Những bệnh cần đề phòng khi bị đau lưng

Lê Mỹ Giang (theo prevention.com) |

Đau lưng là một biểu hiện thường gặp ở nhiều người. Sẽ không có gì đáng ngại nếu triệu chứng này được cải thiện khi dùng thuốc giảm đau thông thường.

Tuy nhiên, nếu bị đau lưng liên tục thì rất có thể bạn đã mắc một bệnh lý nào đó nghiêm trọng... Vậy những bệnh lý nào cần đề phòng khi bị đau lưng.

Phình động mạch chủ

Phình động mạch xảy ra khi một phần của động mạch suy yếu, cho phép nó mở rộng bất thường hoặc phình ra ngoài.

Động mạch chủ bao gồm động mạch chủ ngực (phần nằm trong lồng ngực) và đi xuống phía bụng gọi là động mạch chủ bụng.Hầu hết phình động mạch chủ xảy ra ở bụng nhưng vẫn có thể gặp ở ngực.

Trong cả hai trường hợp, nếu phình động mạch chủ bị vỡ thường gây đau lưng. Đây là một tình trạng xảy ra đột ngột nhưng nghiêm trọng, cần được cấp cứu khẩn trương vì có thể dẫn đến chảy máu nội tạng và đe dọa tính mạng.

Phình động mạch chủ gặp nhiều nhất ở nam giới trên 60 tuổi hút thuốc lá hoặc có cholesterol máu cao.Tuy nhiên, bất cứ ai bị đau đớn ở bụng hoặc lưng mà không giảm thì cần tìm sự chăm sóc y tế ngay lập tức.

Những bệnh cần đề phòng khi bị đau lưng - Ảnh 1.

Phình động mạch chủ bụng gây đau lưng.

Viêm ruột thừa

Không phải ai bị viêm ruột thừa đều có các biểu hiện kinh điển như buồn nôn, nôn mửa và đau nhức ở vùng bụng dưới bên phải mà còn có thể bị đau ở các vị trí khác, chẳng hạn như đau lưng. Nguyên nhân là do đặc điểm giải phẫu của từng người.

Thông thường, ruột thừa thường nằm ở bụng dưới bên phải nhưng có khoảng 15% trường hợp có ruột thừa nằm ở phía lưng, gần thận.

Vì vậy, khi ruột thừa bị viêm hoặc vỡ, họ có thể bị đau lưng dưới thay vì đau bụng như thường thấy.

Do đó, bất cứ khi nào bạn nghi ngờ có viêm ruột thừa, hãy nhanh chóng đi khám, vì ruột thừa bị viêm có thể vỡ ra trong thời gian dưới 24 giờ sau khi các triệu chứng bắt đầu.

Nếu nhiễm trùng nghiêm trọng có thể cần phẫu thuật cắt bỏ để tránh tái phát và các tình trạng nghiêm trọng về sức khỏe khác.

Các vấn đề của chị em

Có rất nhiều lý do cho thấy phụ nữ có thể bị đau lưng. Ví dụ, 25% chị em có tử cung ngả sau và các trường hợp này khi đến kỳ “đèn đỏ” thường cảm thấy đau lưng dưới thay vì đau ở bụng dưới.

Hiếm khi, u xơ cũng có thể gây ra đau lưng nếu nó nhấn vào cơ và dây thần kinh của lưng dưới.

Đau lưng cũng có thể là một triệu chứng của lạc nội mạc tử cung , một bệnh phụ khoa được đặc trưng bởi sự hiện diện của mô nội mạc tử cung (bình thường phủ mặt trong của xoang tử cung) ở ngoài tử cung, thường là trong vùng chậu và trong bụng.

Đối với các trường hợp này, chị em cần đến gặp bác sĩ phụ khoa trước tiên để được tư vấn và điều trị. Một số người chỉ cần giảm đau bằng chườm nóng và thuốc chống viêm không steroid (NSAID) khi cơn đau bắt đầu nhưng trong một số trường hợp khác có thể cần dùng thuốc theo chỉ định hoặc phẫu thuật.

Loãng xương

Loãng xương được đặc trưng bởi mật độ xương thấp, thường được coi là bệnh im lặng vì không có triệu chứng gì.

Nhưng theo một báo cáo gần đây của Mỹ, khi loãng xương trở nên trầm trọng làm gãy xương cột sống sẽ khiến đau lưng xảy ra dữ dội mà không biến mất, mặc dù đôi khi đau đớn giảm xuống.

Do vậy, nếu bạn bị đau ở lưng trên hay lưng giữa hoặc nếu bạn bị “thấp đi” rõ rệt trong năm qua thì nên khám bác sĩ chuyên khoa cơ - xương - khớp vì bạn có thể cần sử dụng thuốc để giảm nguy cơ gãy xương trong tương lai.

Viêm khớp

Bất kỳ phần nào của lưng cũng có thể bị ảnh hưởng bởi chứng viêm khớp, đặc biệt là phần lưng dưới bởi vì nó phải chịu tải trọng lượng cơ thể nhiều hơn.

Có rất nhiều loại viêm khớp có thể dẫn đến đau, cứng và sưng nhưng viêm xương khớp (Osteoarthritis- OA) là phổ biến nhất.

Nếu bạn bị viêm khớp, có rất nhiều cách điều trị để lựa chọn bao gồm sử dụng thuốc giảm đau, thuốc chống viêm, trị liệu bằng nhiệt và lạnh, liệu pháp vật lý, và thậm chí cả những thay đổi về chế độ ăn uống nhưng phải có sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.

Sỏi thận

Phần lớn các trường hợp sỏi thận hình thành do lượng nước quá ít (từ việc mất nước do uống ít nước hoặc tập thể thao quá sức), sự thừa khoáng tinh thể trong nước tiểu hoặc mức khoáng chất phân nhỏ hơn mức bình thường trong nước tiểu, nhưng cũng có thể ở trong thận, bàng quang hay niệu đạo.

Thông thường, khi bị sỏi thận thường có cảm giác đau nhức, buốt mỏi lưng, hông, thắt lưng. Đau xảy ra theo từng cơn, giai đoạn đầu đau trầm trọng, sau đó sẽ giảm bớt trong vài giờ rồi lại tiếp tục một cơn đau khác.

Ngoài đau còn có các triệu chứng khác như máu trong nước tiểu, buồn nôn, nôn mửa và sốt.

Sỏi thận là một lý do rất thường gặp tại phòng cấp cứu, do đó dù có đau lưng hay không, bạn nên tìm sự chăm sóc y tế ngay nếu bị sốt trên 38,5 độ C; nóng rát trong khi đi tiểu, nước tiểu đục, buồn nôn và nôn kéo dài hoặc đau không chịu nổi.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại