Có những người không xuất hiện ken đặc trên mặt báo nhưng vẫn âm thầm đóng góp cho đại cục vì đó là công việc của họ. Họ chỉ là những con người bình thường như bao người, nhưng cùng nhau, họ đã tạo nên kỳ tích. Khi tấm rèm phủ xuống, những diễn viên chính của vở kịch sẽ được nhớ đến mãi nhưng những người đằng sau cánh gà thì không ai biết đến.
Nhân dịp kỷ niệm 50 năm sứ mệnh Apollo 11 đưa con người lần đầu tiên đặt chân lên bề mặt Mặt Trăng (20/7/1969 - 20/7/2019), chúng ta hãy cùng nhau đưa những anh hùng thầm lặng này một lần nữa được sải bước trên thảm đỏ.
Wernher Von Braun là tác giả của bản thiết kế tên lửa Saturn V được sử dụng cho sứ mệnh Apollo 11 và 8 nhiệm vụ Apollo khác. Với những sáng tạo của mình, ông xứng đáng được đứng ở vị trí trung tâm trong ngành thám hiểm không gian nhưng di sản của ông thì khá mơ hồ.
Sinh ra vào năm 1912 và lớn lên ở Đức, ông cũng là người thiết kế nên tên lửa V-2 nổi tiếng của Đức Quốc Xã. Khi còn là một sinh viên ở Berlin, ông đã đọc một bài viết khoa học viễn tưởng và bắt đầu gợi lên những dòng suy nghĩ trong đầu về một tương lai du hành đến các hành tinh khác.
"Đó là những điều lãng mạn đến thực tế. Để con người có thể đi vào vũ trụ, tôi thấy nếu có cống hiến cả cuộc đời cũng rất xứng đáng.
Chúng ta sẽ không còn ngắm nhìn những vì sao trên cao qua kính viễn vọng, thay vào đó, ta sẽ vượt qua giới hạn mà trước nay vẫn mang tên là thiên đường. Tôi đang có cảm giác đúng với những gì Columbus từng trải qua: hồi hộp cho một chuyến phiêu lưu mới", ông chia sẻ với The New York Times vào những ngày cuối đời.
Những mộng tưởng ấp ủ trong ông đến suốt đời nhưng ông không chỉ ngừng lại như là một kẻ mộng mơ. Năm 1930 khi ông là cậu con trai 18 tuổi, ông bắt đầu chế tạo những tên lửa cỡ nhỏ và cho phóng lên tại một cánh đồng ở ngoại ô Berlin. Cùng có mặt với ông ở bãi phóng là những người bạn có cùng đam mê và người thầy hướng dẫn họ.
Năm 1932 khi Hiệp ước Versailles được kí kết và Thế chiến thứ nhất kết thúc, một chiếc xe được phủ kín khắp các mặt bởi một màu đen huyền bí ngừng lại ở bãi đất trống, họ không đến để bắt Von Braun vì dám bắn tên lửa ở thủ đô, họ đưa ông đi với tâm thế vui vẻ và mong được hợp tác cho các dự án quân sự của quân đội.
Thời thế tạo anh hùng, lớn lên giữa thời chiến tranh giúp ông nảy ra những ý tưởng táo bạo về tên lửa phục vụ quân sự. "Nhưng trong thâm tâm tôi không thật sự thích điều này, bởi tôi không muốn mình gián tiếp giết chết những người vô tội ở một đất nước xa xôi nào đó", ông tâm tư.
Năm 1957, Liên Xô phóng Sputnik trở thành vệ tinh nhân tạo đầu tiên của Trái Đất, thôi thúc ông làm một điều phi thường khác. Ông tham gia cùng nhóm với các nhà khoa học ở Dự án Vanguard được vận hành bởi Hải quân Mỹ, họ cùng nhau tạo ra tên lửa phóng thẳng đến Sao Mộc nhưng không thành công.
Thất bại ê chề, ông nói chuyện trực tiếp với quan chức ở Lầu Năm Góc rằng mình có thể tạo ra một vệ tinh để đưa thẳng lên quỹ đạo trong 60 ngày. Ông đã thật sự thực hiện điều đó cùng với hai người cộng sự khác và trình làng Explorer 1 - vệ tinh nhân tạo đầu tiên của Mỹ bay vào vũ trụ.
Chỉ 5 năm sau, ông đến dự một buổi họp báo tại Trung tâm Vũ trụ Kennedy ở Florida. Trên màn hình ở phòng họp ghi lại cảnh trực tiếp những gì đang diễn ra ở bên ngoài: một vật to lớn và cao bằng mấy tòa nhà đang bay thẳng lên cao, xung quanh là đám khói dày màu trắng pha cam ôm lấy mặt đất và lan tỏa ra biển.
Von Braun hòa cùng không khí vui mừng bên trong căn phòng, ông vỗ tay cho tác phẩm mới nhất của mình: tên lửa Saturn V đưa các phi hành gia thuộc chương trình Apollo ra khỏi Trái Đất và bay đến quỹ đạo Mặt Trăng, họ chỉ bay vòng quanh "chị Hằng" rồi quay về địa cầu.
