Cứ tưởng là trẻ con chỉ việc lặp đi lặp lại vòng tròn ăn, ngủ rồi đi học liệu có gì mà phải gọi là áp lực. Ấy thế mà cha mẹ lại quên mất rằng có những gánh nặng vô hình đến từ những kỳ vọng lớn lao của họ vào chính con cái mình, nào là đến trường điểm phải cao, thành tích học tập phải tốt, cuối năm phải mang được tấm bằng khen về.
Con cái cứ mải lao vào chuyện học những mong đáp ứng được mong muốn của bố mẹ nhưng mọi chuyện thật khó khăn. Kỳ thi học kỳ vừa rồi điểm chẳng tốt như những gì mình nghĩ, thế là một lần nữa, tụi học trò lại làm phụ huynh mất niềm tin. Bạn đã bao giờ rơi vào cảm giác ấy chưa?
Thầy Lê Hưng Đình hiện đang là giáo viên trường THPT Nguyễn Chí Thanh, TP.HCM, đồng thời là chủ nhiệm của một lớp khối 10.
Kỳ thi học kỳ I kết thúc cũng là lúc thầy lại tất bật tổng kết điểm số và chuẩn bị cho cuộc họp phụ huynh để thông báo về tình hình học tập của các thành viên trong lớp. Nhưng buổi họp mà thầy chuẩn bị có lẽ đặc biệt hơn. Thay vì chỉ là cuộc đối thoại 2 chiều giữa thầy cô và cha mẹ, thầy đã nghĩ ra phương thức để giúp tiếng nói của các em học sinh đến gần với người thân hơn.
Thầy cho biết, buổi họp phụ huynh sắp tới, biết rằng các học sinh của mình mới chập chững bước vào cấp 3, lại đang trong giai đoạn thay đổi mạnh mẽ về thể chất và tinh thần, thế nên các em sẽ dễ rơi vào trạng thái tiêu cực, có nhiều tâm sự trong lòng nhưng không dám nói ra.
Nhân cơ hội này, thầy khuyến khích các thành viên trong lớp gửi những suy nghĩ của mình vào giấy, bằng hình thức ẩn danh. Trong ngày họp phụ huynh, thầy sẽ thay mặt các bạn chiếu cho các phụ huynh cùng xem để mong qua đây, người lớn sẽ hiểu hơn về con mình.
Lần đầu tiên, các học sinh dám nói ra những điều đã giấu kỹ trong lòng, những điều thầm kín của tuổi mới lớn, những tâm tư nguyện vọng của bản thân với ước mong rằng cha mẹ sẽ hiểu cho những áp lực của con mình đã gặp phải.
Có trò nói lời xin lỗi, có trò gửi lời cảm ơn, có những lời than vãn, có những sự thật được giãi bày. Những dòng thư của các bạn học sinh khiến ai đọc cũng tìm thấy mình trong đó, một người cũng từng đi qua tuổi dậy thì và gặp những vấn đề về áp lực học tập.
Những dòng tâm sự trên không phải là dùng để chê trách, không dùng để đánh giá đúng/sai về cha mẹ trong cách nuôi dạy con. Qua đây, hẳn ai cũng nghiệm ra rằng những cô cậu mình nghĩ chưa đủ lớn và cần bảo bọc thực ra đã biết suy nghĩ lắm rồi.
Nên thay vì áp đặt, tạo ra những gánh nặng vô hình từ chuyện điểm số, thành tích thì các cha mẹ hãy ngồi xuống, lắng nghe và thấu hiểu những gì con nói dù chỉ một chút. Như thế những cô cậu học trò sẽ trút bỏ được phần nào đó những suy nghĩ ảnh hưởng tới tâm lý, lại còn xây dựng được mối quan hệ tốt đẹp hơn với chính các thành viên trong gia đình.
Ảnh: Nhân vật cung cấp