Ai Cập luôn là vùng đất ẩn giấu nhiều câu chuyện bí ẩn đáng kinh ngạc trong lịch sử. Trải qua hàng nghìn năm, nền văn minh của "xứ sở kim tự tháp" đã để lại nhiều dấu ấn đậm nét trong lịch sử thế giới, đặc biệt là các biểu tượng.
Được sử dụng nhiều trong các nghi lễ tôn giáo và những buổi tế lễ mang đậm dấu ấn thần thoại, mỗi biểu tượng này đều mang một ý nghĩa huyền bí trong văn hóa của người Ai Cập cổ đại.
Những biểu tượng này có thể giúp người Ai Cập cổ đại giải thích được những sự kiện, hiện tượng hay thay đổi xung quanh cuộc sống của họ một cách đầy bí ẩn.
Dưới đây là những biểu tượng huyền bí của người Ai Cập cổ đại mà không phải ai cũng biết:
1. Ankh – "Chìa khóa của sự sống"
Biểu tượng của sự sống có hình dạng giống chiếc chìa khóa.
Đây là một trong những biểu tượng nổi tiếng quyền lực nhất gắn liền với nền văn minh của Ai Cập cổ đại. Ankh là chữ tượng hình có dáng vẻ gần giống một chiếc chìa khóa, mang ý nghĩa là "cuộc sống", tượng trưng cho sự tồn tại thiêng liêng và vĩnh cửu.
Trong văn hóa của người Ai Cập cổ đại, hầu hết các vị thần trong đền thờ đều cầm một biểu tượng Ankh.
Ankh được coi là biểu tượng có thể mở được cánh cửa địa ngục ở thế giới bên kia.
Ngoài ra, còn có Pharaoh, hoàng hậu được phép mang biểu tượng này vì người ta tin rằng nó sẽ đem lại sức mạnh cho người sở hữu, có thể ban tặng hoặc tước đoạt sinh mệnh của những người khác.
Ở thời cổ đại, người Ai Cập tin rằng "thế giới bên kia" giống như hiện tại, và Ankh là biểu tượng quyền năng có thể mở khóa của cánh cửa địa ngục, đồng thời cũng gợi lên hình ảnh mặt trời mọc nơi chân trời, hàm ý sự tái sinh, mang ý nghĩa của sự sống vĩnh hằng.
Ankh xuất hiện nhiều trong các bức tượng hay phù điêu trong lăng mộ cổ, đền thờ của người Ai Cập cổ đại.
2. Uraeus: Biểu tượng hoàng gia
Uraeus là một con rắn hổ mang đang ngẩng cao đầu, được gắn trên vương miện của các Pharaoh.
Uraeus được sử dụng như là biểu tượng của hoàng gia, vương quyền và thần thánh trong văn hóa của Ai Cập cổ đại.
Thông thường, Uraeus là hình tượng một con rắn hổ mang đang ngẩng cao đầu, và được gắn trên vương miện của các Pharaoh.
Ngoài ra, Uraeus còn được coi là biểu tượng của nữ thần Wadjet, một trong những vị thần đầu tiên mang hình hài của loài rắn ở Ai Cập, người bảo trợ của vùng đồng bằng châu thổ sống Nile ở Hạ Ai Cập. Trong khi đó, nữ thần kền kền Nekhbet là vị thần đại diện cho vùng Thượng Ai Cập.
Điểm thú vị là hiện thân của cả hai nữ thần (rắn hổ mang và kền kền) sẽ cùng được xuất hiện trên vương miện của các pharaoh sau khi Ai Cập thống nhất.
Biểu tượng Uraeus trên chiếc mặt nạ bằng vàng cao quý của Pharaoh Tutankhamun. Ảnh: Internet
Một trong những biểu tượng Uraeus nổi tiếng nhất được tìm thấy là biểu tượng con rắn bằng vàng trong lăng mộ của pharaoh Tutankhamun.
Bên cạnh việc sử dụng để trang trí, Uraeus còn được dùng như một món đồ trang sức, lá bùa hộ mệnh.
3. Con mắt của Horus
Con mắt Horus tượng trưng cho trí tuệ, sự uyên bác và chống lại cái ác.
Horus được coi là một vị thần cổ đại quan trọng nhất trong thần thoại Ai Cập. Bên cạnh đó, Horus còn được gọi là thần mặt trời Ra, vị thần có hình dáng mình người, đầu chim ưng trong văn hóa Ai Cập cổ đại. Horus là con trai của thần Osiris và Isis.
Con mắt của Horus trông giống như mắt của một con chim ưng, tượng trưng cho sự uyên bác, trí tuệ và bảo vệ chống lại cái ác.
Đây là biểu tượng được công nhận rộng rãi như là sự bảo vệ, quyền lực hoàng gia và sức khỏe từ các vị thần.
Mang ý nghĩa của sự tái sinh nên con mắt của Horus cũng thường xuất hiện trong các kim tự tháp, quan tài và xác ướp.
4. Hoa sen: Biểu tượng của Mặt Trời, sự sáng tạo và tái sinh
Hoa sen được coi là biểu tượng của sự tái sinh trong thế giới Ai Cập cổ đại.
Hoa sen thường nở rộ nhiều trên bờ sông Nile. Đối với người Ai Cập cổ đại, hoa sen đại diện cho Mặt Trời, khả năng sáng tạo và sự tái sinh.
Ở Ai Cập có 3 giống hoa sen sinh trưởng, bao gồm sen trắng, sen xanh và sen hồng. Tuy nhiên, hoa sen xanh lại được sử dụng rộng rãi, phổ biến và miêu tả nhiều trong nghệ thuật của Ai Cập cổ đại.