Tên lửa Saturn V dùng cho các sứ mệnh Apollo nặng hơn 200 lần và mạnh gấp 4 lần so với tên lửa V-2 ông từng chế tạo cho Đức Quốc Xã, cũng như to lớn và cường tráng hơn bất kỳ tên lửa nào trước đây mà Mỹ và Liên Xô đã từng chế tạo.
Trong 13 lần phóng thành công của Saturn V, chiếc tên lửa này đã đưa 9 phi hành gia bay xung quanh Mặt Trăng và 6 người được đặt chân dạo bước trên vật thể này. Các bản thiết kế tên lửa của ông đã tạo nên kỳ tích và giúp Mỹ trở thành nước duy nhất đưa con người lên Mặt Trăng thành công.
Dẫu có những thành tích vang dội, nhưng do ông từng là một người Đức và cống hiến sức lực cùng trí tuệ của mình cho chế độ phát xít thời Hitler, nhiều người Mỹ ngày nay không mấy vui vẻ khi công nhận di sản của ông, dẫn đến việc ông chỉ là một cái tên mờ nhạt sau những thành công của ngành hàng không vũ trụ.
"Những người đàn ông trên tàu và thiết bị đi cùng đã đổ bộ thành công trên bề mặt Mặt Trăng. Mọi thứ đã diễn ra thật hoàn hảo, dù đây không phải là tính từ hoàn hảo nhất để chỉ việc này" - giọng nói bình tĩnh của Samuel Cochran Phillips khi đứng trước cánh phóng viên vang lên trong buổi họp báo về sứ mệnh Apollo 11.
Không chỉ là người đứng đầu các bộ phận kỹ thuật liên quan, Samuel Cochran Phillips - một người lính không quân đã giải ngũ - còn là người kết nối cấp dưới của mình để tạo ra một đội hình hoàn hảo nhằm đẩy sự chính xác thậm chí còn vượt xa hơn giới hạn vốn có của nó.
Sinh ra vào năm 1921 tại Springerville, bang Arizona, ông đã có nhiều năm bay lượn trên bầu trời khi tham gia không quân rồi trở về làm thường dân sau khi hai cuộc thế chiến kết thúc. Những kiến thức ông có được trong thời gian làm quân nhân và niềm say mê bầu trời đã giúp ông phát huy tốt nhất khả năng của mình tại NASA.
Năm 1964, NASA giao chương trình Apollo cho ông nắm với tư cách là giám đốc. Khoác trên người chiếc áo sơ mi đặc trưng của dân văn phòng nhưng vị tướng quân đội vẫn giữ phong thái làm việc của một quân nhân. Đứng ở vai trò giám đốc, nhưng ông vẫn theo sát mọi công việc vốn đã được giao cho cấp dưới điều hành, vì ông muốn mọi thứ đều phải thật hoàn hảo.
Trước khi có được thành công của Apollo 11, buổi thử nghiệm sứ mệnh đầu tiên trong chương trình là Apollo 1 đã thất bại khiến ba phi hành gia trên tàu thiệt mạng. Ông đã bị triệu tập đến buổi điều trần trước Quốc hội để giải thích mọi chuyện, lòng tin của các quan chức nơi ông trở nên thiếu vững chắc hơn bao giờ hết.
Trước khi rời khỏi nghị trường và làm tạm lắng cuộc tranh luận sẽ còn kéo dài lên mười tám tháng nữa, Samuel Phillips đã khẳng định chắc nịch với Tổng thống Lyndon Johnson rằng bản thân ông cùng các đồng nghiệp ở NASA sẽ đưa con người đặt chân lên Mặt Trăng trước năm 1970.
Một năm trước khi thời hạn của lời hứa kết thúc, phi hành gia Neil Armstrong và Buzz Aldrin đã bay lên bầu trời bằng sức đẩy của tên lửa Apollo 11 rồi lần đầu tiên dạo bước trên bề mặt một thứ không phải Trái Đất suốt 22 giờ đồng hồ. Sau khi cơn sốt Apollo 11 qua đi, ông rời khỏi NASA và quay lại phục vụ quân đội.
Đã nửa thế kỷ trôi qua nhưng rất nhiều người vẫn nghĩ chỉ có 2 phi hành gia đặt chân lên Mặt Trăng trong nhiệm vụ lịch sử đó. Michael Collins, nhà du hành thứ ba đi cùng Neil Armstrong và Buzz Aldrin, có lẽ là người cô đơn nhất trong lịch sử của ngành thám hiểm không gian.
Trên chuyến tàu Apollo 11 năm đó, có ba người cùng nhau bay từ Trái Đất lên Mặt Trăng, nhưng Michael Collins được chỉ định phải ở lại tàu để theo dõi các thông số nhằm đảm bảo tàu vẫn ở quỹ đạo và xử lý tình huống khẩn cấp khi hai đồng đội của mình đang thực hiện chuyến đi bộ bên dưới.
