Tổng thống Mỹ Donald Trump đã trình một đề xuất mới về cải cách nhập cư vào ngày 16/5, theo đó sẽ thay đổi lịch sử bấy lâu nay của Mỹ là chào đón người nghèo, những người muốn có những thay đổi lớn trong đời. Thay vào đó, Mỹ sẽ trao quyền công dân cho những người có học vấn cao và lương cao.
Tổng thống Trump cho rằng Mỹ từ quá lâu nay đã định hình chính sách nhập cư dựa vào mối quan hệ gia đình và may mắn. Ông nói: “66% người nhập cư hợp pháp tới Mỹ dựa trên cơ hội ngẫu nhiên. Họ được chấp nhận chỉ vì họ có họ hàng ở Mỹ và không cần biết người họ hàng đó là ai”.
Theo trang Quartz, khoảng 60% trong số những trường hợp thường trú hợp pháp mới nhất tại Mỹ năm 2015 được chấp nhận là vì mối quan hệ gia đình. Con số này liên tục tăng trong những năm gần đây.
Tổng thống Trump nói: “Chỉ có 12% người nhập cư hợp pháp được chọn dựa trên kỹ năng hoặc phẩm chất”. Ông đề xuất đưa tỷ lệ này lên 57% để khiến Mỹ phù hợp với các nước khác và có thể cạnh tranh toàn cầu. Ông lưu ý là những người có kỹ năng cao sẽ được phép mang theo gia đình.
Ông đề xuất một hệ thống mới dựa trên điểm, theo đó sẽ thưởng điểm cho người lao động trẻ có kỹ năng tốt, có học vấn cao, có hợp đồng lao động, có kế hoạch tạo công ăn việc làm và người lao động lương cao.
Ý tưởng cải cách trên gần như chỉ do hai cố vấn của Tổng thống Trump vạch ra, đó là Jared Kushner và Stephen Miller. Các quan chức Bộ An ninh Nội địa cho biết đề xuất này gần như không có phần nào do bộ này đóng góp. Bộ An ninh Nội địa chịu trách nhiệm hoàn toàn về chính sách nhập cư của Mỹ, từ việc xem xét người nộp đơn, xử lý đơn xin visa cho tới đơn xin tị nạn.
Các thành viên Quốc hội Mỹ và chuyên gia nhập cư cho rằng ý tưởng cải cách nhập cư của Tổng thống Trump có ít cơ hội được thông qua. Ông Pili Tobar, Giám đốc điều hành cơ quan America’s Voice (Tiếng nói Mỹ), nhận xét: “Nói rằng đề xuất này chết ngay từ khi được trình sẽ còn là nhẹ nhàng”.
Tổng thống Trump từ lâu đã phản đối “nhập cư dây chuyền” – thuật ngữ mà các nhà hoạt động phản đối người nhập cư dùng để miêu tả chính sách của Mỹ ưu tiên mối quan hệ gia đình trong các quyết định nhập cư. Tuy nhiên, đó đã là xương sống đối với sự tăng trưởng kinh tế và thịnh vượng của nước Mỹ, thôi thúc làn sóng người dân từ các nước chiến tranh, nghèo đón kéo đến Mỹ, tạo ra những thành phố mới, ngành mới ở Mỹ.
Theo tờ Quartz, nếu như đề xuất cải cách nhập cư của Tổng thống Trump được thực hiện ở Mỹ cách đây 100 năm, nhiều thành viên trong Nhà Trắng hiện nay sẽ không bao giờ là người Mỹ, kể cả bản thân Tổng thống Trump.
Tổng thống Donald Trump
Gia đình của ông Trump. Ảnh: AP
Tổng thống Trump có tổ tiên là người Scotland. Năm 1929, mẹ ông là bà Mary Anne MacLeod đã rời Glasgow khi 17 tuổi trên tàu SS Transylvania để tới Mỹ đoàn tụ với hai chị em gái.
Ông nội của Tổng thống Trump là Friedrich Trump, đã rời Đức năm 16 tuổi tới Castle Garden ở Manhattan năm 1885. Ông đoàn tụ với em gái Katherine – người tới Mỹ trước đó và kết hôn với một thư ký tên là Friedrich Schuster.
Phó Tổng thống Mike Pence
Phó Tổng thống Mike Pence. Ảnh: Kyodo/TTXVN
Ông của Phó Tổng thống Mike Pence là Richard Cawley đã di cư từ hạt Mayo ở Ireland tới Mỹ cùng bốn anh chị em ruột.
Họ bắt đầu di cư theo thứ tự tuổi tác: Anh cả của ông Richard là ông James bắt đầu di cư bằng cách tới Mỹ để đoàn tụ với một người dì ở Illinois. Sau đó, ông James giúp ông Richard tới Mỹ. Tiếp đó, ông Richard giúp em trai Thomas di cư. Tới lượt mình, ông Thomas giúp các em gái tới Mỹ.
Sử gia Megan Smolenyak viết trên tờ Medium rằng đây là một trong những chuỗi di cư dây chuyền trật tự nhất mà ông từng biết.
Gia đình Cawley may mắn trong việc di cư. Mặc dù Đạo luật Nhập cư khẩn cấp năm 1921 hạn chế nhập cư nhưng đạo luật lại ưu tiên người quốc tịch Bắc và Tây Âu như Ireland. Nếu họ là người Italy hay người nói tiếng Xlavơ thì có thể sẽ không vào được Mỹ.
Cố vấn Jared Kushner, con rể Tổng thống Trump
Cố vấn Jared Kushner. Ảnh: AFP/TTXVN
Ông bà nội của Jared Kushner là người sống sót sau nạn diệt chủng người Do Thái. Ông bà Joseph và Rae Kushner tới Mỹ năm 1949. Khi đó, họ là người tị nạn Đông Âu nghèo đói và sống nhiều năm trong trại ở Italy dành cho người không nhà cửa để chờ được nhận vào Mỹ.
Bà nội của ông Jared đã nói về cảm giác khi Mỹ để những người bà và chồng sống mòn mỏi trong những khu trại này suốt nhiều năm để chờ được phép vào Mỹ.
Cố vấn tổng thống Stephen Miller
Stephen Miller - Cố vấn cấp cao Nhà Trắng. Ảnh: AP
Ông Miller có ảnh hưởng lớn với quyết định nhập cư của Nhà Trắng. Ông đã đề xuất các quy tắc mới về quyền công dân, trong đó có yêu cầu là phải biết nói tiếng Anh.
Trong khi đó, theo nhà phả hệ học Jennifer Mendelsohn, cụ ngoại của ông Miller là Nison Miller không biết nói tiếng Anh. Ông Nison Miller từng trượt bài kiểm tra cấp quyền công dân Mỹ vì “thiếu hiểu biết”, nhưng vẫn được cho phép ở lại Mỹ.
Cụ nội của ông Stephen Miller cũng đã tới Mỹ thông qua “di cư dây chuyền”, đoàn tụ với họ hàng đã tới Mỹ trước đó.
Link gốc bài viết tại đây.