Facebook, Google hay Liên Hiệp Quốc...đều là những nơi làm việc tuyệt vời mà rất rất nhiều bạn trẻ trên toàn thế giới mong ước được góp tên vào danh sách nhân viên của họ.
Thế nhưng, 3 bạn trẻ Việt dưới đây lại quyết định từ chối công việc đầy hấp dẫn ấy để tập trung vào con đường, sự nghiệp của riêng mình.
Hành động của họ khiến mọi người không khỏi bất ngờ và cũng rất ngưỡng mộ, bởi họ hẳn phải là những người rất tài năng, bản lĩnh mới đưa ra quyết định ấy.
Cô gái trẻ với mong ước phát triển dự án giáo dục của riêng mình
Gương mặt trẻ đầu tiên được nói đến ở đây là cô gái Tôn Nữ Tường Vy (SN 1990), là cựu sinh viên ĐH Mở, TP. Hồ Chí Minh.
Từ khi còn là sinh viên, Tường Vy luôn miệt mài săn tìm những cơ hội để tham gia các khóa tập huấn, các hội thảo...với ước mơ được đi du học.
Năm 2011, cơ hội đó đã tới với Vy khi cô là sinh viên Việt Nam duy nhất tham dự World Innovation Summit for Education - Hội nghị Thượng đỉnh về Đổi mới Giáo dục quốc tế tại Qatar.
Đến năm 2013, Vy xuất ngoại 6 lần để tham gia các chương trình hội thảo, hội nghị, làm tình nguyện viên quốc tế ở Thái Lan, Malaysia, Indonesia và Nhật Bản.
Cô gái Tôn Nữ Tường Vy.
Đặc biệt, chuyến đi tới Thái Lan theo lời mời của giáo sư Mahidol đã để lại cho Vy nhiều ấn tượng khó quên nhất. Ở chuyến đi ấy, Vy cũng là sinh viên duy nhất tham dự hội nghị cùng với rất nhiều quan chức, lãnh đạo tôn giáo... đến từ Đông Nam Á, Trung Đông, Âu Mỹ.
Không chỉ thu về nhiều kiến thức, kinh nghiệm bổ ích, mà ở những hội thảo này, cô còn chứng tỏ được tài năng và bản lĩnh của mình khiến bạn bè quốc tế yêu mến, nể phục.
Chẳng thế mà, cô gái nhỏ bé ấy đã nhận được lời mời hấp dẫn đó là 1 suất làm việc tại Cao ủy Liên Hiệp Quốc về Người tị nạn. Thế nhưng, sau 1 thời gian dài suy nghĩ, Tường Vy đã từ chối cơ hội mà nhiều bạn trẻ mong ước để dành thời gian cho cho dự án giáo dục của mình.
Chia sẻ trên trang cá nhân, Tường Vy có viết: "Yếu tố cao nhất vẫn là: "Việc mình làm có giá trị ở mức nào cho người khác?"
So với cái danh cá nhân làm cho UN ở nước ngoài, thì mình thấy giúp người trẻ Việt Nam về mặt giáo dục vẫn có giá trị hơn. Hy vọng con đường mình chọn là đúng".
Chàng trai Việt từ chối 2 ông lớn Google và Facebook
Chàng Trai ấy có tên là Nguyễn Đăng Minh Thảo, người từng hai lần tốt nghiệp thủ khoa (trường cấp 2 và cấp 3) tại Mỹ, nhận học bổng toàn phần của nhiều trường đại học và sau đó anh đã chọn Đại học danh tiếng Stanford.
Đạt được những thành tích học tập xuất sắc, Minh Thảo trở thành gương mặt trẻ vinh dự nhận được bằng khen của Tổng thống Mỹ - "Presidential Award".
Không chỉ dừng lại ở đó, với hai tấm bằng cử nhân Toán và Công nghệ thông tin, cậu còn được 2 "ông lớn" là Google và facebook mời về làm việc.
Nhưng vì ước mơ theo đuổi sự nghiệp của riêng mình nhen nhóm từ khi còn là cậu học sinh cấp 3, Minh Thảo đã quyết định từ chối những lời mời hấp dẫn ấy.
Ý tưởng phát triển sự nghiệp riêng của Minh Thảo chính là việc muốn kết nối mọi người lại với nhau, đó là những kết nối thực sự chứ không phải là kết nối ảo.
