Những bài học cần rút ra sau cái chết của bé trai rơi xuống trụ bê tông

ĐỨC TUYÊN tổng hợp |

Phép màu mà hàng triệu người hy vọng đã không đến với em Thái Lý Hạo Nam, 10 tuổi, bé trai rơi xuống trụ bê tông. Hàng ngàn bạn đọc đã tiếc thương cho cháu, đồng thời đặt vấn đề về công tác cứu hộ cũng như sự an toàn của công trình đã đảm bảo chưa?

Những bài học cần rút ra sau cái chết của bé trai rơi xuống trụ bê tông - Ảnh 1.

Hiện trường giải cứu bé trai rơi xuống trụ bê tông tại công trường cầu Rọc Sen - Ảnh: MINH KHANG

Lúng túng ngay từ đầu

Vụ việc thương tâm bé trai rơi xuống trụ bê tông trên xảy ra tại công trình cầu Rọc Sen (đường tỉnh 857, xã Phú Lợi, huyện Thanh Bình, Đồng Tháp). Rất nhiều bạn đọc cho rằng công tác cứu hộ quá chậm, không đưa ra được phương án khả thi nhất để cứu cháu Hạo Nam trong giai đoạn đầu.

Một lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp cũng đã thừa nhận ban đầu địa phương có lúng túng tính toán thực hiện theo phương án tại chỗ giải cứu cháu bé. Sau đó thấy khó khăn nên tỉnh mới có văn bản gửi Quân khu 9, các bộ, ngành báo cáo xin trung ương hỗ trợ.

"Quá yếu kém, ngay từ đầu tính phương án giải cứu thì đã phải biết nền đất khoan xuống là đất cứng rồi chứ (cái này đến thợ hồ, sinh viên học xây dựng cũng biết), đâu phải khoan xuống 25-30m rồi mới đánh giá đất cứng và thay phương án khác", bạn đọc Thanh Hồng đưa ra ý kiến.

Tương tự, bạn đọc Nguyễn Bá Thành cũng bày tỏ: Ngay từ đầu nếu chính quyền trưng cầu ý kiến của các chuyên gia về ngành địa chất, cứu hộ và mời họ tham mưu thì chắc chắn sẽ hoàn thành việc cứu hộ cháu bé sớm hơn rồi.

Cũng cho rằng chúng ta chưa đánh giá hết tình hình ngay từ ban đầu, bạn đọc Hữu Viên viết:

"Sai lầm ngay từ ban đầu là lực lượng cứu hộ đã không khảo sát tình hình sức khỏe của cháu cũng như đánh giá hết những tình huống có thể xảy ra nhằm có phương án cứu hộ khả thi nhất".

Cùng chung ý kiến, theo bạn đọc Hoài Xa, cháu bé bị rơi xuống được trong lòng cọc thì sẽ kéo lên được. Thế nhưng cần phải làm nhanh trong lúc đầu. Phải soi chiếu và kẹp kéo lên ngay trong ngày đầu thì may ra cháu còn sống.

Ngay phương án đặt ống lồng ngoài rồi khoan đất làm giảm áp lực nhằm đưa trụ cột bên trong lên cũng mất rất nhiều thời gian và công sức vì sau khi khoan phải lấy đất, hút bùn cát ra.

"Rất tiếc thương cho bé và thật sự thất vọng với tiến độ xử lý sự cố quá chậm này", bạn đọc Vinh có ý kiến thêm.

Cùng chung ý kiến, bạn đọc Trần Minh Trung viết: "Qua vụ việc này mới bộc lộ năng lực, kỹ năng cứu hộ cứu nạn những trường hợp đặc biệt của chúng ta còn yếu kém".

"Ngoài ra, công tác bảo đảm an toàn của các công trường đang thi công thực sự đáng báo động. Các cháu nhỏ có thể ra vào công trường một cách tự do và xảy ra tai nạn chết người vậy thì đơn vị thi công phải chịu trách nhiệm như thế nào?", bạn đọc Trần Minh Trung đặt vấn đề.

Đơn vị thi công chưa đảm bảo an toàn

Những bài học cần rút ra sau cái chết của bé trai rơi xuống trụ bê tông - Ảnh 2.

Việc khoan lòng đất, bên cạnh nơi bé trai rơi xuống trụ bê tông , đang được thực hiện thận trọng với hy vọng cứu sống nạn nhân - Ảnh: TIẾN TRÌNH

Bày tỏ sự tiếc thương bé Hạo Nam - bé trai rơi xuống trụ bê tông, bạn đọc Nhân phản hồi trên Tuổi Trẻ Online: "Mọi người đều cố gắng hết sức, nhưng không có kỳ tích. Xin chia buồn cùng gia đình và tiếc thương trước sự ra đi của cháu.

Qua nhiều vụ các cháu bé rơi xuống trụ bê tông, xuống hố gần đây, tôi thiết nghĩ cơ quan cứu hộ cứu nạn nên làm một thiết bị chuyên dùng để kẹp, móc, nhỏ gọn, điều khiển qua dây cáp máy, kèm theo ống khí, đèn, camera… để nhanh chóng thả xuống cứu người. Có thể nghĩ ra nhiều trường hợp xấu để thiết kế phù hợp kích cỡ và công dụng".

Ngoài việc tiếc thương cháu Hạo Nam , bạn đọc Trần Văn Thành còn cho rằng cần phải điều tra sự tắc trách, để xảy ra sự việc đáng tiếc này. Chính việc đơn vị thi công không che, bịt đầu ống nên đã dẫn đến sự việc đau lòng trên.

"Những công trình thường khi đóng cọc xuống xong người ta sẽ dùng bao cát chắn trên mặt hoặc dùng vật cứng che chắn bên trên. Không ai mà để trống như vậy. Giờ là lúc cần xem xét trách nhiệm đối với đơn vị thi công", bạn đọc Hương bức xúc.

Nhìn ở góc độ bao quát hơn, bạn đọc Diễm My đặt vấn đề: Liệu có ai đó đặt câu hỏi tai nạn này có đáng xảy ra hay không? Nếu đơn vị thi công có trách nhiệm hơn là hàn miệng cọc ngay sau khi đóng xong thì liệu có tai nạn xảy ra?

Công tác cứu hộ đã kịp thời chưa khi mà thời gian quý báu cứ trôi đi. Sau đó phải có công điện của Thủ tướng thì đông đảo nhân lực cứu hộ mới vào cuộc triển khai.

"Tại sao phải Thủ tướng ra công điện mới khẩn trương huy động nhân lực và trang thiết bị. Tôi suy nghĩ về tính chủ động cứu người trước hay thụ động chờ chỉ đạo ở đây. Tôi cho rằng trước nguy cơ về tính mạng con người thì cần hành động hơn là quy trình trình báo, xin ý kiến, đợi chỉ đạo.

Cuối cùng, sau tai nạn này, chúng ta học được gì để hành động tốt hơn cho những trường hợp tương tự?", bạn đọc My phản hồi qua những dòng viết.

Bạn có suy nghĩ và ý kiến gì về vấn đề trên? Theo bạn, công tác cứu hộ đã bộc lộ những vấn đề gì? Trách nhiệm của đơn vị thi công ra sao khi để xảy ra tai nạn thương tâm trên?

Mọi phản ảnh, góp ý, hiến kế... kính mời bạn gởi đến Tuổi Trẻ Online qua phần BÌNH LUẬN dưới bài viết hoặc địa chỉ email: [email protected]. Cảm ơn bạn!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại