Theo trang mạng Business Insider, những bức ảnh ghi lại vụ tấn công bằng tên lửa do Anh, Pháp, Mỹ tiến hành nhằm vào các mục tiêu tại Syria đêm 13/4 dường như đã cho thấy phòng không Syria "bắn mò" và hầu như đánh chặn thất bại các tên lửa của liên quân.
Trước vụ không kích của Mỹ và đồng minh nhằm đáp trả vụ tấn công hóa học – được cho là do quân chính phủ Syria tiến hành – nhằm vào Douma, Nga đã đe dọa bắn hạ các tên lửa Mỹ bắn vào Syria và sau đó phá hủy các phương tiện đã mang phóng những tên lửa này.
Một Đô đốc đã về hưu của Nga còn bồi thêm mối đe dọa đó khi tuyên bố Nga có thể đánh chìm tàu khu trục USS Donald Cook của Mỹ bằng ngư lôi nếu con tàu này dám phóng tên lửa vào Syria.
Rốt cuộc, mặc dù được triển khai tại Địa Trung Hải nhưng tàu Donald Cook không bắn ra tên lửa nào.
Theo một nguồn tin nắm rõ kế hoạch của Nhà Trắng, con tàu là một phương án đánh lạc hướng Nga và Syria, tạo điều kiện cho những tàu chiến khác và máy bay chiến đấu của liên quân giội tên lửa Tomahawk vào Syria.
Lầu Năm Góc cho biết tất cả các tên lửa của liên quân đều trúng mục tiêu, trong khi Nga và Syria lại tuyên bố đánh chặn được 71 trong tổng số 103 tên lửa (theo số liệu từ Mỹ, tổng số tên lửa bắn ra là 105).
Các máy bay chiến đấu Tornado của Anh tham gia chiến dịch không kích Syria
Theo phóng viên Lucas Tomlinson của Fox News, Tướng Joseph Dunford, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ xác nhận các hệ thống pháo và tên lửa phòng không của Nga đã "án binh bất động" trong suốt cuộc không kích của liên quân đêm 13/4.
Ngoài ra, ông Dunford cho biết thêm rằng sự đáp trả duy nhất mà họ gặp phải là từ các hệ thống tên lửa đất-đối-không của quân đội Syria sau cuộc không kích và chúng không phát huy hiệu quả nào.
Phía Mỹ đặc biệt nhấn mạnh việc Syria bắn tên lửa đánh chặn ngay cả khi cuộc không kích đã kết thúc, như một nỗ lực để "vớt vát thể diện".
"Phần lớn tên lửa đánh chặn (của Syria) được bắn ra sau khi cuộc không kích của chúng tôi đã kết thúc", Trung tướng Thủy quân Lục chiến Kenneth F. McKenzi, trưởng ban tham mưu liên quân Mỹ nói, "Khi các vị bắn một thanh sắt không được dẫn đường vào không trung, nó sẽ phải rơi xuống một chỗ nào đó".
Nga hiện đang triển khai một số hệ thống phòng không thuộc hàng tốt nhất thế giới tại Syria nhưng bản thân quân đội Syria chỉ được trang bị các hệ thống cũ hơn và có năng lực hạn chế.
Trao đổi với Business Insider, ông Justin Bronk, chuyên gia tác chiến đường không tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Anh (RUSI) cho rằng Syria có vẻ đã đánh chặn thất bại cuộc không kích đêm 13/4.
Cụ thể, theo vị chuyên gia, nhìn vào bức ảnh dưới đây có thể thấy vệt sáng xuất phát từ các ngọn đồi xung quanh Damascus – thủ đô của Syria. Đây có lẽ là nơi Syria bố trí các trận địa phòng thủ tên lửa.
Đó là lý do tại sao các tên lửa này trông giống như được bắn lên từ Damascus – nơi có các mục tiêu mà tên lửa của Mỹ và đồng minh đang lao tới.
Vệt sáng trên bầu trời Damascus đêm 13/4. Ảnh: AP
Tất cả các bức ảnh chụp lại tên lửa đánh chặn đều cho thấy chúng dường như bay theo quỹ đạo đạn đạo – hay nói cách khác là một đường cong liền mạch.
"Quỹ đạo mà tôi quan sát thấy từ đoạn video được cho là ghi lại tên lửa đất-đối-không của Syria không giống như những gì mà tôi trông đợi trong một chiến dịch đánh chặn các tên lửa hành trình bay thấp" – ông Bronk nói - "Tôi không tin vào tuyên bố đánh chặn thành công của Nga/Syria".
Tên lửa đánh chặn sẽ bay thế này sao? - Business Insider đặt câu hỏi. Ảnh: AP
Trên thực tế, theo vị chuyên gia, phòng không Syria có vẻ đã "bắn mò". Còn nếu tên lửa được nhắm tới mục tiêu rõ ràng thì chúng dường như đã thất bại trong quá trình cơ động tới các mục tiêu này.
Thông thường, tên lửa đánh chặn không bay theo một quỹ đạo cầu vồng mềm mại mà thay vào đó là quỹ đạo xoắn ốc để tìm và chạm nổ với tên lửa mục tiêu.
Nếu phòng không Syria bắn lên sau khi cuộc không kích kết thúc thì đây sẽ là cơ sở giải thích hợp lý cho việc tên lửa đánh chặn không có mục tiêu và bay theo quỹ đạo không bị gián đoạn.
"Trong những ngày tới sẽ có một chiến dịch làm sai lệch thông tin quy mô lớn từ các bên đồng minh với chính quyền Tổng thống Assad" – Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis nói với các phóng viên sau vụ tấn công.
Các hình ảnh vệ tinh sau cuộc không kích cho thấy tên lửa của liên quân đã đánh trúng 3 mục tiêu.
Để so sánh, theo ông Bronk, có thể quan sát quỹ đạo của các tên lửa hành trình Mỹ và đồng minh khi bay tới mục tiêu rồi tưởng tượng xem tên lửa đánh chặn của Syria sẽ phải cơ động như thế nào nếu muốn đón đánh được chúng.
Vệt sáng trong bức ảnh dưới đây tuy bị biến dạng một chút nhưng vẫn cho thấy quỹ đạo phi tuyến tính của tên lửa.
Vệt sáng được cho là từ tên lửa hành trình của liên quân.