Gia đình ông Lý Văn Thỉnh (ở thôn Khúc) là một trong những hộ đầu tiên chuyển đổi cây trồng, với 5 sào ruộng sang trồng hoa. Ông Thỉnh cho biết, từ khi trồng hoa, hiệu quả kinh tế tăng hàng chục lần so với trồng ngô.
Mỗi năm, gia đình ông thu lãi hơn 1 tỷ đồng, tạo việc làm cho 7 lao động thường xuyên và gần 20 lao động thời vụ.
“Phần lớn diện tích trồng hoa hồng, còn lại trồng hoa mùa vụ như mai, mẫu đơn, lan...
Sau khi chuyển đổi thành công, gia đình còn thuê gần 2ha đất bãi để trồng cây thế, cây bóng mát, với những loại cây được ưa chuộng hiện nay như: bàng Đài Loan, đề, phượng, ban Tây Bắc, muồng Hoàng Yến... cung cấp cho các khu đô thị trên địa bàn và các tỉnh thành khác”, ông Thỉnh nói.
Một vườn hoa tại xã Phụng Công.
Ông Đỗ Văn Dũng - Chủ tịch UBND xã Phụng Công (huyện Văn Giang) cho biết: “Trước đây, khu đất bãi của xã chủ yếu trồng ngô, giá trị kinh tế chỉ đạt 45 triệu đồng/ha/năm. Từ năm 2012 đến nay, xã khuyến khích nông dân chuyển đổi thành vùng trồng hoa cây cảnh tập trung.
Cả xã có 1.700 hộ dân thì có tới 1.200 hộ làm nghề trồng hoa, cây cảnh với diện tích gần 100ha, giá trị kinh tế đạt 550 triệu đồng/ha/năm. Thu nhập của người dân trong xã trung bình đạt trên 60 triệu đồng/người/năm, thậm chí có những hộ trồng hoa công nghệ cao thu nhập 1,5-2 tỷ đồng/năm”.
Từ chủ trương khuyến khích hình thành những vùng sản xuất nông nghiệp tập trung để góp phần xây dựng nông thôn mới của UBND huyện Văn Giang, nhiều vùng chuyên canh sản xuất sản phẩm nông nghiệp hàng hóa đã hình thành.
Cũng trồng hoa, cây cảnh như xã Phụng Công, người dân xã Xuân Quan lại tìm được hướng đi riêng, chú trọng vào các loại hoa hiếm như, hoa hồng cổ và những giống hoa mới nhập ngoại, cho giá trị kinh tế khoảng 70 triệu đồng/ha/năm; gần 900 hộ trồng hoa có thu nhập trung bình mỗi năm đạt từ 300 triệu đồng trở lên, nhiều hộ thu nhập từ 2-4 tỷ đồng/năm.
Anh Nguyễn Văn Tuyên, ở thôn 1, xã Xuân Quan, một trong những tỷ phú trẻ của làng hoa này cho biết, nhờ có chủ trương đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi trên diện tích đất nông nghiệp, anh đã thành công trong nghề trồng hoa với 2 mẫu trồng hoa hồng cổ và những giống hoa mới nhập ngoại.
Anh từng bán những cây hồng cổ có tới gần 1.000 bông hoa, trị giá hàng trăm triệu đồng. Mỗi năm lợi nhuận anh thu về hàng tỷ đồng từ việc trồng hoa, cây cảnh.
Người dân tích cực chuyển đổi từ trồng lúa, ngô sang trồng hoa.
Ông Nguyễn Quốc Chương, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Văn Giang cho biết, những năm gần đây, thu nhập của người dân tăng cao, từ 23 triệu đồng/người năm 2011, nay tăng lên gần 60 triệu đồng/người là nhờ sự nỗ lực, nhạy bén của người dân và chủ trương chuyển đổi cơ cấu kinh tế của UBND huyện.
Trong đó có việc huy động sự hỗ trợ hàng trăm tỷ đồng của chủ đầu tư dự án khu đô thị trên địa bàn để xây hạ tầng nông thôn, hỗ trợ đào tạo nghề, chuyển đổi việc làm cho nông dân sau khi đất nông nghiệp bị thu hẹp để triển khai dự án.
Trong 19 tiêu chí về xây dựng NTM, tiêu chí thứ 10, thu nhập bình quân đầu người đến năm 2020 phải đạt từ 50 triệu đồng trở lên mỗi năm là vấn đề khó thực hiện nhất.
"Làng trong phố" tại xã Xuân Quan, huyện Văn Giang.
Ông Chu Quốc Hiệu, Chủ tịch UBND huyện Văn Giang cho biết: "Người dân trong huyện giờ không muốn đi lao động xuất khẩu ở nước ngoài nữa vì ngay tại địa phương còn phải thuê người làm từ những địa phương khác.
Người có vốn thì thuê đất nông nghiệp để trồng hoa, cây cảnh. Người ít vốn thì mở dịch vụ kinh doanh chậu, giá để, lưới, nhà kính, hệ thống tưới nước phục vụ làng hoa. Thu nhập bình quân của một lao động từ hơn 200.000-500.000 đồng/người/ngày".