Trong cuốn sách, Donovan khẳng định: “Tôi phát hiện ra rằng nhiệm vụ Mặt Trăng Apollo 11 còn nguy hiểm hơn nhiều so với tưởng tượng”.
“Khi Máy tính Dẫn đường của Apollo - với chỉ 72kB bộ nhớ và có tốc độ xử lý thấp hơn hàng triệu lần so với một điện thoại thông minh ngày nay - bắt đầu phát còi báo động ở khoảng cách 12 km, những người điều khiển phải có can đảm lớn thế nào để không hủy bỏ nhiệm vụ”.
Từ trái qua, phi hành đoàn Apollo 11: Neil Armstrong, Michael Collins và Buzz Aldrin.
Trong quá trình nghiên cứu để viết nên cuốn sách, Donovan phát hiện ra rằng có rất nhiều phương án dự phòng đã được vạch ra trong trường hợp mọi việc diễn ra không như kế hoạch.
Chuyến bay Apollo 11 tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.
Phi công Mô-đun Điều khiển Michael Collins lo lắng về rất nhiều thứ có thể xảy ra khi Mô-đun Mặt Trăng có tên Eagle tách khỏi mô-đun Columbia và trở lại sau đó khoảng 1 ngày.
Trên thực tế, có không dưới 18 kế hoạch xử lý nếu việc ghép nối không thành công.
Một trong số chúng nêu rõ Collins phải trở lại Trái Đất và để lại 2 thành viên kíp lái ở Mặt Trăng.
Donovan cho biết: “Collins cực kỳ lo lắng về việc có thể không cứu được 2 đồng đội của mình và phải trở lại Trái Đất, đồng nghĩa với việc họ sẽ bị chết vì thiếu dưỡng khí trên Mặt Trăng”.
Để chắc chắn, Collins có 1 quyển số ghi lại 18 phương án khẩn cấp và kẹp vào bộ đồ phi hành gia để tiện lấy ra.
Buzz Aldrin có khát khao cháy bỏng được trở thành người đầu tiên đặt chân lên Mặt Trăng.
Khi làm nhiệm vụ, Collins cho biết ông “ướt đẫm mồ hôi” khi bay ngang qua mô-đun Mặt Trăng và đợi Neil Armstrong và Buzz Aldrin ghép nối.
Ông sợ rằng rằng nếu phải trở lại Trái Đất một mình, ông sẽ bị toàn bộ công chúng căm thù.
NASA hiển nhiên biết rõ những rủi ro của nhiệm vụ Mặt Trăng. William Safire, người soạn diễn văn cho tổng thống Richard Nixon, đã viết sẵn một bài phát biểu đề phòng trường hợp xấu nhất.
“Định mệnh đã an bài rằng những con người dũng cảm lên khám phá Mặt Trăng sẽ an nghỉ vĩnh hằng tại đó”. Một trích đoạn trong bài phát biểu viết.
Đáng ngạc nhiên thay, trong công tác chuẩn bị của họ, các quan chức NASA đã không lường trước được tầm quan trọng của việc trở thành người đầu tiên đặt chân lên Mặt Trăng vào ngày 21 tháng 7 năm 1969.
Trên thực tế, Buzz Aldrin cực kỳ muốn trở thành người đầu tiên ghi dấu chân trên Mặt Trăng. Aldrin và người cha là Edwin Aldrin Snr đã tìm mọi cách vận động hành lang để được chọn làm người đầu tiên.
“Buzz Aldrin thông minh nhưng rắc rối”, Donovan cho biết. “Các phi hành gia khác và vợ của họ rất sợ phải ngồi nghe ông ấy luyên thuyên về cơ học quỹ đạo hàng giờ liền”.
Aldrin là người hướng nội và chính ông cũng thường nhận rằng ông không phối hợp tốt với những người khác. “Armstrong và Aldrin dành hàng trăm giờ cùng nhau trong buồng giả lập mô-đun Mặt Trăng. Nhưng khi nghỉ giải lao, họ yên lặng một cách kỳ lạ. Các đội Apollo khác thường nói chuyện và trêu đùa đồng đội của mình trong giờ nghỉ, Armstrong và Aldrin lại ít khi nói chuyện với nhau và các giám sát viên tưởng họ đã ngủ gật”.
Có thể khi đó Aldrin đang mải suy nghĩ về việc được trở thành người đàn ông đầu tiên bước đi trên Mặt Trăng.
Cuối cùng, Neil Armstrong mới là người được NASA lựa chọn.
Donovan cho biết vào ngày 26 tháng 2 năm 1969, 6 tuần sau khi đội Apollo 11 được lựa chọn, một “quan chức cấp cao của NASA” tiết lộ với tờ Chicago Daily News rằng Buzz Aldrin có thể trở thành người đầu tiên.
Các tờ báo trên cả nước thi nhau đưa tin về vận may của Aldrin, nhưng chỉ 9 ngày sau, NASA lại đổi ý.
Trong một buổi họp báo, Sam Phillips, giám đốc dự án Apollo cho biết: “Chúng tôi vẫn chưa đưa ra quyết định. Khi Aldrin nghe được tin đồn Armstrong đã được chọn, ông ấy không hề vui vẻ và quyết định hỏi thẳng Armstrong về việc này”.
Theo Aldrin, Neil đã “quanh co trong 1 phút và với sự bình tĩnh lạ lùng anh ta cho biết quyết định này rất quan trọng và anh ta không phủ nhận khả năng mình đã được lựa chọn”.
Aldrin còn hỏi thăm cả Tom Stafford, chỉ huy Apollo 10, người cũng có chân trong quá trình lên kế hoạch Apollo 11.
Aldrin nhất quyết muốn được trở thành người đầu tiên rời khỏi Mô-đun Mặt Trăng. “Ông ấy vận động hành lang một cách bí mật sau khi biết được Neil Armstrong, người vốn trầm tính và bình tĩnh trước áp lực, đã được chọn là người đầu tiên. Khi Aldrin biết được Neil được chọn chỉ vì có thâm niên cao hơn, Aldrin cảm thấy không hài lòng vì sự mập mờ này”, Philipps nói.
May mắn thay, chuyến bay lịch sử của con người đã thành công tốt đẹp.
Trong cuộc họp báo của NASA vào ngày 14 tháng 4, Neil Armstrong chính thức được trao nhiệm vụ là người đầu tiên đặt chân lên Mặt Trăng.
Dù ra vẻ bình thản trước công chúng, thâm tâm của Buzz lại “hoàn toàn sụp đổ”, theo lời kể của người vợ.
Mặc dù các phi hành gia khác không quan tâm nhiều đến Aldrin, họ cực kỳ khâm phục tư duy khoa học của ông.
Trong quá trình viết cuốn sách của mình, Donovan đã trực tiếp phỏng vấn Aldrin. “Aldrin cho biết khi ông ấy chuẩn bị rời khỏi Mô-đun Mặt trăng để gặp Armstrong, ông đã vô tình làm hỏng một cái cầu dao.
Nó rất quan trọng, động cơ phản lực chỉ có thể hoạt động khi nó được kích hoạt. Ông ấy cho biết nó chỉ là một miếng nhựa dẻo, buổi sáng hôm sau, ông ấy sử dụng một chiếc bút bi để đẩy phần còn lại của chiếc cầu chì vào trong”.
Nếu mọi chuyện không diễn ra suôn sẻ, điều mà Michael Collins lo sợ nhất có thể đã xảy ra.