏ bê con. Người tình của bà - Callous Brockhill chịu án chung thân.

Dấu hiệu của một đứa trẻ bị bạo hành

Ngay khi đủ tuổi trưởng thành, Jane đã cắt toàn bộ liên lạc với cha và mẹ kế của mình. Với những trải nghiệm đã qua, cô nhận thấy có một số dấu hiệu chung khi một đứa trẻ bị bạo hành.

"Mẹ kế của tôi thực sự có tính kiểm soát. Cha tôi quá yếu đuối luôn đưa ra những quyết định ưu tiên vợ, thay vì cho con. Dù giờ họ đã ly hôn, cha tôi vẫn sẽ không thừa nhận rằng ông đã sai."

Emma Citron - chuyên gia tâm lý học trẻ em cho biết có khá nhiều dấu hiệu từ sớm cho thấy một đứa trẻ đang bị bạo hành và cần được người lớn có trách nhiệm chú ý tới. Trong trường hợp có thêm một người đến với gia đình, đứa trẻ cần được phép dành nhiều thời gian với người mà bé không ở cùng - như ông bà hoặc cha/ mẹ ruột, để sớm phát hiện các dấu hiệu bạo hành.

Trở lại với Jane. Dù giờ đã có con trai ở tuổi thiếu niên, Jane vẫn phải trải qua các cuộc trị liệu kéo dài hàng năm trời. "Mỗi ngày có hàng nghìn đứa trẻ ngoài kia bị bạo hành cả về tâm lý lẫn thể xác. Nhưng phải nhờ đến cái chết của một vài em bé đáng thương, vấn đề mới được người ta chú ý đến."

Cũng theo Jane, thứ khiến cô chết trong lòng chẳng phải là những lời sỉ vả từ mẹ kế. "Đó là sự phản bội, từ chính cha mẹ đẻ của bạn, những người đáng lẽ phải yêu thương và bảo vệ bạn thì lại chẳng làm gì. Tôi không nghĩ rằng mình có thể vượt qua câu chuyện này."

Nguồn: NY Post

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại