Xâm hại tình dục trẻ em – vấn đề nóng bỏng tại Trung Quốc
Vấn đề lạm dụng tình dục trẻ em ở Trung Quốc đang trở thành tâm điểm chú ý trong những năm gần đây. Ngày càng nhiều vụ việc được đưa ra ánh sáng với sự vào cuộc của các cơ quan chức năng.
Sự quan tâm đúng mức đến vấn đề nhức nhối này đã giúp quá trình truy tìm thủ phạm diễn ra ráo riết hơn. Bên cạnh đó, các cơ quan điều tra cũng như ngôn luận khuyến khích các nạn nhân đừng im lặng mà hãy mạnh dạn tố cáo thủ phạm.
Trẻ em luôn là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất, cả về thể chất lẫn tinh thần.
Năm 2013, hiệu trưởng trường tiểu học ở một tỉnh phía nam đảo Hải Nam bị cáo buộc cưỡng hiếp 6 học sinh. Cùng năm đó, một bé gái 12 tuổi ở tỉnh Hồ Nam mang thai do bị tấn công tình dục.
Theo dữ liệu từ Girls 'Protection, một tổ chức phi chính phủ chuyên về ngăn ngừa lạm dụng tình dục trẻ em, từ năm 2015 đến 2017, 1.151 trẻ em bị tấn công tình dục ở Trung Quốc.
Nhiều sự việc mãi mãi bị chôn vùi, đặc biệt là ở các vùng nông thôn, nơi người dân không tin tưởng vào sức mạnh của công lý.
Trải qua một thời gian dài, những trẻ em bị xâm hại và người thân của các em mới vượt qua sự sợ hãi, dè dặt để lên tiếng phơi bày sự thật. Thế nhưng, cách các nhân viên điều tra lấy lời khai của những nạn nhân nhỏ tuổi lại không thực sự hiệu quả, thậm chí còn gây phản tác dụng.
Những buổi thẩm tra gây tổn thương tinh thần
Thay vì thực hiện những biện pháp phỏng vấn chuyên biệt dành riêng cho đối tượng nhạy cảm là trẻ em, các cơ quan điều tra lại tiến hành lấy lời khai như đối với người lớn.
Các câu hỏi họ đưa ra khiến những đứa trẻ sợ hãi, và đôi khi khiến lời khai bị sai lệch. Bên cạnh đó, phía cảnh sát lại không mấy tin tưởng vào lời khai của một đứa trẻ.
Năm 2016, Zhenzhen, biệt danh của một cô bé 4 tuổi ở một thành phố phía nam của Thâm Quyến, đến chơi nhà của một người bạn chung lớp mẫu giáo, và bị chú ruột của người bạn đó xâm hại.
Ông ta hứa cho tiền và mua quà cho cô bé. Một hôm khi về nhà, người mẹ phát hiện vùng kín của cô bé bị tổn thương. Vì mẹ bị khiếm thính, Zhenzhen đã phải dùng kí hiệu bằng tay để kể. Khi được đưa đến gặp cảnh sát, cô bé miêu tả lại:
"Ông ấy dắt cháu vào phòng, khóa cửa, tắt điện, ép sát cháu vào bàn hoặc lên giường. Có lần ông ấy còn chạm vào giữa hai chân cháu".
Đối với những trẻ em còn quá nhỏ, cảnh sát không nên áp dụng các nghiệp vụ cứng nhắc.
Lai Weinan, một luật sư chuyên về các vụ án lạm dụng trẻ em, cho rằng: "Một đứa trẻ 4 tuổi không thể bịa ra những chi tiết như vậy. Nhưng cảnh sát lại tỏ ra hồ nghi đối với những lời kể này. Lời khai của trẻ em không bao giờ được đánh giá cao bằng lời khai của người lớn".
Cảnh sát gặng hỏi cô bé hết lần này đến lần khác với cùng nội dung câu hỏi: Chuyện gì đã xảy ra với cháu? Khi nào và ở đâu? Đến lần thứ 3 được đưa vào phòng thẩm vấn, Zhenzhen bắt đầu hoang mang và sợ mình nói sai gì đó. Họ đưa cho cô bé hình ảnh một người đàn ông, và hỏi "Đó có phải người đã làm hại cháu không?", cô bé chỉ im lặng và cúi đầu.