Chàng trai Nguyễn Đăng Minh Thảo.
Minh Thảo sáng lập ra công ty Frenvent. Đó là một phần mềm giúp các bạn trẻ có thể kết nối với nhau thông qua các sự kiện, giúp các bạn trẻ có cùng sở thích, đam mê có thể tìm đến nhau thông qua những sở thích chung về các sự kiện.
Thảo cũng tham gia trong ban cố vấn cho SibLinks - một phần mềm giáo dục hỗ trợ kiến thức và kĩ năng sống cũng như chuẩn bị hồ sơ xin học đại học cho các học sinh phổ thông trung học tại Mỹ.
Bên cạnh đó, anh chàng 9X còn là nhà đồng sáng lập nên Magpie, một công ty công nghệ với mục tiêu tạo ra một mạng lưới những nhà du lịch trên toàn thế giới.
Khởi đầu với nhiều khó khăn và bỡ ngỡ, thế nhưng chỉ sau hơn 1 năm thành lập, công ty của Minh Thảo đã bước đầu gặt hái được thành công và nhận được nhiều đánh giá cao từ phía các nhà đầu tư Mỹ.
Chàng trai Việt khiến Google phải 3 lần viết thư mời
Phạm Hy Hiếu - chàng trai sở hữu một bảng thành tích dài dằng dặc khiến người ta không khỏi trầm trồ, ngưỡng mộ và hiện đã tốt nghiệp đại học danh tiếng, Stanford với bằng danh dự. Phạm Hy Hiếu có thể sử dụng tiếng Anh, Pháp, Đức và 1 chút tiếng Trung Quốc.
Bạn có tin được không, anh chàng tài năng và cá tính này đã từng không ngần ngại chỉ trích Google chỉ bởi "gã khổng lồ" công nghệ tỏ ra thiếu tôn trọng đối với các ứng viên của họ.
Sự thiếu tôn trọng đó, theo Hiếu, được thể hiện trong các câu hỏi phỏng vấn thiếu đầu tư trau chuốt, cũng như trong những chính sách khiến cho nhiều ứng viên giỏi bị loại mà không rõ lý do.
Hiếu cũng không ngại từ chối Apple, Facebook, Microsoft cùng mức lương cả trăm nghìn USD mỗi năm, thậm chí Apple còn cho phép Hiếu được mua các sản phẩm của công ty với giá 25% ưu đãi suốt đời.
Hiếu từ chối tất cả những lời mời quá hấp dẫn chỉ bởi anh muốn cống hiến, muốn theo đuổi những đam mê, nghiên cứu của mình.
Phạm Hy Hiếu tại Google Mỹ.
Còn riêng với Google, khi còn là sinh viên năm thứ 3, Hiếu đã được Google mời thực tập lần đầu tiên, nhưng anh từ chối. Sau khi Hiếu tốt nghiệp, Google lại ngỏ lời mời anh làm chính thức, anh vẫn từ chối.
Mỗi lần từ chối Google, Hiếu lại gửi một tâm thư cho công ty, chỉ ra các điểm anh cho là vô lý trong chính sách tuyển dụng của họ.
Đến tháng 3/2016, Google lần thứ 3 ngỏ lời mời Hiếu vào làm tại Google Brain – nhóm nghiên cứu chuyên phát triển các thuật toán Trí tuệ nhân tạo trên dữ liệu lớn.
Khi được thông báo tuyển dụng, điều đầu tiên anh hỏi Google là "Hiện giờ Google tuyển thực tập sinh như thế nào?"- 1 câu hỏi không hề liên quan tới công việc hay chuyện lương lậu mà nhiều người vẫn nghĩ.
Sau khi biết Google đã thay đổi chính sách, bỏ đi những điều mà trước đây Hiếu cho rằng vô lý, anh đã nhận lời công ty.
Tuy nhiên Google sẽ không phải điểm dừng chân quá lâu của Hiếu bởi những ước mơ, những dự định vẫn còn "cháy" trong anh.
Có lẽ vì thế mà sau 1 năm làm việc ở Google, Hiếu sẽ bước vào chương trình Tiến sĩ của ĐH Carnegie Mellon (CMU) với học bổng toàn phần.