Ông Collins đã bị gần như cả thế giới lãng quên dù chỉ ở cách điểm đến chưa đầy 100 cây số. Vào thời điểm con người đặt bước chân nhỏ lên Mặt Trăng để tạo ra bước tiến lớn của nhân loại, ông cũng chỉ nhìn chằm chằm vào các nút bấm và các con số, thay vì ngồi cùng gia đình để theo dõi chương trình truyền hình trực tiếp qua TV.
Nhưng quý ngài Collins lạc quan hơn nhiều so với những người mãi đến tận lúc này mới biết đến sự tồn tại của ông. "Tôi đâu có bận tâm quá nhiều đến việc này. Vào lúc đó, tôi đã có thể tự chiêm ngưỡng cả hành tinh nơi mình sống cùng một vật thể tưởng quen nhưng rất lạ - Mặt Trăng", ông trả lời trong một cuộc phỏng vấn mới đây với tờ The New York Times.
"Mỗi người có mỗi năng lực riêng mà ta chỉ là chính ta khi phát huy tốt khả năng đó. Tôi có thể đã không trở thành một trong hai người đầu tiên đặt chân lên Mặt Trăng, nhưng tôi tự hào vì mình đã giúp hai đồng đội hoàn thành tốt công việc đó, bởi vì sở trường của tôi là vậy.
Khi cách bề mặt Mặt Trăng khoảng 100 km, chúng tôi phải nhanh chóng tìm kiếm vị trí để đáp xuống trong 30 giây nhiên liệu. Armstrong đã tìm được một vùng đất bằng phẳng, cuộc đổ bộ có vẻ suôn sẻ nhưng áp lực tăng cao lên ngay khi họ rời khỏi khoang tàu.
Tôi nghĩ đến cảnh họ sẽ ra đi mà không bao giờ trở lại. Dù là một người lạc quan, việc chưa hề có một hiểu biết nào về vật thể mới lạ này khiến tôi lo lắng và tôi càng phải tập trung hơn trong công việc của mình. Tôi được huấn luyện qua 18 tình huống xấu nhất và cách xử lý tương tự, nhưng trong thực tế mọi thứ khác hoàn toàn", ông nhớ lại chuyến đi của 50 năm trước.
Trong một bài phỏng vấn sau khi 3 phi hành gia quay về Trái Đất an toàn, Michael Collins cho biết ông sẽ ân hận cả đời nếu có sự cố bất trắc diễn ra khiến hai người bạn của mình không bao giờ về lại địa cầu được, bởi vì ông hoàn toàn có thể quay về một mình nếu tình huống xấu nhất xảy đến.
Collins năm nay 88 tuổi, ông đã là một người đàn ông 38 tuổi khi thực hiện chuyến bay lịch sử, cả hai người đồng hành với ông cùng sinh năm 1930. Cũng như nhiều phi hành gia khác, ông từng là phi công của Không quân Hoa Kỳ. Ông nộp đơn đến NASA vào năm 1962 nhưng bị từ chối, ông thử lại năm tiếp theo thì được chấp nhận.
Trước khi bay trên chuyến tàu Apollo 11, NASA đã xác định được ông là nhân tố mà họ cần và chỉ định ông sẽ là chỉ huy của sứ mệnh Apollo 17 giúp ông được đặt chân lên Mặt Trăng, nhưng ông đã xin ngừng công việc này ngay sau khi thực hiện thành công sứ mệnh 11.
"Khi nhìn Trái Đất từ khoảng cách 370.000 km, nó như một vệt bụi mờ nhạt và vô cùng mỏng manh, tôi ước chừng mình có thể dùng tay quẹt một vệt và tất cả sẽ biến mất. Từ con tàu khi tôi ở một mình, Mặt Trời mọc lên sau lưng và chiếu thẳng xuống Trái Đất. Nhưng cảnh tượng đẹp đến nao lòng và tôi luôn muốn ngắm nhìn luôn mãi", ông hồi ức lại những kỷ niệm.
Giải thích cho việc tại sao lại bỏ ngang công việc du hành vũ trụ, ông chia sẻ dẫu có thể phóng tầm mắt đến những chân trời hoàn toàn mới, nhưng ông lại đang ở rất xa gia đình của mình. Công việc sau đó của ông chỉ quanh quẩn chiếc bàn giấy, ông phụ trách truyền thông và làm giám đốc bảo tàng của NASA.
"Tôi không thấy buồn chút nào khi thế giới không biết đến mình dẫu tôi có mặt trong chuyến bay huyền thoại đó. Tôi thấy vui vì mình đã góp một phần tạo nên lịch sử và những người tôi thương yêu vẫn biết đến mình là phi hành gia thứ ba - đây cũng chính là lý do tôi giã từ sự nghiệp vũ trụ", nhà du hành bị lãng quên bồi hồi xúc động.