Cuối cùng, phía cảnh sát đã bác bỏ cáo buộc của Zhenzhen và gia đình, vì thiếu chứng cứ kết tội. Quá đau buồn và sợ bị gièm pha, gia đình em đã phải rời khỏi thành phố.
Pekka Santtila, giáo sư tâm lý học pháp lý, không đồng tình với cách làm này. Ông cho rằng, cảnh sát đã quen với việc đặt những câu hỏi lặp đi lặp lại đối với nhân chứng là người lớn để đảm bảo thông tin là hoàn toàn chính xác.
Nhưng phương pháp này lại không phù hợp khi áp dụng với trẻ em. Các em sẽ bị áp lực tâm lý, sợ mình nói sai, cuối cùng là cung cấp những thông tin sai lệch để làm vừa lòng mọi người.
Lời khai của nạn nhân là vô cùng quan trọng trong việc điều tra và xét xử, đôi khi đó là bằng chứng duy nhất. Thế nhưng những buổi lấy lời khai lại không mang lại kết quả tốt vì những nguyên do như trên.
Thay đổi cách hỏi để đem lại kết quả khả quan hơn
Trong thực tế, trẻ em hoàn toàn có khả năng làm chứng như người lớn. Nhiều nghiên cứu đã khẳng định rằng, trẻ em có thể cung cấp thông tin với độ chính xác từ 85 đến 90%. Tất cả phụ thuộc vào cách chúng ta đặt câu hỏi.
Các nhà nghiên cứu tâm lý đã đề xuất một chương trình huấn luyện dành riêng cho cảnh sát điều tra. Họ được khuyến khích sử dụng các câu hỏi mở nhiều hơn câu hỏi đóng.
Chẳng hạn như khi trẻ đang kể lại tình huống bị đụng chạm cơ thể, thay vì hỏi "Ông ấy đã chạm vào chỗ nào trên người cháu?", hãy nói "Kể thêm cho chú nghe nào." Sau nhiều lần thử nghiệm, họ nhận ra các câu hỏi mở thường mang lại kết quả chính xác hơn câu hỏi đóng.
Đối với những đứa trẻ còn non nớt và nhạy cảm như vậy, chúng ta cần dò hỏi một cách tế nhị hơn. Chẳng hạn như có thể hỏi các em đã làm những gì, đã đi đâu trong ngày hôm ấy, qua đó biết thêm nhiều chi tiết hữu ích.
Các em cũng có quyền nói "Cháu không nhớ, cháu không biết" thay vì cố trả lời cho xong. "Nếu chú nói sai ở đâu, cháu cứ sửa nhé" cũng là một cách để tạo sự yên tâm cho các em.
Lời khai của trẻ em hoàn toàn có giá trị, nếu chúng ta biết cách đặt câu hỏi tinh tế hơn.
Hàng năm, các tổ chức công tác xã hội phi lợi nhuận đã hỗ trợ việc điều tra bằng cách gặp gỡ, tiếp xúc từ 10 đến 15 nạn nhân. Thông thường, khi nghe tin con em bị xâm hại, các bậc phụ huynh sẽ trở nên hoảng loạn và phẫn nộ, từ đó gặng hỏi làm trẻ sợ hãi.
Các nhân viên đã hỗ trợ về tâm lý cho các em và gia đình. Họ khuyến khích gia đình tâm sự, trò chuyện cùng con.
Nhờ những cải thiện kịp thời, việc lấy lời khai từ nạn nhân đã đạt được những kết quả khả quan. Năm 2014, một bé gái 3 tuổi bị người bảo vệ trường học 65 tuổi xâm hại. Dù không có bằng chứng vật lý nào, thẩm phán vẫn quyết định xem xét lời khai của cô bé, và người đàn ông kia đã bị kết án 18 tháng tù.
Từ đó, ta có thể thấy, những câu hỏi đơn giản và khéo léo sẽ hiệu quả hơn những biện pháp nghiệp vụ cứng nhắc và khô khan, giúp trẻ em đòi lại sự công bằng cho chính mình.
Nguồn: Sixth Tone