1. Biểu tượng "Mặt trời đen"
Trên hành trang của kẻ sát nhân gây ra vụ thảm sát khủng khiếp nhất ở New Zealand trong lịch sử hiện đại có biểu tượng "Mặt trời đen". Biểu tượng này có nguồn gốc từ dân tộc Đức cổ đại, và nó là tham chiếu đến truyền thuyết của Anh Quốc về vua Arthur và các Hiệp sĩ Bàn tròn của ông.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận người Anh và người Đức cổ đại lấy ý tưởng "Mặt trời đen" từ "chữ Vạn" hay Swatika trong các nền văn minh phương Đông.
Biểu tượng này ngày nay có thể được thấy nhiều nơi, trên sàn của một lâu đài châu Âu hay trên một chiếc bàn tròn với những chiếc ghế được đặt xung quanh.
Các "nan hoa" của "Mặt trời đen" ở mỗi điểm trên chiếc bàn tròn hướng vào một chiếc ghế nơi Vua Arthur và các Hiệp sĩ bàn tròn ngồi.
Hành trang của tay súng gây ra vụ xả súng tại New Zealand có thể thấy rõ các biểu tượng "Mặt trời đen".
Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, Lực lượng Đức Quốc xã khét tiếng SS đã tạo ra một "phiên bản truyền thuyết" của chúng và chiếc bàn tròn của Vua Arthur được thay thế bằng chiếc bàn tròn của Lãnh tụ SS Heinrich Himmler và các lãnh đạo SS.
Mặc dù "Mặt trời đen" là một biểu tượng gắn liền với lịch sử của những người thuộc dân tộc Đức cổ đại, và hoàn toàn không phải là biểu tượng của Đức quốc xã giống như "chữ Vạn" nhưng đối với các phong trào tân Quốc xã, chúng tiếp tục sử dụng nó như một công cụ thể hiện sự cực đoan để thay thế "chữ Vạn" hay "Thập ngoặc".
Mặt trời đen có thể thấy trên biểu tượng của chiến đoàn khét tiếng cực hữu AZOV thuộc các lực lượng ATO Ukraina tham chiến tại Novorussia.
2. "Bánh xe Kolovrat"
Ngoài "Mặt trời đen", trên hành trang của kẻ sát nhân ở New Zealand còn có một biến thể khác của biểu tượng "chữ Vạn" là "Bánh xe Kolovrat".
"Bánh xe Kolovrat" có thể thấy trên biểu tượng của Rusich, một nhóm chiến binh tham chiến trong cuộc xung đột tại Novorussia nhưng đứng về phía các lực lượng li khai và đa phần có xuất thân từ các nhóm cực hữu ở Saint Peterburg hay Moscow, Nga.
Ban đầu "Bánh xe Kolovrat" là biểu tượng của Thần tối cao trong Rodnovery - Tín ngưỡng bản địa của người Slav (tổ tiên của người Nga và các dân tộc Đông Âu hiện đại).
Kolo có nghĩa là "bánh xe", và vrat có nghĩa là "nan hoa", Kolovrat có hình thức tương tự như hai "chữ Vạn" chồng lên nhau.
Kolovrat đối với các dân tộc Slav là một biểu tượng của sức mạnh tâm linh xen lẫn phồn thực, đại diện cho chu kỳ sinh tử vô tận, thời gian, mặt trời và lửa, sức mạnh và phẩm giá.
Mỗi vòng quay của bánh xe là một vòng đời trong thế giới của chúng ta. "Bánh xe Kolovrat" và "chữ Vạn" có cùng một ý nghĩa.
Ngày nay, các nhóm cực hữu - băng đảng đầu trọc tại Nga sử dụng "Bánh xe Kolovrat" để thay thế cho "chữ Vạn" với tần suất xuất hiện dày đặc trên các logo và cờ của chúng.
3. "Chữ thập Odin"
Chữ thập Odin hay Thánh giá Celtic, thường được thấy với một chữ thập bao quanh bởi một vòng tròn, là một trong những biểu tượng quan trọng nhất của cái gọi là phong trào "chủng tộc da trắng thượng đẳng" và thường được các nhóm tân quốc xã sử dụng.
Mặc dù thường được gắn với người Celtic (một dân tộc cổ đại sống đa phần ở Ireland), nguồn gốc của nó cũng bắt nguồn từ biến thể của chữ Vạn tương tự "Mặt trời đen" tiền Kitô giáo ở Đức hay "Bánh xe Kolovrat" của người Slav.
Biểu tượng Chữ thập Odin xuất hiện trên thẻ bài của tay súng.
Về hình thức, "Chữ thập Odin" được coi là một biến thể tiếp theo của "Bánh xe Kolovrat" và nó gắn với một vị Thần tối cao theo tín ngưỡng Viking Bắc Âu là thần Odin.
"Chữ thập Odin" trong quá trình Kito giáo thay thế tín ngưỡng Viking Bắc Âu tại Ireland đã trở thành "Thánh giá Celtic".
Nó trở thành một biểu tượng Kitô giáo truyền thống địa phương được sử dụng cho các mục đích tôn giáo cũng như để tượng trưng cho các khái niệm như niềm tự hào dân tộc của người Ireland.
Hầu hết các phiên bản của "Thánh giá Celtic" truyền thống đều có trục dọc kéo dài (thường đi kèm với nút thắt dây thừng kiểu Celtic) giống với các thánh giá Kito giáo khác.
Chữ thập Odin trở thành cực đoan kể từ khi đảng phân biệt chủng tộc 3K (Ku Klux Klan) ở Hoa Kỳ cùng với trang phục mũ trùm đầu trắng dùng để thể hiện sự tấn công chủng tộc vào người da màu.
Còn tại Châu Âu, những kẻ quốc xã Na Uy đã sử dụng một phiên bản dựa trên biểu tượng này trong Chiến tranh thế giới thứ hai.
Sau chiến tranh, một loạt các nhóm và phong trào cánh hữu "chủng tộc da trắng thượng đẳng" đã tái sử dụng biểu tượng này ở Châu Âu và Châu Mỹ.
Rõ ràng từ cổ đại các biểu tượng "Chữ thập Odin" cũng như "chữ Vạn", "Mặt trời đen", "Bánh xe Kolovrat" là các biểu tượng rất phổ biến trong văn hoá truyền thống Châu Âu hay Châu Á và chủ yếu được sử dụng bởi những người không cực đoan.
Nhưng ngày nay chúng được sử dụng với những ý nghĩa hoàn toàn khác ban đầu bởi những kẻ theo chủ nghĩa tân phát xít, các băng đảng đầu trọc, các tổ chức phân biệt chủng tộc, các thành viên 3K và hầu như mọi nhóm cánh hữu khác trên toàn cầu.