National Geographic (còn gọi là Nat Geo) được biết đến là tờ tạp chí khoa học, lịch sử, tự nhiên, địa lý nổi tiếng của Mỹ được "phủ sóng" trên toàn thế giới với các ấn phẩm được dịch sang tới tận 40 thứ tiếng. National Geographic được thành lập tháng 1 năm 1888, đến tháng 9 cùng năm, tạp chí này ra số đầu tiên. Từ đó đến nay, tạp chí này đã trở thành một phần không thể thiếu trong làng báo chí, nơi cho ra đời những tác phẩm nhiếp ảnh, những phóng sự khám phá để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng độc giả.
Tháng 9 năm 2018, National Geographic kỷ niệm tròn 130 thành lập. Họ đã công bố những bức ảnh ấn tượng nhất làm nên "thương hiệu" National Geographic để bất kỳ ai nghe đến cũng đều biết.
Đô đốc Robert E. Peary đang dùng ống nhòm xem xét địa hình trong chuyến đi lần thứ ba của ông đến Bắc Cực vào năm 1909. Chuyến đi thành công này đã giúp Robert E. Peary trở thành người đầu tiên trên thế giới đặt chân được đến Bắc Cực. Bức ảnh này do chính Robert E. Peary chụp được và được National Geographic đăng tải.
Trong ấn bản phát hành tháng 7/1906, National Geographic phát hành bức ảnh về động vật hoang dã đầu tiên của tạp chí. Biên tập viên Gil Grosvenor đã in 74 bức ảnh do một tổ chức của Mỹ và nhà bảo tồn George Shiras chụp được. Những bức ảnh này đã "mở màn" cho truyền thống lâu đời về việc đăng ảnh động vật hoang dã của tạp chí National Geographic.
Những người tiên phong trong lĩnh vực nhảy hiện đại là Ted Shawn và Ruth St. Denis. Bức ảnh này chụp cảnh cặp đôi nhảy múa trong trang phục truyền thống trong "Land of the Best". Đây là bức ảnh màu đầu tiên đăng trên tạp chí National Geographic vào năm 1916.
Nữ nhà báo đầu tiên của National Geographic là Eliza Scidmore. Bà là nữ nhà văn, nhiếp ảnh gia và thành viên hội đồng quản trị chính thức đầu tiên của tạp chí này. Vào những năm 1890, một tổ chức tiền thân của Smithsonian Institution đã tặng bà chiếc máy ảnh Kodak để bà ghi lại các chuyến đi của mình trên khắp Ấn Độ, Nhật Bản, Trung Quốc và hòn đảo Java của Indonesia. Và đây là một trong số các bức ảnh bà ghi lại được.
Bức ảnh chụp cá dưới nước này của hai nhiếp ảnh gia William Longley và Charles Martin của National Geographic vào năm 1926. Bức ảnh được chụp ngoài khơi Florida Keys ở Vịnh Mexico. 2 nhiếp ảnh gia được trang bị máy ảnh có bọc trong vỏ chống thấm nước và 0,4kg chất tạo flash để chiếu sáng dưới nước, William Longley và Charles Martin là người đi tiên phong trong nghệ thuật nhiếp ảnh dưới nước.
Bức ảnh chụp một con hổ trong Vườn Quốc gia Bandhavgarh, Ấn Độ bằng bộ camera đặt sẵn đầu tiên của National Geographic. Nó bao gồm một máy ảnh tự động được đặt trên ô tô. Nó có tia hồng ngoại và khi con vật chạm vào tia đó, ảnh tự động được chụp. Người ta gọi đó là "bẫy ảnh". Nó cho phép các nhiếp ảnh gia chuyên chụp động vật hoang dã và nhiếp ảnh gia theo dõi số lượng các loài có nguy cơ tuyệt chủng và có được hình ảnh về các loài động vật khó chụp ở khoảng cách gần.
Sử dụng máy ảnh tốc độ cao và độ phân giải cao, nhiếp ảnh gia Anand Varma đã làm chậm lại các chuyển động cực nhanh của chim ruồi và có được bức ảnh tuyệt vời này.
Vào năm 2015, nhiếp ảnh gia Laurent Ballesta đã cùng một đội tham gia hành trình dài 36 ngày khám phá bờ biển Adélie vùng Đông Nam Cực. Hành trình diễn ra đúng thời điểm băng ở khu vực tan nhiều, cho phép Ballesta và nhóm của anh lặn sâu hàng chục mét dưới làn nước lạnh giá để ghi lại cuộc sống hoang dã nơi đây.
Avery Jackson, cô bé 9 tuổi đến từ bang Kansas (Mỹ), là người chuyển giới đầu tiên xuất hiện trên trang bìa của Tạp chí National Geographic hồi tháng 1/2017.
Nguồn: National Geographic