Loại hoa này được khắc họa nhiều trong các công trình kiến trúc cổ đại, đền thờ và lăng mộ ở Ai Cập.
Hoa sen xanh này còn được coi là loại hoa dâng lên Hathor, nữ thần rất quan trọng trong tôn giáo Ai Cập cổ đại, thường được miêu tả là một người phụ nữ, luôn xuất hiện với chiếc đĩa Mặt trời và cặp sừng bò trên đầu.
Hathor là nữ thần của tình yêu, sắc đẹp, khả năng sinh sản, chữa bệnh và tái sinh.
Hoa sen trở thành biểu tượng xuất hiện nhiều trong văn hóa nghệ thuật và cũng có liên kết chặt chẽ tới những nghi lễ trong tang lễ của người Ai Cập cổ đại.
5. Bọ hung: Biểu tượng của sự hồi sinh
Người Ai Cập cổ đại cho rằng bọ hung là đại diện của thần mặt trời Khepri. Ảnh: Internet
Đây là một biểu tượng cực kỳ quan trọng của Ai Cập cổ đại, được thể hiện dưới hình dáng của con bọ hung. Loài vật này thường lăn phân vào ban ngày, đến tối thì tìm cách giấu chúng rồi tới khi trời sáng lại bắt đầu cuộc hành trình.
Có lẽ do ấn tượng, người Ai Cập cổ đại đã ví hình ảnh những con bọ hung lăn phân giống như chuyển động của Mặt Trời trên bầu trời và sự tái sinh hàng ngày.
Điểm tương đồng thú vị với Khepri, vị thần Mặt Trời mang hình tượng con người, nhưng lại có khuôn mặt bọ hung. Khepri được mô tả là vị thần rất cần mẫn, được biểu thị dưới dạng một con bọ hung lăn mặt trời lên vào buối sáng ở phía đông, liên quan tới sự hồi sinh.
Nhiều đồ vật quý giá được khắc họa hình ảnh con bọ hung vì cho rằng mang lại may mắn và sức mạnh cho người sở hữu.
Người Ai Cập cổ đại tin rằng bọ hung là loài vật mang lại sức mạnh và may mắn cho họ, nên biểu tượng về loài bọ cánh cứng này rất phổ biến trong những chiếc bùa hộ mệnh và các đồ trang sức.
Chúng thậm chí còn được khắc vẽ hình trên các đồ vật và đặt trên các xác ướp để chống lại ma quỷ.
6. Djed: Gắn liền với nghi lễ đặc biệt
Bức vẽ trên tường về nghi lễ Djed của người Ai Cập thời cổ đại.
Djed được coi là một trong những biểu tượng quan trọng, thiêng liêng và cổ xưa nhất của văn hóa Ai Cập cổ đại. Tượng trưng cho sự ổn định, phục sinh, Djed gắn liền với Osiris, được coi là vị thần của thế giới bên kia, người cai quản âm phủ.
Biểu tượng Djed có hình dạng giống như một trục thẳng đứng với khoảng 3 thanh ngang trở lên, đóng vai trò quan trọng đối với người Ai Cập cổ đại.
Thời xa xưa ở Ai Cập, người ta còn tiến hành một nghi lễ gọi là "dựng Djed", thường được Pharaoh tổ chức trùng với thời gian bắt đầu mùa vụ trong năm.
Thần Osiris là một trong những vị thần được tôn sùng nhất ở Ai Cập. Ảnh: Internet
Nghi lễ đặc biệt này diễn ra nhằm tưởng nhớ thần Osiris, đại diện cho sự phục sinh của ngài, đồng thời cho thấy sức mạnh và sự vững chắc của Pharaoh.
Bên cạnh đó, người ta còn phát hiện biểu tượng Djed trên những bản khắc chữ tượng hình, ở trên áo quan mang ý nghĩa phục sinh và nhiều công trình kiến trúc cổ.
7. Móc và néo: Biểu tượng bí ẩn, không thể tách rời
Móc và néo là biểu tượng cho sức mạnh và quyền lực hoàng gia. Ảnh: Pinterest
Đây là hai vật thường đi liền với nhau, trở thành biểu tượng cho quyền lực và sự uy nghi của Pharaoh.
Tư thế cầm móc và néo cũng được cho là mang những ý nghĩa khác nhau. Cụ thể, nếu tư thế cầm móc và néo bắt chéo hai cánh tay vào nhau ở trước ngực thì biểu thị cho cái chết và sự tái sinh.
Trong khi đó, nếu cầm thẳng móc (tay phải) và néo (tay trái) ở trước mặt thì lại biểu trưng cho sự phán xét, thường được mô tả gắn liền với Anubis, vị thần Cõi âm và là người phán xét trong phiên tòa Maat.
Anubis, vị thần linh thiêng của Ai Cập cổ đại. Ảnh minh họa
Hai linh vật này được cho là mang thông điệp về sự thông thái, uy nghiêm và kỷ cương của một người lãnh đạo.
Biểu tượng móc và néo thiêng liêng trên quan tài bằng vàng của Pharaoh Tutankhamun. Ảnh: Wikipedia
Chúng ta cũng nhìn thấy biểu tượng móc và néo trên chiếc quan tài bằng vàng của Pharaoh Tutankhamun sau khi các nhà khảo cổ tìm thấy lăng mộ vào những thập niên đầu của thế kỷ 20.
Tham khảo ảnh/nguồn: Ancientcode, Ancientpages