“Vương quốc nhục cảm” gây sốc tại Cannes
Năm 1976, Vương quốc nhục cảm (In the Realm of the Senses) được đạo diễn Nagisa Oshima thực hiện.
Tuy nhiên, bộ phim đã tạo ra một làn sóng phản đối gay gắt tại quê nhà vì những hình ảnh quá táo bạo và trần trụi của nó.
Một cảnh trong "Vương quốc nhục cảm".
Vương quốc nhục cảm kể về Sada Abe –một cô gái điếm đã giải nghệ giờ làm người phục vụ trong khách sạn.
Chủ khách sạn là Ishida gạ gẫm cô và cả hai bước vào mối quan hệ tình cảm mãnh liệt. Ishida đã bỏ vợ và gia đình để theo đuổi Abe. Còn Abe ngày càng muốn sở hữu và chiếm đoạt Ishida một cách cuồng nhiệt.
Trong phim tràn ngập những cảnh làm tình kèm bạo lực.
Hai diễn viên cũng phải phô bày những bộ phận nhạy cảm lên hình. Khán giả tại Nhật Bản cho rằng, Vương quốc nhục cảm không khác gì một bộ phim cấp 3 với những cảnh đầy dung tục.
Phim không được duyệt ở Nhật và phải đưa sang Pháp để in tráng. Nữ diễn viên chính Eiko Matsuda thậm chí còn bị cấm trở về nước và cô đã phải lưu lạc trong suốt 20 năm.
Phim đã gây tranh cãi trong một thời gian dài.
Nhưng bộ phim lại được Cannes chào đón và được chọn để trình chiếu trong khuôn khổ liên hoan phim năm 1976. Vé được bán sạch và 13 suất chiếu đã phải tăng lên để đáp ứng nhu cầu của khán giả tại Pháp.
Sự khác biệt trong cách tiếp nhận của 2 nền văn hóa đã đưa Vương quốc nhục cảm trở thành một trong những đề tài gây tranh cãi.
Nhiều nhà phê bình không chấp nhận sự táo bạo đến mức gây sốc của bộ phim và xếp Vương quốc nhục cảm vào một dạng phim khiêu dâm.
Mãi đến sau này, khi xã hội đã có cái nhìn cởi mở hơn cho vấn đề tình dục, đạo diễn bộ phim Nagisa Oshima mới được nhìn nhận và đánh giá “rộng lượng” hơn cho tác phẩm của mình.
Nhiều đạo diễn danh tiếng trên thế giới từng muốn làm phim đề tài tình dục cho biết, sau khi xem Vương quốc nhục cảm, tất cả đều từ bỏ ý định đó vì biết chắc sẽ không thể vượt qua được Nagisa.
Lịch sử của dòng phim 18+ và sự cởi mở của Cannes
Liên hoan phim Cannes từ lâu đã là điểm đến của rất nhiều bộ phim về đề tài tình dục và bạo lực.
Sự cởi mở của liên hoan phim này đã khiến các nhà làm phim thoải mái trình làng những tác phẩm của phần gây sốc của mình.
Năm 1961, bộ phim Viridiana của điện ảnh Mexico khiến cho Tòa thánh Vatican phải tức giận vì đã xây dựng câu chuyện về một cô gái trẻ trước khi trở thành nữ tu đã có chuyến hành trình không thể tin được tới nhà người chú.
Phía Vatican cho rằng bộ phim là một sự báng bổ khó có thể chấp nhận với những cảnh sex trần trụi cho một người sắp là nữ tu.
Tuy vậy, Viridiana đã giành giải thưởng cao nhất tại Cannes – giải Cành cọ vàng cùng lời khen ngợi của giới chuyên môn.
Hình ảnh nhiều ám ảnh trong "The Tin Drum".
Vài năm sau đó, Cannes lại tiếp tục vinh danh một trong những bộ phim gây nhiều tranh cãi. The Tin Drum đã giành Cành cọ vàng vào năm 1979.
Phim dựa trên cuốn tiểu thuyết nổi tiếng cùng tên của nhà văn Gunter Grass, kể về một cậu bé lùn dị dạng Oskar Matzerath giữ nguyên chiều cao 94cm của tuổi lên 3 cùng những cuộc phiêu lưu ở “thế giới người lớn” giữa bối cảnh một nước Đức thời kỳ hậu Thế chiến thứ Hai đầy đen tối.
Bộ phim đã tạo nên một làn sóng phản đối gay gắt khi ra mắt vì trong phim có những cảnh mô tả hành vi tình dục xuất hiện trong phim một cách trần trụi, đặc biệt lại do một diễn viên nhí thể hiện.
Tại nhiều nơi trên thế giới bao gồm Canada, bang Oklahoma (Mỹ), các ủy ban kiểm duyệt phim luôn truy xét gắt gao, thậm chí cấm công chiếu và tịch thu toàn bộ băng đĩa vì cho rằng bộ phim có tính khiêu dâm trẻ em.
Đến năm 2001, The Tin Drum mới được hợp pháp hóa và công nhận tại bang Oklahoma.
Một cách kinh điển của "Pulp Fiction".
Không chỉ có đề tài tình dục, tại Cannes, những bộ phim bạo lực đẫm máu cũng được nhìn nhận một cách cởi mở hơn.
Như Pulp Fiction của đạo diễn Quentin Tarantino đã nhận Cành cọ vàng vào năm 1994 mặc cho trong phim tràn ngập những cảnh bắn giết đẫm máu theo đúng phong cách của đạo diễn quái chiêu người Mỹ.
Pulp Fiction là tập hợp những câu chuyện tào lao không đầu không cuối nhưng lại khiến khán giả không thể rời mắt, mặc cho xen kẽ trong suốt bộ phim là những cảnh bắn giết và lời thoại không dành cho trẻ nhỏ.
Ở nhiều quốc gia, Pulp Fiction được dán nhãn 18+ vì những cảnh quay thừa sự bạo lực.
"Blue Is The Warmest Color" nhận được những lời khen ngợi.
Năm 2013, Cannes tiếp tục vinh danh một bộ phim có đề tài đồng tính. Blue Is The Warmest Color nhận giải Cành cọ vàng và sự khen ngợi từ phía các nhà phê bình.
Mặc cho trong phim có một phân cảnh quan hệ đồng giới kéo dài tới 10 phút, bộ phim vẫn được các phản hồi "hoàn toàn tích cực".
Nhà báo Justin Chang của tạp chí Variety nói rằng bộ phim ẩn chứa "những cảnh quay về tình dục đồng giới nữ dữ dội nhất mà ông biết gần đây”.
Trong khi đó, Jordan Mintzer của tạp chí Hollywood Reporter cho rằng mặc dù bộ phim kéo dài tới 3 tiếng đồng hồ, nhưng nó "đã thành công bởi sự xoay chuyển táo bạo từ Léa Seydoux đến diễn viên mới Adèle Exarchopoulos, đây thực sự là một sự diễn xuất bứt phá".