Phóng viên (PV): Thưa đồng chí, những năm gần đây, chúng ta đã triển khai ứng dụng hệ thống VQ9801, rồi hệ thống VQ1-M vào việc quản lý vùng trời. Vậy thực chất VQ9801 và VQ1-M là gì?
- Đại tá Trần Hữu Nam: Năm 1998, Quân chủng PK-KQ đã được Chính phủ cho triển khai Dự án xây dựng hệ thống quản lý và bảo vệ vùng trời quốc gia, viết tắt Dự án này là Dự án VQ9801.
Thực chất nội dung của Dự án là ứng dụng công nghệ thông tin vào mạng máy tính trong lĩnh vực thu thập, xử lý, phân phối tình báo ra đa phục vụ cho nhiệm vụ quản lý vùng trời, SSCĐ. Năm 2005, Dự án hoàn thành và đưa vào trực ban SSCĐ, quản lý vùng trời, góp phần nâng cao khả năng quản lí vùng trời SSCĐ của Quân chủng lên một bước.
Tuy nhiên, do ngân sách đầu tư hạn chế nên quy mô của hệ thống VQ9801 mới chỉ nằm ở khu vực miền Bắc và các thiết bị cả về phần cứng và hệ thống phần mềm đều do nước ngoài cung cấp. Ta không có khả năng mở rộng và duy trì hệ thống này hoạt động một cách lâu dài.
Năm 2014, Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ cho Quân chủng PK-KQ và Tổng Công ty Viễn thông Quân đội phối hợp xây dựng hệ thống VQ1-M.
Đại tá Trần Hữu Nam
Thực chất hệ thống VQ1-M là hệ thống tự động và bán tự động trong việc thu thập quản lí phân phối thông tin và tình hình trên không.
Khi có hệ thống này, ta có thể tích hợp tất cả các kết quả trinh sát của các phương tiện trinh sát ra đa, các khí tài trinh sát quang học, trinh sát hồng ngoại được triển khai từ các môi trường như trên mặt đất, trên biển, trên không đều có thể tích hợp vào hệ thống.
Các hệ thống sẽ tự động và bán tự động xử lý các thông tin này và sẽ tạo ra được bức tranh tình hình trên không với thời gian gần như là thời gian thực.
Bức tranh về tình hình trên không sẽ được phân phối đến tất cả các đầu mối có nhu cầu sử dụng là hệ thống sở chỉ huy phòng không các cấp trong toàn quân phục vụ cho nhiệm vụ SSCĐ, quản lý vùng trời, bảo đảm an toàn, an ninh hàng không và phục vụ cho phòng không nhân dân.
- PV: Áp dụng phương thức tự động hóa này vào quản lý vùng trời, so với phương thức truyền thống thì có gì khác biệt, thưa đồng chí?
- Đại tá Trần Hữu Nam: Nếu như trước đây huấn luyện trên các phương tiện thủ công, người chỉ huy phải quan sát trên bảng mi-ca tiêu đồ 9x9. Trên đó, nhân viên tiêu đồ chỉ thể hiện được một số thông tin liên quan đến mục tiêu, ví như tốp mục tiêu ấy thuộc tốp địch, tốp ta, tốp quốc tế hay tốp quá cảnh; nó đang ở vị trí nào; hướng bay về đâu.
Những thông tin như tốc độ, hướng di chuyển một cách chính xác, tính chất của nó thể hiện hết sức khó khăn bởi các thao tác đó bị ràng buộc bởi yếu tố không gian.
Còn với VQ9801 và VQ1-M, chỉ cần tích vào trên hệ thống theo dõi là người chỉ huy có thể biết ngay, biết cùng một lúc mọi thông tin.
Cán bộ, chiến sĩ Trạm Radar 67, Trung đoàn 292 (Sư đoàn 377) khai thác, vận hành Hệ thống VQ-1M.
- PV: Hệ thống VQ1-M, so với VQ9801 chắc chắn là có những khác biệt vượt trội?
- Đại tá Trần Hữu Nam: Đúng vậy. Trước hết về tính năng, hệ thống VQ1-M hoàn toàn tương đồng với VQ9801. Tuy nhiên về năng lực, quy mô xử lý của nó lớn hơn.
Nếu như VQ9801 chỉ có khả năng xử lý ở địa bàn miền Bắc với số lượng đầu mối các trạm ra đa kết nối vào hết sức hạn chế thì hệ thống VQ1M có thể kết nối với rất nhiều các trạm ra đa, các phương tiện trinh sát khác đã được số hóa với khả năng gần như đúng theo nhu cầu.
Thứ hai là hiện nay chúng ta đã thực hiện triển khai đồng bộ đến tất cả các đơn vị từ các trạm ra đa đến sở chỉ huy các cấp trong Quân chủng, đến hệ thống sở chỉ huy của tất cả các Quân khu, Quân đoàn, Quân binh chủng, các vùng Hải quân, Cảnh sát biển và sở chỉ huy của Bộ Tổng Tham mưu; tạo ra một hệ thống đồng bộ có khả năng quản lý được tất cả các mục tiêu trong khu vực ta cần quản lý và thời gian xử lý tình báo để hiển thị trên các thiết bị cho người sử dụng gần như sát với thời gian thực.
Với việc được trang bị hệ thống VQ1-M, cùng với việc hoàn thiện dần thế trận ra đa, chiến thuật ra đa trong chiến tranh hiện đại thì Bộ đội Ra đa Việt Nam đang là lực lượng đi đầu trên con đường tiến lên chính quy, hiện đại.
Hạn chế của hệ thống VQ9801 là chúng ta không làm chủ được nó do vậy chúng ta không thể mở rộng và không có khả năng duy trì lâu dài cho nó hoạt động. Với hệ thống VQ1-M thì khác. Đó là sản phẩm hoàn toàn do phát huy nội lực.
Do vậy, chúng ta có thể liên tục nghiên cứu và thay đổi mỗi ngày một hoàn thiện hơn, khi có yêu cầu cần nâng cấp thì yêu cầu trao đổi giữa những người sử dụng là Quân chủng PK-KQ với Tập đoàn Viễn thông Quân đội rất thuận tiện.
Chỉ trong thời gian ngắn có thể giải quyết được những vấn đề mà ngày xưa hệ thống VQ9801 từ lúc nêu vấn đề ra để giải quyết vấn đề phải mất cả năm.
- PV: Và công tác huấn luyện đã được Quân chủng tổ chức như thế nào để có thể khai thác, sử dụng hiệu quả Hệ thống VQ1-M trong quản lý vùng trời, thưa đồng chí?
- Đại tá Trần Hữu Nam: Đồng bộ với việc nghiên cứu chế tạo và đưa vào trang bị hệ thống VQ1-M, Quân chủng đã thành lập những nhóm, tổ chuyên nghiên cứu, xây dựng các tài liệu để đảm bảo kỹ thuật, tài liệu chiến thuật, tài liệu phục vụ cho công tác huấn luyện.
Cho đến thời điểm này, đã xây dựng được 46 bộ tài liệu liên quan đến hệ thống; đã huấn luyện được 165 lớp với 1.780 người tham gia.
Việc huấn luyện chuyển giữa phương thức chiến đấu truyền thống sang phương thức chiến đấu tự động cũng đòi hỏi lực lượng đầu vào rất quan trọng, phải là những đồng chí trẻ, tiếp cận nhanh.
Tuy nhiên, điểm hạn chế của các đối tượng này là ít kinh nghiệm, chưa được trải qua phương thức chiến đấu truyền thống trong khi yêu cầu tác chiến đòi hỏi ta phải vừa thành thạo phương thức hiện đại, vừa duy trì được phương thức chiến đấu truyền thống, do đó, yêu cầu đặt ra trong công tác huấn luyện là rất cao.
Đến nay, lực lượng làm nhiệm vụ trực ban của chúng ta đã có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ trong quá trình trực ban quản lí vùng trời, nghĩa là thành thạo cả hai phương thức, có sự uyển chuyển, mềm dẻo giữa hai phương thức này với nhau.
- PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!