Sinh sản đơn tính vốn là một cơ chế không xa lạ với các sinh vật Trái Đất, thường hiện diện ở một số sinh vật bậc thấp.
Tuy nhiên có thể do tác động từ con người - thông qua hành động nuôi nhốt, một số động vật sau hàng ngàn, hàng triệu năm sinh sản hữu tính bỗng xuất hiện những "bà mẹ trinh nữ".
1. Cá sấu Costa Rica
Vườn thú Parque Reptilandia ở Costa Rica trở nên rất nổi tiếng trong năm 2023, khi một con cá sấu cái bất ngờ sinh ra 14 quả trứng sau 16 năm hoàn toàn không tiếp xúc với một con đực nào.
Đây là con cá sấu đầu tiên trên thế giới sinh con mà không cần con đực. Các quả trứng đều được thụ tinh đầy đủ và có 7 quả đã phát triển con non bên trong khi được ấp, trong đó 1 quả hình thành bào thai hoàn chỉnh, tuy nhiên cuối cùng vẫn không nở được.
Xét nghiệm DNA các bào thai này xác nhận sự trùng khớp di truyền lên tới 99,9% với bà mẹ "trinh nữ".
2. Rồng Komodo ở Anh
Vào năm 2006, một con rồng cái tên Flora tại Vườn thú Chester ở Anh đã sinh ra một lứa 25 quả trứng mặc dù chưa bao giờ giao phối với con đực.
Không có một con rồng Komodo nào khác cùng sống trong vườn thú này và toàn bộ châu Âu khi đó chỉ có 2 cá thể rồng Komodo.
11 quả trứng trong số đó vẫn sống khỏe bất chấp điều kỳ lạ. Phân tích phôi từ 3 quả trứng hỏng, các nhà khoa học xác nhận toàn bộ vật liệu di truyền đều đến từ Flora.
3. Đứa con của 3 bà mẹ cá mập
Một cách không thể hiểu nổi, một buổi sáng tại Sở thú và thủy cung Henry Doorly ở TP Omaha thuộc bang Nebraska - Mỹ, các nhân viên đã "choáng" vì sự hiện hiện của một con cá mập con dài 16,5 cm.
Trong bể khi đó tuy có 3 con cá mập đầu xẻng nhưng đều là cá mập cái. Không có con nào trong số đó từng "cặp kè" với con đực và cũng không có dấu hiệu giao phối với bất kỳ loài nào khác trong bể.
Vụ việc sinh con đơn tính này đã được xác nhận trong một bài báo khoa học xuất bản năm 2007.
Sau này, người ta tiếp tục phát hiện một số loài cá mập khác cũng phát triển khả năng sinh sản đơn tính bao gồm cá mập ngựa vằn, cá mập rạn san hô mũi đen, cá mập chó săn.
4. Thần ưng California
Thần ưng California là một loài chim họ kền kền từng phổ biến khắp Bắc Mỹ và cũng là loài chim bản địa lớn nhất nước Mỹ với sải cánh dài tới 3 m.
Số lượng cá thể thần ưng California ngày càng giảm thấp do nạn săn bắt trộm và môi trường sống bị phá hoại. Do vậy, chính phủ Mỹ đã nỗ lực đem một số con về các vườn thú và tạo điều kiện cho chúng sinh sản. Đó cũng là lúc điều kỳ quặc xảy ra.
Tại Vườn thú San Diego, nơi một số con thần ưng mái được cho sống chung với con trống khỏe mạnh, chúng vẫn nhất quyết... sinh con một mình.
Một cuộc kiểm tra 2 con thần ưng trống non vào năm 2021 tại đây đã phát hiện chúng mang bản sao DNA giống hệt nhau của chim mẹ, tức 100% là đứa con "tự nhân bản"!