Những bà mẹ vừa nuôi con một mình vừa chống chọi bệnh suy thận ở vùng cao Quảng Trị

Đức Tài |

Mỗi ngày, họ cắn răng chịu đựng những cơn đau do bệnh tật mang đến để lên rẫy, đi làm thuê kiếm tiền lo cho cuộc sống, cho con cái ăn học, chi phí về phố chạy thận.

Nỗi buồn chồng chất

Cơn mưa chiều làm trời trở lạnh, làn sương từ đỉnh núi chảy xuống che khuất khu tái định thôn Húc Nghì (huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị).

"13 năm trước, sau trận lũ lịch sử, nhà cửa, ruộng vườn của người dân bị cuốn trôi hoàn toàn, họ phải đến khu tái định cư này sống. Dù có nơi ở mới nhưng nhiều năm qua cuộc sống bà con còn rất khó khăn, cái nghèo, bệnh tật vẫn bám lấy họ", ông Hồ Văn Phin - chủ tịch UBMTTQ Việt Nam xã Húc Nghì chia sẻ.

Những bà mẹ vừa nuôi con một mình vừa chống chọi bệnh suy thận ở vùng cao Quảng Trị - Ảnh 1.

Hai cánh tay của chị Phăn nổi nhiều u cục, khuôn mặt hốc hác do bệnh suy thận gây ra. Ảnh: Đức Tài

PV vào thăm gia đình chị Hồ Thị Phăn (38 tuổi, thôn Húc Nghì), người nhiều năm qua vừa chống chọi với bệnh suy thận, vừa một mình nuôi ba con nhỏ.

Chị Phăn kể, cuối năm 2017 sau khi sinh con út thì chị mắc phải một căn bệnh lạ, toàn thân bị liệt phải vào bệnh viện TP Huế thăm khám, điều trị. Gần ba tháng điều trị, sức khỏe chị dần hồi phục và có thể tự đi lại được. Bệnh tình tiến triển tốt, cứ nghĩ sẽ sớm về nhà thì chị lại nhận được tin bản thân mắc phải căn bệnh suy thận.

Những bà mẹ vừa nuôi con một mình vừa chống chọi bệnh suy thận ở vùng cao Quảng Trị - Ảnh 2.

Hơn ba năm qua, một mình chị Thủy phải nuôi, chăm lo cho ba người con nhỏ. Ảnh: Đức Tài

Nỗi buồn, sụ âu lo chưa dứt, chị nhận được điện thoại của con gái với giọng nói thất thần: "Ba bỏ mình đi rồi" khiến chị như chết lặng.

"Lúc ấy mình suy sụp hoàn toàn, con mới sinh, gia đình khó khăn giờ lại lo thêm tiền điều trị, thuốc mem. Bản thân mình không nghĩ người đàn ông sống với nhau bao nhiêu năm giờ lại bỏ đi trong lúc gia đình khó khăn nhất", chị Phăn tâm sự.

Đã 5 năm qua, đều đặn một tuần hai lần chị Phăn lại phải thành phố chạy thận. Căn bệnh khiến hai tay chị nổi nhiều u cục, cơ thể ốm yếu, khuôn mặc hốc hác. Hằng ngày chị lại phải dậy từ sớm nấu rượu gạo rồi mới bắt đầu mang gùi lên rẫy làm việc.

Những bà mẹ vừa nuôi con một mình vừa chống chọi bệnh suy thận ở vùng cao Quảng Trị - Ảnh 3.

Chị Phăn ôm người con út, hy vọng các con sau này sẽ thành công, sống tốt. Ảnh: Đức Tài

"Lúc trước mới bị bệnh người còn khỏe, lên rẫy trồng lúa, bắp cũng được. Vài năm nay sức khỏe yếu dần, những cơn đau kéo đến liên tục đành phải ở nhà. Ngày nào ai gọi đi làm cũng nén đau để đi, không thì ở nhà nấu rượu, chăn con gà, con lợn mới có tiền được", chị Phăn nói.

Gia đình chị Phăn có 3 người con, đứa lớn đang là sinh viên một trường đại học tại TP Đà Nẵng, con trai thứ năm nay 18 tuổi và đứa con út 5 tuổi. Thương mẹ bệnh tật phải làm lụng vất vả, không người đưa đón khi đi chạy thận, em Hồ Văn Khương (con trai thứ chị Phăn) quyết định gác lại việc học nghề ở thành phố, về nhà đi làm thuê phụ giúp mẹ, đưa đón mẹ về viện chạy thận.

"Thấy con lam lũ sáng hôm đi làm cũng thương. Chỉ mong những cơn đau ít lại, sức khỏe ổn định hơn để có thể đi làm nuôi các con. Hy vọng con gái sau khi ra trường có thể tìm được việc giúp đỡ các em, lo cho em đi học để tiếp tục theo đuổi ước mơ của mình", chị Phăn tâm sự.

"Nén đau" để nuôi con

Cũng một mình nuôi ba con nhỏ, cuộc sống của chị Hồ Thị Thủy (36 tuổi, thôn Húc Nghì) nhiều năm qua có không ít khó khăn, vất vả. Năm 2017, chị biết mình mắc bệnh suy thận. Từ đó, chồng chị thường xuyên ở bên chăm sóc, thay vợ làm lụng nuôi các con, anh cũng là tài xế đưa chị ngược về phố để chạy thận.

Cuối năm 2019, biến cố ập đến với gia đình chị, người chồng sau khi đưa chị ra quốc lộ bắt xe đi bệnh viện chạy thận, lúc trên đường trở về nhà không may bị tai nạn qua đời.

Những bà mẹ vừa nuôi con một mình vừa chống chọi bệnh suy thận ở vùng cao Quảng Trị - Ảnh 4.

Chị Thủy đượm buồm khi nhớ về cái chết của chồng mình. Ảnh: Đức Tài

"Hôm đó trời mưa phùn, lúc chở mình đi chồng dặn dò, cổ vũ tinh thần nhiều lắm. Không ngờ vừa mới đặt chân xuống bệnh viện thì nghe tin chồng gặp nạn", chị Thủy đượm buồn.

Đời sống ở miền núi trước giờ đã khó khăn, thiếu thốn, giờ mắc trong mình bệnh suy thận khiến cuộc sống của chị càng thêm vất vả. Từ ngày không còn chồng bên cạnh, chị Thủy một mình gồng gánh mọi trách nhiệm của gia đình: lên rẫy, đi làm thuê đủ thứ việc kiếm tiền trang trải cuộc sống, lo cho con ăn học dù có những lúc cơn đau do bệnh tật "hành hạ" đến khó thở.

Nhìn cơ thể với hàng trăm vết lở lớn nhỏ của chị Thủy khiến ai cũng xót xa. Bệnh tật khiến chị từ một người khỏe mạnh nay gầy ốm yếu. Từ ngày chồng mất, chị phải một mình lặn lội hơn 75km từ nhà ra quốc lộ bắt xe về Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị chạy thận.

"Mỗi tuần đi chạy thận hết gần 1 triệu đồng, tiền thuê xe, tiền ăn, tiền mua thuốc, thỉnh thoảng phải đi truyền đạm. Công việc thì không có, ba đứa con đang tuổi ăn học nên lúc nào hết tiền lại đi vay mượn, xin bà con hàng xóm, người thân", chị Thủy chia sẻ.

Những bà mẹ vừa nuôi con một mình vừa chống chọi bệnh suy thận ở vùng cao Quảng Trị - Ảnh 5.

Cánh tay với hàng trăm vết lở lớn nhỏ của chị Thủy không khỏi xót xa. Ảnh: Đức Tài

Luôn đồng hành, hỗ trợ

Ông Hồ Văn Phin - Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam xã Húc Nghì cho biết, hiện trên địa bàn có 4 phụ nữ mắc căn bệnh suy thận. Cuộc sống, hoàn cảnh của cả bốn đều rất khó khăn, có chị Phăn và Thủy một mình nuôi đến ba người con đang tuổi ăn học và hầu hết không có việc làm ổn định, chỉ sống phụ thuộc vào nương rẫy, những con gà, con lợn nuôi được.

Nhằm giúp đỡ, đồng hành cùng người mắc bệnh vượt qua khó khăn, hàng năm chính quyền xã, huyện luôn đứng ra kêu gọi các nhà hảo tâm, mạnh thường quân, tổ chức các chương trình "Nhân ái", trao tặng các phần quà cho bà con, đặc biệt là những người mắc bệnh suy thận.

"Ngoài chi phí Nhà nước hỗ trợ, mỗi tháng chúng tôi luôn trích một ít kinh phi hỗ trợ cho những người mắc bệnh suy thận, lo chi chi phí học tập cho các cháu là con em người mắc bệnh. Dù biết số tiền không lớn nhưng tôi mong món quà tinh thần sẽ giúp đỡ cho họ vượt qua những khó khăn đang đối mặt", ông Phin nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại