Những bóng ma từ "nghĩa địa máy bay" có thể thay đổi cán cân lực lượng Nga-Mỹ

Thiên Minh |

Việc KQ Mỹ hồi sinh mẫu máy bay lỗi thời, đã ngừng vận hành trong thời gian dài có thể làm thay đổi tương quan lực lượng giữa Không lực Mỹ với bất kỳ đối thủ chiến lược nào.

Theo hãng tin Sputnik (Nga), cán cân sẽ nghiêng về hướng có lợi cho Lầu Năm Góc.

Mỹ hồi sinh B-52 Ghost Rider

Trong tháng Mười, lực lượng chiến lược Không quân Mỹ được trang bị máy bay ném bom tiếp theo. Đáng lưu ý, đây là mẫu máy bay đã được xuất xưởng cách đây 55 năm và trong nhiều năm qua, nó đã được cất giữ tại "nghĩa địa máy bay" thuộc căn cứ không quân Davis-Monthan ở Arizona.

Ở đây đang nói về máy bay ném bom chiến lược B-52 Ghost Rider, được mệnh danh là "Ma tốc độ". Nó được "hồi sinh" để thay thế một vài máy bay bị hư hỏng trong 8 năm qua.

Những bóng ma từ nghĩa địa máy bay có thể thay đổi cán cân lực lượng Nga-Mỹ - Ảnh 1.

Chiếc "Ghost Rider" hạ cánh xuống căn cứ không quân Minot tháng 9 năm nay, sau khi trải qua quá trình sửa chữa, nâng cấp kéo dài 19 tháng.

Với 55 năm tuổi, Ghost Rider là chiếc "trẻ nhất" trong số các anh em cùng loại, đã dừng sản xuất từ 54 năm trước - năm 1962. Nhưng các "cựu chiến binh" này vẫn là xương sống của lực lượng chiến lược Không quân Mỹ. Theo kế hoạch hiện nay, chúng sẽ tiếp tục hoạt động đến năm 2040, khi chiếc trẻ nhất trong số đó sẽ có độ tuổi 78.

Hiện nay, có khoảng 10% trong tổng số B-52 xuất xưởng trước đó đang phục vụ trong Không lực Mỹ. Thời kỳ hoạt động dài như vậy không phải là hiếm thấy.

Có một loạt máy bay có độ tuổi tương đương với B-52 (hơn hoặc kém một vài năm). Trong đó có máy bay Liên Xô Tu-95, máy bay ném bom English Electric Canberra của Anh, máy bay tuần tra hàng hải P-3 Orion và máy bay do thám U-2 của Mỹ. Tất cả trong số đó (ngoại trừ Canberra) được đưa vào hoạt động từ năm 1951, và chỉ đến năm 2006 mới cho "nghỉ hưu".

Do đó, đáng chú ý trong việc "hồi sinh" Ghost Rider không phải ở độ tuổi của nó, mà là máy bay này đã được lưu giữ ở đâu sau khi bị gạt ra khỏi hàng ngũ và đã trở lại hoạt động trong Không lực Mỹ như thế nào.

B-52 Ghost Rider "nghỉ hưu" tại căn cứ không quân Davis-Monthan. Đằng sau tên gọi này là nghĩa địa máy bay lớn nhất thế giới. Hiện nay, có khoảng 4.400 loại máy bay khác nhau, gồm máy bay, trực thăng và khinh khí cầu được bảo quản tại đây.

Điều kiện khô ráo của vùng sa mạc là yếu tố thuận lợi để bảo quản các máy bay mà quân đội Mỹ không tiếp tục sử dụng. Hơn nữa, các máy bay lưu giữ tại đây được xử lý đặc biệt để cất trữ.

Người ta tháo hết vũ khí, ghế phóng và thiết bị bí mật, loại bỏ tất cả các chất lỏng, còn các ống dẫn thì được bôi dầu. Sau đó, toàn bộ máy bay được phủ một lớp phun polymer đặc biệt, không chỉ bảo vệ nó khỏi tác động của tia mặt trời và thời tiết khắc nghiệt, mà còn giữ cho bên trong máy bay có nhiệt độ chấp nhận được.

Những bóng ma từ nghĩa địa máy bay có thể thay đổi cán cân lực lượng Nga-Mỹ - Ảnh 2.

Căn cứ không quân Davis-Monthan ở Arizona.

Nhóm bảo dưỡng và phục hồi kỹ thuật 309-I, viết tắt là AMARG, nằm trong khu vực được bảo vệ, không ai có thể đến đây nếu không có thẻ vào, hoặc giấy phép đặc biệt. Vai trò chính của AMARG không phải là cung cấp nguồn phụ tùng thay thế.

Davis-Monthan là kho dự trữ máy bay chiến lược của Mỹ, kể cả quân sự và dân sự. Tại căn cứ này có hàng trăm máy bay ​​chở khách đã phục vụ hết kỳ hạn nhưng khi cần có thể cất cánh bất cứ lúc nào.

Tất nhiên, các loại máy bay chiến đấu vẫn được ưu tiên hơn. Ví dụ, tại AMARG, các tiêm kích F-15 và F-16 được bảo quản theo cách đặc biệt, cho phép chúng sẵn sàng trở lại tham gia chiến đấu trong vòng 72 giờ.

Lựa chọn của Mỹ

Một vài thập kỷ trước đây, khó có thể ngờ rằng AMARG tồn tại như một kho dự trữ máy bay chiến đấu. Trên thực tế, làm sao những "Phantom" cũ kỹ từ thời chiến tranh Việt Nam sánh nổi với máy bay chiến đấu có khả năng cơ động, mang tên lửa và vũ khí như các phi cơ Sukhoi hiện đại nhất?

Tuy nhiên, quan điểm này là dư âm của học thuyết quân sự được thể hiện bằng công thức: "Bom (tên lửa) là thằng ngốc, còn máy bay là tráng sĩ". Theo nguyên tắc này, tối đa hóa khả năng chiến đấu của thiết bị chở vũ khí luôn được nhấn mạnh.

Câu hỏi đặt ra là: Tại sao Mỹ lại đầu tư nhiều thời gian và nguồn lực để chế tạo máy bay tấn công và máy bay ném bom thế hệ mới như F-35 và LRS-B, trong khi có thể tiết kiệm hơn bằng cách treo các tên lửa hiện đại dưới cánh máy bay cũ từ nửa thế kỷ trước?

Ở đây có thể có 2 phương án trả lời. Thứ nhất, mặc dù tên lửa trở nên "thông minh hơn" và có tầm bắn xa hơn nhưng điều đó không diễn ra nhanh tới mức trong tương lai gần có thể sẵn sàng đối phó hiệu quả trước các phi cơ cao cấp hoặc vượt qua hệ thống phòng không đối phương.

Thứ hai, trong khuôn khổ tổ hợp quân sự-công nghiệp Mỹ đang diễn ra cuộc cạnh tranh ngầm giành miếng bánh ngân sách quốc phòng giữa các nhà sản xuất vũ khí và nhà sản xuất phương tiện chuyển tải có người lái.

Hiện tại, cuộc tranh giành này vẫn còn chưa ngã ngũ, vì vậy Mỹ đang phát triển cả hai phương hướng trong khuôn khổ tăng cường tiềm lực không quân của nước này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại